Kinh tế hộ là trọng tâm để phát triển nông thôn bền vững

Cập nhật: 09/11/2020

VOV.VN - Chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13 cần có giải pháp khả thi góp phần phát triển nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách để phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Các chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, cải thiện đời sống, nâng cao về vật chất, tinh thần cho người nông dân và thúc đẩy nền kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp nông thôn hiện lại đang đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro về biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn hán… Do đó, yêu cầu đặt ra để phát bền vững cần có chiến lược và đường lối phát triển cụ thể trong thời gian tới.

Theo GS. Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam, trong trong Dự thảo văn kiện của Đại hội 13 vấn đề trọng tâm về nông dân cần quan tâm đến nội dung mở ra đường hướng vừa phát triển kinh tế hài hòa với lợi ích của người dân làm giảm tác động đến thiên nhiên.

“Làm thế nào để bà con có cuộc sống tốt hơn, vươn lên trong cuộc sống, đồng thời chống đỡ được với các vấn đề  thiên tai… Điều này đòi hỏi trong Nghị quyết lần này cần tạo ra khí thế mới giúp cho nông thôn vươn lên được mạnh mẽ hơn. Sau Đại hội, đối với chúng tôi những người làm khoa học sẽ đóng góp giải pháp để giúp cho khu vực nông thôn vươn lên một cách mạnh mẽ hơn” - GS. Nguyễn Lân Hùng nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Hà Văn Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình cho rằng, với 3 mục tiêu lớn của phát triển bền vững là hiệu quả kinh tế, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường thì các bài toán về kinh tế mới phải được đông đảo người dân, doanh nghiệp tiếp nhận để vận dụng sáng tạo vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững trong giai đoạn tới.

“Muốn đạt được 3 mục tiêu này, không có con đường nào khác là phải vận dụng một mô hình kinh tế tưởng như mới mẻ nhưng thực tế đã tồn tại rất lâu trong xã hội đó là mô hình kinh tế tuần hoàn. Mô hình vườn-ao-chuồng là mô hình kinh tế tuần hoàn sơ khởi nhưng mô hình kinh tế tuần hoàn thời hiện đại nằm trên nền tảng của công nghệ số và công nghệ sinh học... Tất cả điều này cần được làm rõ trong văn kiện để các doanh nghiệp và người dân có cơ hội tiếp cận, nhận thức đầy đủ, một cách nhanh nhất, dễ hiểu nhất. Do vậy phải làm rõ được mục tiêu bền vững là như thế nào?” - ông Hà Văn Thắng nêu quan điểm.

Đối với những người làm nông nghiệp cho rằng, vẫn tồn tại thực trạng sản xuất manh mún, chưa được tổ chức chặt chẽ. Do vậy, hàng hóa sản xuất ra không đồng đều nên khó tham gia chuỗi giá trị.

Ông Nguyễn Văn Sinh, xã Tiền Phong, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên kiến nghị: “Văn kiện Đại hội Đảng là phải thường xuyên tuyên truyền cho đại đa số nông dân có ý thức sản xuất tập thể, sản xuất lớn tập trung lại có kỷ luật hẳn hoi thì mới ổn. Bây giờ là ưu tiên kinh tế hợp tác xã tiến tới sản xuất hàng hóa theo chuỗi để đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người làm nông”. 

Ở một góc độ khác, theo TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, hơn 30 năm đổi mới, kinh tế hộ nông dân đã đóng góp lực lượng cơ bản để kiến tạo nên thành công của nông nghiệp cũng như phát triển nông thôn. Trong giai đoạn tới, kinh tế hộ sẽ vẫn chiếm đa số trong lực lượng sản xuất. Vì vậy, phải tiếp tục phát huy vai trò của kinh tế hộ đi song hành với kinh tế hợp tác. Nếu kinh tế hộ không năng động sẽ không có nhiều hợp tác xã.

“Trong bối cảnh công nghiệp hóa, kinh tế số, kinh tế tri thức và hội nhập toàn cầu, cần tạo dựng cho kinh tế hộ một định hướng. Kinh tế hộ nông dân trong giai đoạn tới cần phải được hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa, có thể tích lũy một phần ruộng đất, cần rút bớt lao động ra khỏi nông nghiệp để chuyển một phần sang công nghiệp và dịch vụ. Tuy vậy, vấn đề về lực lượng lao động còn lại cần được chuyên nghiệp hóa để phát triển nông nghiệp sản xuất hàng” - TS. Đào Thế Anh nêu rõ.

Nhiều chuyên gia cũng kiến nghị, để nông dân có cuộc sống tốt hơn, vươn lên trong cuộc sống, đồng thời chống đỡ được với các vấn đề biến đổi khí hậu … đòi hỏi trong Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ 13 cần tạo ra khí thế mới giúp cho nông thôn vươn lên mạnh mẽ hơn.

Phát triển nông nghiệp sinh thái làm giảm sử dụng hóa chất, chống xói mòn đất, phủ xanh đất trống đồi trọc… thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ đóng góp tốt hơn cho giá trị sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân ở khu vực nông thôn. Đồng thời, khơi dậy khát vọng của thanh niên nông thôn khởi nghiệp nhằm phát triển ngành nông nghiệp bền vững trong thời gian tới./.

Từ khóa: kinh tế hộ, nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông thôn

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập