Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Bùi Hiển (1919-2019)
Cập nhật: 25/09/2019
Cruise ship brings tens of thousands of foreign tourists to Vietnam
NTK Thuỷ Nguyễn mang lời ca Dạ cổ Hoài lang vào bộ sưu tập áo dài
VOV.VN - "Bùi Hiển là nhà văn viết thận trọng. Anh đi vào cuộc sống, hòa mình vào cuộc sống bằng đôi mắt hiền lành nhưng rất tinh tế, rất hóm hỉnh".
1. Tôi được làm quen nhà văn Bùi Hiển năm 1948 khi ông từ Nghệ An ra Thanh Hóa dự khóa học viết văn do Chi hội Văn nghệ Liên khu IV tổ chức, nhân đó đến thăm bạn tại tòa soạn báo Cứu quốc. Tiễn ông ra về, nhà thơ Chế Lan Viên quay lại bảo tôi: “Ông Bùi Hiển thật kỳ cục! Ông viết truyện ngắn hay đến thế mà nay lần ra tận đây học viết văn, trong khi trong số những người sẽ lên lớp cho ông có tay chẳng viết được truyện nào ra hồn!”.
Nhiều năm sau tôi mới hiểu ra, Bùi Hiển tác giả tập truyện ngắn "Nằm vạ" nổi đình đám xin đi học vì hai lẽ. Trước hết ông vốn là một người khiêm nhường, ham học, say mê đi thực tế và tìm học trong bất cứ hoàn cảnh nào. Hai là ông muốn thoát khỏi vai trò cán bộ quản lý Ty (nay là Sở) Thông tin Tuyên truyền tỉnh Nghệ để được tự do bay nhảy, trải nghiệm cuộc sống, sưu tầm tư liệu sáng tác.
Nhà văn Bùi Hiển. (Ảnh: TL) |
Xong khóa học ông ở lại làm việc tại Sở Thông tin Tuyên truyền Liên khu IV do nhà văn Hải Triều làm Giám đốc, và chẳng bao lâu được toại nguyện. Ông giám đốc ký quyết định cử chuyên viên Bùi Hiển đi ba tỉnh Bình, Trị, Thiên với nhiệm vụ “kiểm tra công tác thông tin, tuyên truyền”, thời hạn sáu tháng.
Hồi ấy Bình Trị Thiên do đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Bí thư Khu ủy nổi tiếng trong cả nước qua các cụm từ: “Bình Trị Thiên khói lửa” - lửa giặc Pháp đốt nhà dân, đốt làng mạc, phá hoại đền chùa; “Bình Trị Thiên đau thương” - do địch giết hại, tàn sát dân lành không nương tay. Và những người dân tại chỗ đã quyết tâm giành lại sự sống qua cuộc chiến đấu hết sức kiên cường, mau chóng được nhiều người biết đến với mấy từ bền lâu hơn: “Bình Trị Thiên anh dũng”. Mặt trận Bình Trị Thiên cuốn hút nhiều văn nghệ sĩ đang sinh sống tại vùng tự do Thanh Nghệ Tĩnh hoặc từ các nơi khác mới sơ tán về đây vào tham gia cuộc chiến, tìm nguồn cảm hứng và tư liệu sáng tác.
Cuối năm 1949, báo Cứu quốc cử nhà thơ Chế Lan Viên vào Bình Trị Thiên, rồi ngay sau đó cử phóng viên Hoàng Tùng (bút danh của tôi thời ấy) vốn vừa từ ba tỉnh vùng định hậu ra giờ quay trở lại chiến trường. Chế Lan Viên là nhà thơ tên tuổi, ông đi thực tế, sống tại chiến trường để sáng tác văn học, còn tôi anh phóng viên chân đất có nhiệm vụ đưa tin, viết bài tại chỗ gửi ra đăng tờ báo xuất bản hằng ngày tại Liên khu IV vẫn với danh nghĩa “cơ quan của Hội Liên Việt”, tức Mặt trận Việt Minh nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Khoảng đầu năm 1950, tôi đang nghỉ nhờ tại cơ quan Thành ủy Huế (thời ấy gọi Thị ủy) đóng tại làng Thanh Thủy Chánh nơi có cây cầu ngói Thanh Toàn nức tiếng, chờ đến chập tối đáp thuyền đi dọc các con sông đến quãng an toàn nhất trên Quốc lộ 1, từ đó băng qua đường lên vùng chiến khu. Trong giấc ngủ trưa chập chờn, chợt nghe có giọng nói quen bằng tiếng Nghệ hơi nặng so với nhẹ nhàng giọng Huế, tôi mở mắt nhìn thấy Bùi Hiển vạm vỡ trong bộ cánh nhuộm nâu, hơi khác với bộ đồ bà ba đen được ưa chuộng hơn ở Trị Thiên hồi bấy giờ. Ông vừa từ Thanh Hóa vào đến đây: “Mình nhìn thấy ông ngay khi vừa mới đến nhưng để yên cho ông nghỉ”.
Bình Trị Thiên thành điểm hẹn và mối cơ duyên giữa nhiều người cầm bút. Chế Lan Viên và Bùi Hiển gặp lại nhau trong một buổi tối vượt qua Quốc lộ 1 nơi địch thường phục kích, người ở chiến khu xuống thì thào hỏi “đã yên chưa”, người từ vùng đồng bằng (địch hậu) lên chỉ kịp đáp “yên rồi” xong vội xốc ba lô theo cho kịp đoàn.
Ông chuyên viên từ vùng tự do vào chiến trường “kiểm tra công tác”. Công tác gì? Ngay sau ngày đến cơ quan Thị ủy trình giấy giới thiệu, ông về luôn Trung đoàn 95 đơn vị chủ lực tỉnh Quảng Trị sinh hoạt cùng bộ đội, cùng tôi “ăn Tết” tùng tiệm với các chiến sĩ, chờ đến lúc gần sáng ngày mùng hai Tết cùng anh em đi phục kích những tên lính Tây đi càn lẻ cướp gà vịt, cây trái nhà dân.
Bùi Hiển rất thích thú chuyến đi thực tế chiến trường năm ấy và cố tình “vô kỷ luật”. Giấy công tác cử ông chuyên viên đi làm nhiệm vụ tại vùng đất lửa có thời hạn sáu tháng, ông cứ lần chần, sau Thừa Thiên, Quảng Trị lại lần ra Quảng Bình tích lũy tài liệu hoặc viết bài tại chỗ. Đến ngày trở lại vùng tự do, tìm đến cơ quan cũ mới té ngửa: Sổ lương ông Bùi Hiển đã bị cắt lâu rồi, bởi hết thời hạn đi công tác cả năm không thấy đến cơ quan! Nhà thơ Lưu Trọng Lư Hội trưởng Chi hội Văn nghệ Liên khu IV cùng hai người bạn trong Ban Thường vụ là Hoàng Trung Thông và Chế Lan Viên sắp xếp mời Bùi Hiển về làm Ủy viên Thường trực để được... hưởng phụ cấp hằng tháng.
(Ảnh: TL) |
2. Những ngày ở chiến trường, ông sống tại nhiều nơi trong vùng địch hậy. Không ít lần phải chạy tránh giặc khi chúng kéo cả đơn vị lớn đi càn, mỗi lần nghe có tiếng đồng bào sống gần đồn địch hét to “Trâu ra!” báo động và nhanh chóng lan truyền từ xóm này sang làng khác. Trong hoàn cảnh nào ông cũng chú ý quan sát và cần mẫn ghi chép, có khi sáng tác tại chỗ. Truyện ngắn "Đánh trận giặc lúa" viết tại Thừa Thiên năm 1951 đăng lên báo, nhận được giải thưởng, sau đó đưa vào một số tuyển tập và giảng dạy trong trường học. Tuy nhiên phải chờ đến đầu năm 1961, tập "Ánh mắt" gồm các truyện ngắn và bút ký viết về chuyến đi này mới ra mắt bạn đọc tại Hà Nội.
Mười năm, tám truyện ngắn, một ký sự và một đoạn trích những ghi chép từ sổ tay đủ cho ta thấy phong cách làm việc cẩn trọng của Bùi Hiển. Tập "Ánh mắt" phát hành, tôi mạo muội viết bài “Đọc sách” đăng lên tuần báo Văn nghệ (số ra ngày 21/1/1961). Tôi nhờ ông đọc trước bản thảo và góp ý, ông không sửa một chữ. Nửa thế kỷ sau, kỷ niệm 85 năm ngày sinh của nhà văn, các con ông cho in tập tinh tuyển "Bùi Hiển - Tác phẩm và Dư luận", ông bảo lục tìm bài đọc sách ấy in vào phần Dư luận:
“Bùi Hiển là nhà văn viết thận trọng... Anh đi vào cuộc sống, tự buộc mình phải hòa vào cuộc sống, và bằng đôi mắt hiền lành nhưng rất tinh tế, rất hóm hỉnh, anh quan sát, anh nhận xét, anh khắc sâu vào trí nhớ từng cảnh sinh hoạt, từng cử chỉ cho đến từng lời nói, từng chữ dùng của người dân. Những điều quan sát được, anh cẩn thận ghi vào sổ tay, những cuốn sổ tay dày cộp, chữ viết ngay hàng thẳng lối như vở học sinh. Thỉnh thoảng anh lại mở sổ ra, đọc đi đọc lại các tư liệu và suy nghĩ, suy nghĩ... Chờ đến bao giờ thấy chủ đề mình ấp ủ đã đủ chín muồi, anh mới đặt bút viết. Và cũng không phải là viết luôn một mạch. Anh viết, xóa, chữa, tranh thủ ý kiến của anh em rồi lại chữa, lại xóa, lại viết...”.
3. Từ những năm 1940, trước Cách mạng tháng Tám, Bùi Hiển đã nổi tiếng trong làng văn cả nước với tác phẩm đầu tay, tập truyện ngắn nhan đề "Nằm vạ" do Nhà xuất bản Đời nay, Hà Nội ấn hành. Riêng truyện "Nằm vạ" trước đó đã đăng báo Ngày nay của Tự lực Văn đoàn kèm lời giới thiệu thắm thiết của Thạch Lam. Nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan xếp luôn tác phẩm của Bùi Hiển vào thể loại “Tiểu thuyết phong tục” cùng với Khái Hưng, Trần Tiêu, Mạnh Phú Tư, Thiết Can, kèm những lời bình hào hứng: “Ma đậu của Bùi Hiển là một truyện ngắn tuyệt hay!” Về truyện Nằm vạ, nhà phê bình nhận xét: “Câu chuyện thật là kín đáo và dàn xếp có nghệ thuật….Phải đọc cả truyện mới thấy hết cái tài tình ngọn bút tả chân của Bùi Hiển”.
Gần nửa thế kỷ sau, Giáo sư Phan Cự Đệ quả quyết: “Có một số người cho rằng nền văn học viết về chiến tranh của ta chỉ nói có một nửa sự thật. Điều đó hoàn toàn không đúng khi chúng ta đọc lại tập "Ánh mắt" của Bùi Hiển. Chiến tranh đã hiện lên trong tác phẩm ấy với bộ mặt tàn khốc và ác liệt của nó”.
4. Nhắc đến chiến khu Thừa Thiên, không thể quên câu chuyện bộ quần áo nâu “được thêu hoa” của nhà văn. Cuối hè năm 1950, Bùi Hiển và tôi loanh quanh tại vùng ta kiểm soát thuộc mấy huyện phía nam tỉnh, không mấy xa thành phố Huế, quan sát cảnh người dân ào ào “gặt trộm” lúa của chính nhà mình trong đêm, phòng sáng mai địch từ các đồn bốt quanh đấy huy động tù thường phạm ra gặt cướp. Một hôm ông hào hứng bảo riêng tôi: “Ông Trần Việt Châu mời cánh ta lên chiến khu nghỉ. Nghe nói cơ quan ông có một thư viện quý, đặt tại một khu rừng riêng biệt cách xa các cơ quan khác trên chiến khu, lại được trang bị đầy đủ tiện nghi cho anh em văn nghệ nghỉ ngơi, sáng tác”.
Hai anh em tìm cách băng qua Quốc lộ 1 lần lên chiến khu. Anh Trần Việt Châu Giám đốc Công an tỉnh hồi ấy là một nhà trí thức yêu văn học, quý văn nghệ sĩ. Qua các cơ sở của mình tại nội thành Huế, anh mua gom được nhiều sách quý phần lớn mới xuất bản tại Paris, trong đó có nhiều tác phẩm văn học Nga và Liên Xô cổ điển và hiện đại, cùng nhiều cuốn viết về Cuộc chiến tranh chống phát xít do Nhà xuất bản Éditions Sociales, Paris dịch và phát hành, cùng một số tuần báo, tạp chí văn nghệ tiếng nước ngoài.
Hai anh em được vị “chủ nhà” đối đãi như thượng khách. Hàng ngày có người phục vụ, cơm bưng nước rót, tiêu chuẩn bữa ăn chẳng đến nỗi nào trong khi món ăn tinh thần dù tham đến mấy vẫn không cách nào ngốn hết. “Thư viện” đơn giản là một cái lán rộng dựng bằng tre nứa nhưng riêng biệt và kín đáo trong một khu rừng mọc toàn tre nứa. Bên trong, bốn mặt đều có những dãy giàn tre bên trên xếp đầy sách báo tiếng nước ngoài. Suốt ngày còng lưng đọc sách, chiều xuống suối tắm giặt, đêm nghỉ ngơi vì không dám dùng đèn sáng, sợ máy bay trinh sát của địch phát hiện.
Các tác phẩm của Ilya Ehrenbourg, Vladimir Pozner, Constantin Simmov, Anton Pautovski... bên cạnh Lermontov, Pouchkine, Tchékhov, Gorki, cùng của nhiều văn Pháp đương đại như Romain Rolland, Albert Camus, Vercors, thơ Apolinnaire, Aragon và Paul Eluard..., lần đầu tiên tôi được đọc toàn văn. Tôi nhớ, trong “thư viện” còn có một cuốn ký sự chiến tranh thú vị nhan đề "Trên những nẻo đường nước Nga dịch từ tiếng Anh, tác giả là người Mỹ từng làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Mascơva.
Đang say sưa bỗng một buổi sáng đẹp trời - thời ấy không quân Pháp chỉ có thể hoạt động những hôm thời tiết tốt, và ngày nào càng đẹp trời nguy cơ “ăn bom đạn” càng cao - vâng, một buổi sáng thật đẹp trời, bốn chiếc máy bay tiêm kích Spitfine chia thành hai tốp từ đâu lao đến khạc đạn lửa và bom bi vào khu rừng yên bình nơi nhà văn, nhà báo đang thoải mái thưởng thức các tác phẩm văn chương!
Trong nửa tiếng đồng hồ bốn con quái vật lồng lộn gào thét, bắn phá, kinh hồn nhất là tiếng rít của chúng khi lao chúi xuống xả loạt đạn xong bay vút ngay lên không. May mắn sao hai anh em chúng tôi không ai hề hấn gì qua những giờ phút kinh hoàng tưởng chừng dài vô tận.
Cuối buổi chiều, yên bình trở lại chúng tôi lại xuống suối tắm giặt. Khi mở ba lô lấy bộ áo quần ra thay, Bùi Hiển sửng sốt thấy bộ quần áo nâu được anh gấp ngay ngắn bên trong đã bị các viên bi xuyên qua ba lô và các lớp vải, làm thủng lỗ chỗ “giống như chiếc áo vừa được bàn tay một cô gái Huế nào đó thêu hoa”, nhà văn ta dí dỏm.
5. Cuộc sống có những sự tình cờ thú vị. Tháng 10/1954, tôi được cấp trên điều từ báo Cứu quốc ra làm việc tại báo Nhân Dân, Hà Nội. Một thời gian sau, khoảng đầu năm 1955 bỗng thấy xuất hiện nhà văn Bùi Hiển tại ngôi nhà bên cạnh cây đa cổ thụ phố Hàng Trống.
Tác giả “Nằm vạ” đương nhiên được sắp xếp làm phóng viên Ban Nông nghiệp cũng như nhà văn Nguyễn Văn Bổng tác giả tiểu thuyết “Con trâu”, nhà báo Lê Tam Kính xuất thân nhà giáo, người từng có một số truyện ngắn phong tục đồng quê khá hay, đặc biệt cả nhà thơ Đông Hoài người từ những năm 1940-1946 đã cho in mấy tập thơ với những nhan đề mờ mờ ảo ảo nặng tính siêu hình: "Giác linh hương", "U minh", "Vô thanh lệ nhạc"... (Trong số các cán bộ từ Liên khu V và Trị Thiên tập kết ra Bắc, có cả chị vợ anh Trần Việt Châu cũng được phái về làm việc tại báo Nhân Dân cho đến ngày nghỉ hưu).
Bùi Hiển, Nguyễn Văn Bổng và tôi ngồi bên cạnh nhau sau những cái bàn viết bằng gỗ tạp xếp thành hàng dọc tại tầng trệt ngôi nhà. Nhà văn xứ Nghệ am tường nông thôn được Ban phân công đi viết bài về cuộc vận động nông dân ngâm thóc giống vào nước có pha chút hóa chất trước khi gieo, phòng bệnh cho cây lúa lúc trổ bông. Bùi Hiển xắn quần đi công tác, về lúi húi viết mấy ngày xong bài phóng sự. Khi nhận lại bản thảo bài viết của mình để đọc lại, trước khi đưa sang nhà in xếp chữ, ông ngao ngán lắc đầu: Tác phẩm đầu tay của nhà văn nổi tiếng viết cho báo Nhân Dân chỉ còn lại non một nửa!
Một thời gian sau, Bùi Hiển, Nguyễn Văn Bổng, Lê Tam Kính, Đông Hoài... lần lượt chuyển sang làm việc tại các cơ quan khác.
Một sự tình cờ thú vị nữa: Đầu những năm 1980, nhà văn Bùi Hiển và tôi bỗng dưng trở thành hàng xóm tại một ngôi nhà tập thể khu Trung Tự, Hà Nội. Hai căn hộ liền kề trên tầng gác cao. (Ngay bên dưới căn hộ của tôi là gia đình nhà văn cao tuổi Vũ Ngọc Phan cùng phu nhân thi sĩ Hằng Phương). Những đêm hè oi bức, sau bữa cơm chiều Bùi Hiển và tôi cùng ra đứng ở lối đi chung, tựa vào ban công đón chút gió mát, chuyện trò dăm ba câu về mọi thứ trên đời. Tôi ngày càng cảm nhận sâu sự đôn hậu và tính nhân văn nơi con người ông. Đúng như lời ông tự bạch: “Ở mỗi con người, tôi tin vậy, đều chứa đựng ít hoặc nhiều sự khao khát hướng thiện, mà nhiệm vụ của văn học là phải khơi gợi để nó bừng sáng lên”.
Đêm nào từ nhà mình nhìn sang tôi cũng thấy nhà văn đã vượt quá tuổi 80 vẫn mải mê làm việc cho tới khuya, không viết thì dịch, lúc tất cả các nhà hàng xóm đều yên ắng.
6. Mùa xuân năm 2009, tôi từ Hà Nội vào tỉnh Thừa Thiên Huế dự cuộc họp, tiện thể nhờ mấy anh bạn quen đưa về thăm lại cầu ngói Thanh Toàn di sản văn hóa nay được phục chế bằng gỗ tốt hơn chiếc cầu cũ nhưng vẫn giữ được dáng dấp kiến trúc xưa. Tôi cố hình dung trong ký ức cánh đồng lúa chín năm nào, cận kề cái đồn Sư Lỗ của Pháp (các địa danh nay đã thay đổi nhiều) nơi đồng bào ta kiên cường “đánh trận giặc lúa”, hy vọng có thể về đúng nơi cũ tìm lại dấu vết tuổi thanh xuân, bỗng nhận được điện thoại của con gái từ Hà Nội gọi vào: “Bác Bùi Hiển vừa qua đời, ông ạ!”.
Vẫn biết lão tướng văn học đã chạm mốc tuổi 90 lại đang mắc bệnh nặng, việc giã từ cõi thế sớm hay muộn chẳng cách gì tránh khỏi, vậy mà tôi không sao nén được sững sờ. Chuyện tình cờ của cuộc sống lần này không hề thú vị mà trăm phần trăm ngược lại!/.
Từ khóa: bùi hiển, nhà văn bùi hiển, 100 năm ngày sinh bùi hiển
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN