Kỷ niệm 55 năm Củ Chi “Đất thép thành đồng”
Cập nhật: 18/09/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Sáng nay (17/9), Huyện ủy-HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ huyện Củ Chi – TP.HCM phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố tổ chức Lễ kỷ niệm 55 năm ngày Củ Chi được phong tặng danh hiệu “Đất thép thành đồng” (17/9/1967-17/9/2022).
Đến dự có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, cùng các Mẹ Việt Nam anh hùng, các vị lão thành cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; đại diện các gia đình chính sách tiêu biểu, các chức sắc tôn giáo.
Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu đã ôn lại lịch sử đấu tranh hào hùng của quân và dân Củ Chi trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với vị trí chiến lược quan trọng là vành đai ở cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn, nằm trong vùng Tam Giác Sắt, Củ Chi là chốt chặn các cuộc càn mang tính hủy diệt của kẻ thù vào căn cứ, chiến khu cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
Với tinh thần quả cảm, mưu trí, sáng tạo trong đánh giặc Mỹ, quân và dân Củ Chi vinh dự được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu cao quý “Đất thép thành đồng” và tặng thưởng Huân chương Thành đồng Hạng ba tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các Lực lượng vũ trang Nhân dân giải phóng toàn Miền Nam lần thứ hai vào ngày 17/9/1967.
Ngày nay, phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ và các thế hệ lãnh đạo huyện Củ Chi với tinh thần đổi mới, sáng tạo, đưa ra các quyết sách, giải pháp phù hợp trong mỗi thời kỳ, đáp ứng kịp thời những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn, giúp Củ Chi phát triển nhanh ở nhiều lĩnh vực.
Tiêu biểu cho sự sáng tạo đó là công trình đào kênh Đông. Con kênh đào được ví như công trình “địa đạo nổi” đã làm thay đổi căn bản về đời sống, kinh tế nông thôn và nông dân trong huyện. Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp không ngừng phát triển, tốc độ tăng trưởng hàng năm của huyện đạt trên 7%. Năm 2015, Củ Chi là huyện ngoại thành đầu tiên của TP.HCM được công nhận huyện nông thôn mới.
Bí thư Huyện ủy Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng cho biết, với sự phát triển không ngừng, nền kinh tế huyện đạt những chỉ số khá ấn tượng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tỷ trọng ngành nông nghiệp từ 16,8% năm 2010 giảm còn 7,6%; công nghiệp từ 69,6% tăng lên hơn 77,5 %; thương mại dịch vụ từ 13,6% tăng lên hơn 16%. Năm 2020-2021, Củ Chi vượt qua đại địch COVID-19, giữ vững “vùng xanh”, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 63,6 triệu đồng/người/năm.
Củ Chi cũng là nơi khởi nguồn các chính sách về tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, xóa nhà tranh tre, nơi khởi đầu phong trào xóa đói giảm nghèo đầu tiên ở TPHCM và lan rộng ra cả nước. Đến nay, 35 ngàn hộ gia đình chính sách, có công trên địa bàn được chăm lo về đời sống tinh thần và vật chất. 37 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đang được phụng dưỡng suốt đời, xây dựng 4.489 căn nhà tình nghĩa…
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP mong muốn Củ Chi luôn tiếp nối truyền thống anh hùng cách mạng, đổi mới, sáng tạo hơn nữa, chung tay xây dựng TP.HCM thành thành phố thông minh.
Để làm được việc đó, bà Nguyễn Thị Lê nhấn mạnh, ngoài những tiềm năng sẵn có, với Củ Chi, truyền thống cách mạng anh hùng cũng là một nguồn lực, động lực để thúc đẩy phát triển. Nguyên tắc xuyên suốt để phát triển huyện là phải đặt lợi ích của Nhân dân vào vị trí trung tâm. Định hướng phát triển Củ Chi thành đô thị sinh thái, thông minh, bền vững; đô thị theo cụm, có sự liên kết với khu vực lân cận; giữ lại cơ cấu nông nghiệp để phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp có giá trị cao./.
Từ khóa: Củ Chi đất thép thành công, 55 năm Củ Chi được phong danh hiệu đất thép thành đồng
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN