Kỳ lạ dự án thủy lợi đầu tư 3.000 tỷ đồng không có đất tưới

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý: Dự án Công trình thủy lợi Ia Mơr, đầu tư đến 3.000 tỷ nhưng hiện nay chưa có đất để tưới là không hợp lý.

Tiếp tục chuyến công tác tại Tây Nguyên, sáng nay (16/9), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác của Trung ương có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Gia Lai về tình hình phát triển kinh tế xã hội; kết quả 15 thực hiện Nghị quyết 13 của Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; 5 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới công ty nông-lâm nghiệp theo Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị.

8 tháng qua, tỉnh Gia Lai chịu nhiều bất lợi bởi biến đổi khí hậu, khô hạn kéo dài và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi, bệnh khảm lá virus hại cây sắn, sâu keo mùa thu hại cây ngô, dịch hại cây hồ tiêu đang diễn ra tràn lan.

Tuy vậy, kinh tế - xã hội tỉnh Gia Lai tiếp tục chuyển biến tích cực, quốc phòng - an ninh được giữ vững, thu ngân sách đạt 3.000 tỷ đồng, đạt 67% dự toán trung ương giao. Toàn tỉnh hiện có 60 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh cũng đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ NN&PTNT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Pleiku, thị xã An Khê hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

ky la du an thuy loi dau tu 3.000 ty dong khong co dat tuoi hinh 1
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Gia Lai.

Đối với việc đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của Trung ương, tỉnh hiện có hơn 250 hợp tác xã với khoảng 17.500 thành viên; gần 400 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với hơn 3.400 thành viên.

Về sắp, xếp đổi mới công ty nông, lâm nghiệp, 5 năm qua, Gia Lai đã cổ phần hóa được 3 công ty nông nghiệp, phê duyệt đề án sắp xếp, đổi mới, 11 công ty lâm nghiệp. Việc sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp ở Gia Lai được đánh giá chưa mang lại hiệu quả, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác gỗ trái phép, mất đất, mất rừng diễn ra tràn lan.

Kết luận buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Gia Lai, dù gặp nhiều khó khăn nhưng đã bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, giữ vững ổn định kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Phó Thủ tướng lưu ý, Gia Lai có diện tích thứ hai cả nước, đứng thứ 2 Tây Nguyên về dân số, nhiều tiềm năng, lợi thế, thuận lợi kết nối liên vùng, quốc tế. Do đó, tỉnh cần tận dụng những lợi thế tiềm năng để tạo đà phát triển. Mô hình buôn làng nông thôn mới tỉnh đang triển khai là hợp lý và đúng hướng khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế.

Trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng, tỉnh cần phải tái cơ cấu cây cao su do kém hiệu quả. Tuy nhiên, việc chuyển đổi 12.000ha cao su bị chết, kém hiệu quả mà Gia Lai đang kiến nghị, cần được tiến hành thậtchặt chẽ vì đây là vấn đề lớn, cần thiết Chính phủ phải họp bàn để có phương án.

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý dự án Công trình thủy lợi Ia Mơr, đầu tư đến 3.000 tỷ nhưng hiện nay chưa có đất để tưới là không hợp lý. Với những khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển đổi 7.500ha đất rừng thành đất sản xuất trong vùng dự án thủy lợi này, cần thiết Chính phủ phải họp bàn để có phương án, quyết sách phù hợp.

“Công trình thủy lợi Ia Mơr, huyện Chư Prông giao cho Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với tỉnh báo cáochi tiết, phối hợp với Bộ TNMT, các Bộ, ngành có liên quan có cuộc họp chuyên đề để báo cáo Thủ tướng, thường trực chính phủ để có quyết sách, từng Bộ cũng không giải quyết được. Công tác đánh giá tác động đối với công trình này là chưa sâu sát, có công trình mà không có gì để tưới tiêu là kì lạ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với việc sắp xếp đổi mới các công ty nông lâm nghiệp nhà nước do tỉnh quản lý, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục rà soát để sử dụng có hiệu quả đất đai. Việc các công ty này đang giữ lại đến 127.000ha trong khi phần chuyển lại cho địa phương chỉ 17.000ha và mới chuyển được 1.300ha là chưa hợp lý. Tỉnh cần sớm có kế hoạch rà soát để các công ty bàn giao thêm đất về cho địa phương.

Với các kiến nghị khác của tỉnh, Phó thủ tướng ghi nhận và đề nghị các Bộ ngành tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét./.

Từ khóa: nông thôn mới, biến đổi khí hậu, dịch tả lợn châu phi, lấn chiếm đất đai, công trình thủy lợi

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập