Ký kết miễn phí hạ tầng dạy và học trực tuyến trong dịch Covid-19

Cập nhật: 26/03/2020

VOV.VN -Không có tình trạng độc quyền hoặc vi phạm quy định pháp luật về bảo mật dữ liệu cá nhân đối với các ứng dụng dạy và học trực tuyến trong dịch Covid-19.

Trước tình hình nghỉ học kéo dài, nhằm ủng hộ và thúc đẩy mạnh mẽ quan điểm chỉ đạo “tạm dừng đến trường, không dừng việc học” của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hôm nay (26/3), các doanh nghiệp và đơn vị trong ngành Thông tin và Truyền tông (TT&TT) chính thức cam kết hỗ trợ ngành GD&ĐT trong giai đoạn chống dịch Covid-19.

ky ket mien phi ha tang day va hoc truc tuyen trong dich covid-19 hinh 1
Ký kết hỗ trợ đồng hành giữa ngành TT&TT với ngành GD&ĐT sáng 26/3. (Ảnh: MIC)

Cụ thể, phát sóng miễn phí các bài giảng đã được Bộ GD&ĐT thẩm định lên truyền hình; tăng cường truyền thông về chuyển đổi số trong GD&ĐT; Các doanh nghiệp viễn thông, mạng xã hội Việt Nam hỗ trợ nhắn tin đến hàng chục triệu học sinh, sinh viên (HSSV) và thầy cô giáo cùng mọi người dân liên quan trên cả nước về các thông báo quan trọng của Bộ GD&ĐT;

Cùng với đó, các doanh nghiệp viễn thông di động miễn phí toàn bộ cước phí truy cập dữ liệu cho HSSV và thầy cô liên quan đến các chương trình học từ xa của ngành giáo dục và đào tạo; Viettel và VNPT hỗ trợ miễn phí sử dụng giải pháp phục vụ đào tạo và quản lý giáo dục cho tất cả 43.000 trường học, miễn phí dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học; Các doanh nghiệp viễn thông đầu tư mạnh mẽ để hướng đến mục tiêu mỗi hộ gia đình một đường cáp quang tốc độ cao, mỗi người dân một máy điện thoại thông minh kết nối 4G/5G. Giá trị của gói hỗ trợ này lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi tháng.

Sự kiện hôm nay mới chỉ là gói cam kết ban đầu của các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam với ngành GD&ĐT phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Sẽ còn những nền tảng (platform) và các ứng dụng (applications) khác sớm tiếp tục cam kết hỗ trợ ngành GD&ĐT trong việc dạy và học từ xa.

Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT cũng sẽ hợp tác chặt chẽ để đưa ra các tiêu chuẩn về dạy học từ xa, CNTT và an toàn thông tin nhằm đảm bảo chất lượng của hoạt động giáo dục từ xa, tính mở của các nền tảng, tính kết nối liên thông với các lĩnh vực khác, đảm bảo các ứng dụng sẽ được phát triển bởi mọi doanh nghiệp khác. Đảm bảo không có tình trạng độc quyền hoặc vi phạm các quy định pháp luật về bảo mật dữ liệu cá nhân.

Điều thuận lợi là, hiện rất nhiều doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam có năng lực, tiềm lực và sức sáng tạo. Các doanh nghiệp này đang tích cực chuyển hướng “Make in Vietnam”, sáng tạo các sản phẩm Việt Nam để thúc đẩy chuyển đổi số. Nỗ lực đó đã được chứng kiến trong lĩnh vực GD&ĐT.

Từ đầu mùa dịch đến nay đã có 14 kênh truyền hình phát sóng các bài giảng giáo dục phổ thông; nhiều trường phổ thông đẩy mạnh ứng dụng các hệ thống quản lý học tập (LMS) để tổ chức dạy và quản lý dạy và học trực tuyến; 92/240 trường đại học đang áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến; kho bài giảng e-learning của Bộ GD&ĐT với 5000 bài giảng giáo dục phổ thông đã và đang được các giáo viên, học sinh trên cả nước khai thác, sử dụng miễn phí./.

Từ khóa: Covid-19, dịch Covid-19, dạy học trực tuyến, Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT

Thể loại: Khoa học - Công nghệ

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập