Kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế
Cập nhật: 30/01/2021
VOV.VN - Thực hiện Nghị quyết số 10, khu vực kinh tế tư nhân thời gian qua đã khẳng định vai trò, động lực quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
“Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Đây là mục tiêu phấn đấu được nêu rõ tại Nghị quyết số 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, khu vực kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Thực hiện Nghị quyết số 10, khu vực kinh tế tư nhân thời gian qua đã khẳng định vai trò, động lực quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Hàng năm, khu vực này đang tạo ra khoảng 40% GDP, đóng góp 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước.
Điển hình là những tên tuổi các tập đoàn tư nhân như: Vingroup, Sun Group, Thaco, Vietjet, TH True Milk... Trong giai đoạn 2016-2018 là "thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất của doanh nghiệp trong lịch sử”, mỗi năm doanh nghiệp tư nhân tăng trung bình hơn 128.000 doanh nghiệp tương đương tăng 63% so với giai đoạn 2015; Số vốn đầu tư đăng ký tăng gấp hai lần.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất của tư nhân cũng đạt kim ngạch xuất khẩu hàng triệu USD, vươn ra tầm quốc tế, có vị trí cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Theo thống kê, hiện tại đã có 29 doanh nghiệp Việt Nam có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD trên thị trường chứng khoán.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, Nghị quyết 10 được xem là một đột phá cho sự phát triển một cách bền vững, chắc chắn của doanh nghiệp tư nhân. Cộng đồng doanh nghiệp cả nước đã được hưởng lợi từ chính sách này.
Ông Mạc Quốc Anh kỳ vọng: "Nghị quyết 10 đã và đang hình thành doanh nghiệp chủ lực dẫn dắt được các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong 5 năm tới, phải thúc đẩy khối này lên để trở thành một doanh nghiệp chủ lực bởi kinh tế tư nhân đóng góp GDP rất là lớn. Một kỳ vọng nữa là trong nghị quyết có những chương trình hành động hết sức cụ thể để triển khai thực hiện cho các doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Sau hơn 30 năm đổi mới, một trong những thay đổi rõ rệt nhất đó là việc các doanh nghiệp tư nhân ngày càng tham gia sâu vào những lĩnh vực trọng điểm mà trước đây gần như vắng bóng, chỉ có doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp FDI tham gia. Những dự án quy mô hàng nghìn tỷ đồng tư nhân thực hiện trên nhiều lĩnh vực quan trọng như du lịch, hàng không, công nghiệp chế tạo… đã và đang đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng bứt phá của kinh tế Việt Nam những năm gần đây.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá: Nghị quyết 10 khẳng định rất rõ về định hướng phát huy vai trò của khu vực này là một trong những động lực kinh tế quan trọng của đất nước.
"Chúng tôi đánh giá là Nghị quyết 10 đã xóa tan nghi ngại, dè dặt về khu vực này, đặc biệt là trong hành xử, trong khi ban hành chính sách, trong khi áp dụng chính sách tại cấp cơ sở thì hiện nay nó đã xóa bỏ những cái này; Tạo ra không gian phát triển cho doanh nghiệp tư nhân thuận lợi.
Điểm thứ hai nữa là Nghị quyết 10 cũng là điểm tựa cho doanh nghiệp tư nhân, họ cảm thấy tự tin rằng được tạo thuận lợi, không bị phân biệt đối xử, họ cũng được bảo đảm cơ hội làm ăn, thúc đẩy tinh thần kinh doanh- và đây cũng là cơ sở cho nhiều chính sách quan trọng được Quốc hội, được Chính phủ thể hóa sau này có thể là những đạo luật quan trọng khác để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân" - ông Tuấn bày tỏ.
Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới nhận định: Những năm qua, kinh tế tư nhân đang nổi lên là một động lực quan trọng cho tốc độ phát triển các năm tiếp theo. Cộng đồng các doanh nghiệp đồng tình cho rằng được Đảng và Nhà nước quan tâm, động viên, khối kinh tế tư nhân sẽ ngày càng lớn mạnh, đóng góp hơn nữa vào sự phát triển chung của đất nước.
Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, sau khi Nghị quyết 10 được ban hành đã làm tiền đề cho hàng loạt các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nhằm giúp lực lượng doanh nghiệp tăng tốc và bứt phá.
Theo chuyên gia nghiên cứu Nguyễn Đình Cung: "Sau Nghị quyết 10 thì chúng ta có hàng loạt các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, về phát triển kinh tế tư nhân, một trong những thứ đó vẫn là tự do kinh doanh và an toàn cho hoạt động kinh doanh, giảm chi phí đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, bảo vệ tài sản của người đầu tư, tư nhân một cách tốt hơn, để an toàn đầu tư phát triển hơn.
Tôi cho rằng, những định hướng trong Nghị quyết 10 đã được cụ thể hóa và chuyển nó sang một số nội dung cơ bản của giải pháp về cải cách thể chế, cải thiện môi trường của chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2015".
Kinh tế tư nhân vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, trở thành “lực kéo” chính cho cả nền kinh tế trong thời gian sắp tới. Điều này lại càng mang tính thực tiễn khi các văn kiện đang được xây dựng để trình Đại hội XIII sẽ xác định động lực chủ đạo cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho 10 năm tới.
Do đó, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân mong muốn Đảng và Nhà nước có bước đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường. Mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng; Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân một cách thiết thực, hiệu quả theo cơ chế thị trường, vừa trú trọng các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ vừa tập trung xây dựng các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của tư nhân.../.
Từ khóa: kinh tế tư nhân, tập đoàn tư nhân, tăng trưởng kinh tế, doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân, Vingroup
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN