Kinh tế - xã hội 2019: Vui – lo nơi phòng họp Diên Hồng

Cập nhật: 02/11/2019

VOV.VN - Quốc hội vui mừng khi đón nhận thông tin về các chỉ số ấn tượng của phát triển KT-XH năm 2019, nhưng cũng lo lắng về nhiều tồn tại, hạn chế.

Quốc hội vừa dành trọn vẹn 2 ngày của Kỳ họp thứ 8 để thảo luận ở Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Với 95 đại biểu Quốc hội phát biểu (còn 14 đại biểu đăng ký nhưng chưa được phát biểu), 5 đại biểu tham gia tranh luận cùng với 6 Bộ trưởng tham gia giải trình, có thể nói, bức tranh với những gam màu – sáng tối về các mặt, từ kinh tế vĩ mô tới các chỉ tiêu an sinh xã hội và cả những vấn đề cụ thể ở nhiều địa phương đã được phân tích một cách thẳng thắn, sinh động.

Những con số ấn tượng

Quốc hội thống nhất đánh giá, năm 2019, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, từ diễn biến phức tạp, xung đột của khu vực và thế giới, tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm, những tác động tiêu cực do thiên tai, dịch bệnh, nhưng với sự đóng góp của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, trong đó với sự quyết liệt chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế đất nước tiếp tục đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

kinh te - xa hoi 2019: vui – lo noi phong hop dien hong hinh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu bên hành lang Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8

Điều đáng mừng, đây là năm thứ hai liên tiếp kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá, đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội đề ra. Những con số cụ thể đã minh chứng: GDP ước đạt 6,8%, đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu đề ra, năng lực cạnh tranh tăng 10 bậc. Kết quả này góp phần thực hiện hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, tạo tiền đề vững mạnh cho kỳ phát triển mới.

Tín hiệu quan trọng là động lực tăng trưởng kinh tế của năm 2019 thể hiện sự chuyển dịch đúng hướng của cơ cấu nền kinh tế, đến từ đến từ cả phía cung và phía cầu. Về phía cung, tính chung của cả hai khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ thì trong cơ cấu GDP đã chiếm tỷ trọng khoảng 86%, thể hiện sự chuyển dịch đúng hướng của cơ cấu nền kinh tế.

Còn về phía cầu, sức mua của thị trường trong nước liên tục phát triển trong những năm gần đây, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng luôn duy trì ở mức tăng trưởng 2 con số và ước cả năm 2019 đạt khoảng 11,5%; tổng cầu và sức mua của nền kinh tế được củng cố, duy trì đà tăng trưởng tích cực. Cùng với đó, xuất khẩu cũng đạt khá trong bối cảnh căng thẳng thương mại và thị trường thế giới suy giảm, ước tăng 9,2% và xuất siêu khoảng 1 tỷ USD.

Nếu nói đến chất lượng tăng trưởng, có thể khẳng định ngày càng được cải thiện, phản ánh qua kết quả tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Theo đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phát triển mạnh, đóng vai trò dẫn dắt và là động lực cho tăng trưởng, giảm dần sự phụ thuộc vào công nghiệp khai khoáng và tăng trưởng tín dụng.

Về năng suất lao động, giai đoạn 2016-2019 cũng đạt ở mức khá cao là 5,8%/năm, vượt mục tiêu của kế hoạch 5 năm là 5,5%.

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tham nhũng đạt nhiều kết quả trên tinh thần mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, thể hiện qua hàng loạt quan chức các cấp, từ Trung ương tới địa phương, dù đương chức hay đã nghỉ hưu bị kỷ luật đến xử lý hình sự tương xứng với hành vi vi phạm. Thu hồi tài sản tham nhũng – điều mà rất nhiều năm bị đánh giá là hạn chế, nay đã có chuyển biến tích cực. Niềm tin của nhân dân cũng từ đó mà được nâng lên.

Còn đó những băn khoăn

Song, không khí trên nghị trường qua hai ngày thảo luận cũng cho thấy những gam màu tối trong bức tranh chung, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của cả hệ thống và cần những giải pháp căn cơ, đột phá hơn để giải quyết.

Trước hết là chưa có kỳ họp nào đại biểu lại quan tâm đến giải ngân chậm trong đầu tư công như vậy. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa nhận tình trạng này là một trong những điểm tối trong một bức tranh sáng của nền kinh tế và đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đóng góp của vốn đầu tư công chậm trong giá trị của GDP. Nhiều công trình hạ tầng chậm tiến độ, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

Cập nhật tình hình của 10 tháng cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cũng chỉ đạt 49,83% so với kế hoạch Quốc hội giao và cũng chỉ đạt 54,69% so với kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao, tức thấp hơn so với cùng kỳ của năm 2018. Chính phủ cũng xác định khâu tổ chức thực hiện vẫn là nguyên nhân chủ yếu và cơ bản là thiếu động lực trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.

kinh te - xa hoi 2019: vui – lo noi phong hop dien hong hinh 2
Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu trên Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội

Rất nhiều đại biểu băn khoăn, rằng vì sao câu chuyện giải ngân chậm năm nào vẫn là điệp khúc hạn chế trong các báo cáo, nhưng việc khắc phục lại không đáng là bao. Có vị đại biểu đặt vấn đề, phải chăng do thắt chặt thủ tục đầu tư? Do công khai, minh bạch? Do kết quả chống tham nhũng thời gian gần đây đạt kết quả tốt, làm mất “động lực” của các chủ đầu tư hay chưa thỏa thuận được tỷ lệ ăn chia hay còn vì lý do gì khác?

Quốc hội cũng đã thẳng thắn nêu lên những hạn chế, yếu kém, bất cập trong lĩnh vực văn hóa xã hội, những biểu hiện xuống cấp đạo đức như: Bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình xảy ra ở một số địa phương. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn quan liêu, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao, cũng gây tác dụng tiêu cực và làm ảnh hưởng xấu đến xã hội.

Có đại biểu còn bày tỏ lo ngại khi tinh thần kiến tạo, đổi mới trách nhiệm của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ chưa được hưởng ứng, thực hiện một cách đầy đủ, toàn diện trong toàn hệ thống. Vẫn còn những tổ chức, cá nhân trong bộ máy công quyền thiếu tính tiền công, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, những việc có lợi thì làm, những việc không có lợi cho cá nhân, không an toàn thì né tránh, đùn đẩy; những cái mới thì ngại ngùng, ngại tiếp cận triển khai.

Cũng tại diễn đàn Quốc hội kỳ này, vấn đề ô nhiễm môi trường được quan tâm đặc biệt, nhất là ô nhiễm không khí, nguồn nước. Bởi người dân hàng ngày vẫn đang đối mặt với ô nhiễm và hệ lụy là bệnh tật, suy yếu sức khỏe. Sống trong môi trường ô nhiễm từ không khí đến nguồn nước và thực phẩm, nghĩa là từ thở đến uống và ăn đều trở nên nguy hiểm thì chất lượng cuộc sống có thực sự được nâng cao?

Và một nội dung không thể không nhắc đến trong phiên thảo luận vừa qua đó chính là chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông. Tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, trong đó có việc tàu khảo sát HD8 của Trung Quốc vi phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần có giải pháp kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển đảo, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước trên tinh thần mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ngay đầu kỳ họp: “Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng”. Tuy nhiên, cử tri cũng mong Chính phủ hủ động cung cấp thông tin giữa các hình thức khác nhau để nhân dân được biết rõ hơn, nhân dân yên tâm và nhân dân tham gia các hoạt động bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông đúng cách và hiệu quả./.

Từ khóa: Kỳ họp 8 Quốc hội, kinh tế xã hội, chủ quyền Biển Đông, ô nhiễm môi trường, giải ngân chậm

Thể loại: Nội chính

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập