Kon Tum phát triển bền vững từ nông nghiệp công nghệ cao
Cập nhật: 10/11/2024
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
Cần thiết phải có cơ chế thúc đẩy “tài chính xanh” tại Việt Nam
VOV.VN - Tỉnh Kon Tum hiện có 17.000 ha cây trồng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong quá trình sản xuất. Cùng với tăng hiệu quả kinh tế, các mô hình nông nghiệp này còn là đòn bẩy đối với toàn tỉnh, mở ra tiềm năng du lịch canh nông hiện đại và bền vững.
Trang trại dâu tây và cà chua bi trong nhà màng của anh Bùi Việt Hà, ở thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum quanh năm có khách tham quan và mua sản phẩm. Với sản phẩm cà chua, mỗi năm anh bán ra thị trường khoảng 10 tấn. Còn dâu tây, chủ yếu bán tại chỗ cho khách tới tham quan.
“Sản phẩm không đủ bán cho khách tham quan, ở Măng Đen bây giờ khách du lịch họ thích vào vườn để trải nghiệm. Họ nhìn thấy trái dâu thực tế trên cây họ hái, giá mua có thể nhỉnh hơn chút so với bên ngoài, nhưng người ta an tâm chất lượng. Đây cũng là một cách để níu chân khách”, anh Hà cho biết.
Vùng sản xuất rau, củ, quả Măng Đen – Kon Plông hiện có tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 266 ha. Không chỉ sử dụng nhà màng, nhà kính hay áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương, nhiều nhà vườn ở Măng Đen đã áp dụng công nghệ IoT để tự động hóa nhiều khâu trong sản xuất.
Như hợp tác xã rau, hoa du lịch thanh niên Măng Đen, cùng với việc áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất hữu cơ, hợp tác xã đã nâng cấp phần mềm và sử dụng các phương pháp quản lý từ xa thông qua cảm biến, tự động hóa hệ thống tưới tiêu.
“Với việc áp dụng công nghệ, các ứng dụng vào sản xuất giúp việc quản lý dễ dàng hơn, các bạn công nhân nhận công việc hằng ngày cũng nhanh, thuận tiện hơn, các bạn chỉ cần lên app và xem được công việc hàng ngày”, chị Trần Thanh Huyền, Giám đốc hợp tác xã rau, hoa du lịch thanh niên Măng Đen cho biết.
Cùng với hiệu quả kinh tế, hỗ trợ phát triển du lịch, vùng nông nghiệp công nghệ cao Măng Đen còn là nơi trình diễn các kỹ thuật mới. Bà con các dân tộc tại chỗ ở Kon Tum làm việc trong các trang trại ở đây đang dần am hiểu cách làm mới, từ đó có thể lan tỏa trong cộng đồng.
Chị Y Thị Ngọc Uyên, dân tộc Ka Dong, thôn 4, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, làm việc tại một cơ sở trồng sâm dây ở thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông chia sẻ, “Sâm dây được trồng trong những cái bầu, không trồng dưới đất và có máy tưới nước tự động. Công nhân ở đây học được kỹ thuật bón phân, đóng bầu, cắt tỉa cành”.
Với những kết quả đã được khẳng định trong việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, huyện Kon Plông đề ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển được 7.700 ha cây hàng năm; 1.255 ha cây dược liệu; 2.000 ha cây ăn quả và cà phê….
Tính chung tỉnh Kon Tum, ngoài vùng nông nghiệp công nghệ cao Măng Đen, tỉnh đang phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Kon Plông và huyện Đắk Hà. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh cũng tăng theo từng năm. Năm 2021, tỷ trọng này đạt 17,16%. Năm 2022 tăng lên 19,4% và năm 2023 là 24,6%.
Ông Phạm Thanh, Trưởng phòng thông tin huấn luyện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kon Tum cho biết, tỉnh đang xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, nhãn mác xuất xứ hàng hóa để tăng giá trị nông sản. Cùng với đó là tăng cường khuyến nông công nghệ cao, tạo thuận lợi cho việc hình thành những liên kết hiệu quả và bền vững.
“Trung tâm khuyến nông sẽ tập trung xây dựng chương trình hướng đến khuyến nông về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó tập trung vào hệ thống tưới, hệ thống quản lý, các giải pháp về kỹ thuật để người dân nắm được. Dự kiến là mỗi huyện sẽ có 1 điểm để người dân học hỏi”, ông Thanh cho biết.
Với 17.000 ha cây trồng ứng dụng công nghệ mới, nông nghiệp Kon Tum đang chuyển biến nhanh theo hướng hiện đại. Cùng với giá trị gia tăng lớn được tạo ra, đây còn là đòn bẩy cho nông nghiệp toàn tỉnh phát triển bền vững.
Từ khóa: nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao,kon tum, ứng dung, quản lý, vận hành, mô hình
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: nam trang/vov-tây nguyên
Nguồn tin: VOVVN