Kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp vào GDP còn khiêm tốn
Cập nhật: 19/10/2019
VOV.VN - Kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần tạo ra số lượng lớn việc làm cho gần 6 triệu hộ thành viên nhưng đóng góp cho GDP mới đạt 4% còn khá khiêm tốn.
Cả nước có 22.861 hợp tác xã, thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Số lượng hợp tác xã tăng 8.513 HTX (khoảng 59%) sau 15 năm triển khai Nghị quyết Trung ương 5 khóa 9. Số lao động làm việc trong hợp tác xã là 1,2 triệu người, tăng 157.000 người (khoảng 14,8%) so với năm 2003.
Mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều bất ổn nhưng khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã lại hoạt động khá ổn định, có sự phát triển khá mạnh về cả lượng và chất. Kinh tế tập thể đã hỗ trợ cho gần 6 triệu hộ thành viên, chủ yếu là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh, tạo ra số lượng lớn việc làm. Hợp tác xã đã xây dựng các liên kết phát triển mới trong nông nghiệp, cùng với các loại hình doanh nghiệp tạo ra một diện mạo nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững, ổn định xã hội.
Kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp vào GDP của cả nước còn khiêm tốn. |
Nhưng ở đó kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn tồn tại, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đóng góp khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vào GDP của cả nước còn khiêm tốn và có xu hướng giảm, trung bình đạt 4%. Mô hình hợp tác xã kiểu mới quy mô lớn chậm được hình thành và phát triển, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi còn yếu. Việc nhân rộng mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả còn yếu….
Nguyên nhân của hạn chế trên là do công tác xây dựng cơ chế, chính sách chưa kịp thời, chậm tháo gỡ các vướng mắc; môi trường pháp lý chưa thuận lợi cho các chủ thể kinh tế tham gia hợp tác xã. Cơ chế huy động phân bổ nguồn lực cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã và kinh tế hộ còn nhiều bất cập khó khăn cho việc tiếp cận vốn và đất đai. Năng lực nội tại của nhiều hợp tác xã còn yếu…
Theo ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Chính phủ xem xét tăng mức hỗ trợ, ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách Trung ương cho các tỉnh Tây Nguyên để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã.
“Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách về miễn thuế thu nhập cho hợp tác xã nếu lợi nhuận đem tái đầu tư hoặc miễn thuế thu nhập cho phần lãi cổ phần chia cho các xã viên nếu số tiền lãi này dùng cho việc tái đầu tư; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho hợp tác xã hoặc các mô hình kinh tế hợp tác” - ông Việt nói.
Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách về tín dụng theo hướng thông thoáng để các hợp tác xã có thể tiếp cận được với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhằm giải quyết khó khăn về nguồn vốn đầu tư (cho vay không có tài sản bảo đảm theo phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả).
Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nhận thức đúng về vai trò của kinh tế hợp tác xã; thực sự quan tâm, tạo thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển; trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ: Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế; đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn của cán bộ các hợp tác xã.
"Kinh tế nhà nước với kinh tế tập thể phải trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể đã trở thành chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh./.
Kinh tế tập thể phát triển còn èo uột, chưa xứng với tiềm năng
Thủ tướng: Phải khai thác được lợi thế, tiềm năng của kinh tế tập thể
Từ khóa: Kinh tế tập thể, hợp tác xã, GDP, Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN