Kinh tế chia sẻ - Động lực mới thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững
Cập nhật: 25/09/2019
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
Cần thiết phải có cơ chế thúc đẩy “tài chính xanh” tại Việt Nam
VOV.VN - Kinh tế chia sẻ được kỳ vọng sẽ là một trong những động lực mới góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh và phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam.
Khái niệm “kinh tế chia sẻ” hiện vẫn khá mới mẻ đối với kinh tế Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam. Với các nước phát triển, mô hình này đã phát triển nhiều năm nay và đạt được những kết quả khá khả quan.
Theo nghiên cứu của Công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers Việt Nam (PwC), chỉ riêng 5 lĩnh vực là du lịch, vận tải, tài chính, nhân lực và dịch vụ video trực tuyến ca nhạc, khi ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ đã làm tăng doanh thu toàn cầu từ 15 tỷ USD năm 2014 và dự kiến sẽ lên tới 335 tỷ USD năm 2025.
Thực tế trên thế giới hiện nay có nhiều thành công về nền kinh tế chia sẻ. Điển hình là Trung Quốc, quy mô của nền kinh tế đạt mức 152,8 tỷ USD trong năm 2015. Còn tại Mỹ, tổng giá trị các công ty tham gia mô hình này đạt 463,9 tỷ USD, chiếm hơn 3% GDP toàn thế giới.
Còn nhiều thách thức và tồn tại trong nền kinh tế chia sẻ ở Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT) |
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, ở Việt Nam, kinh tế chia sẻ mới xuất hiện một vài năm gần đây, người dân và doanh nghiệp đang có nhiều cơ hội để thu lợi nhuận, hưởng lợi từ xu hướng phát triển của nền kinh tế chia sẻ.
Ông Phú lấy dẫn chứng số liệu khảo sát của Grant Thomton, năm 2016, dịch vụ AIR B&B (chia sẻ phòng lưu trú) chỉ có 6.500 căn hộ thì đến năm 2017, nguồn cung đã tăng lên 16.000 căn, gấp 2,5 lần, chủ yếu ở Hà Nội và TP. HCM. Mô hình này kéo theo hàng loạt các start up cho dịch vụ cho thuê phòng trực tuyến tại Việt Nam như: Luxstay, Homestay…
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Phú cũng cảnh báo, hiện nay, tại Việt Nam, chưa có nhiều người có tư duy chia sẻ, vẫn vì lợi ích cá nhân và cục bộ nhiều hơn, chưa vì lợi ích lâu dài. Các doanh nghiệp chưa được trang bị kiến thức cơ bản về nền kinh tế đặc thù để nhận thức một cách tự giác theo tư duy tiên tiến. Nếu xuất phát từ tính cấu kết cộng đồng yếu và kỷ luật thị trường kém bền vững, sẽ làm cho sự phát triển kinh tế chia sẻ của Việt Nam khó phát triển nhanh và bền vững.
Có thể lấy một số ví dụ, việc kết nối giữa khách hàng và tài xế Grab, khi hệ thống vận hành hiệu quả thì về nguyên tắc, lợi ích của các bên đều tăng lên. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng, nhiều lái xe Grab mặc cả với khách hàng công khai, tắt ứng dụng đi, phần phí đáng lẽ hãng Grab được hưởng thì lại được “cưa đôi”. Điều này dẫn tới kế hoạch vận chuyển hành khách bị giảm, thu nhập của lái xe được tăng lên một cách bất hợp pháp, còn doanh nghiệp chủ quản ứng dụng công nghệ thì giảm doanh thu.
Ở một khía cạnh khác, ông Vũ Vinh Phú cho biết, hàng chục năm nay, trong chuỗi giá trị sản xuất phân phối tiêu thụ, việc chia sẻ lợi ích giữa các khâu trong chuỗi giá trị còn nhiều bất hợp lý, nhất là nhóm hàng nông sản thực phẩm. Người sản xuất làm ra của cải vật chất hầu hết được thụ hưởng một tỷ trọng lợi nhuận nhỏ và thiệt thòi, nhóm trung gian thương lái xuất khẩu và bán lẻ hưởng phần lớn những lợi nhuận trong chuỗi giá trị. Điều mà ở Thái Lan, Hàn Quốc và một số nước khác lại đang làm ngược lại Việt Nam. Ví dụ ở Thái Lan, người trồng mía được hưởng 70% lợi nhuận sau thuế, còn các khâu lưu thông phân phối, xuất khẩu hưởng 30%.
Còn ở Việt Nam lại đang phân phối ngược lại theo tỷ lệ 30% cho người sản xuất nông nghiệp, khoảng 70% thuộc về khâu phân phối lưu thông bán lẻ và xuất khẩu trên thị trường. Người sản xuất vừa thiếu thông tin thị trường, vừa hay bị ép cấp, ép giá, thua thiệt đủ bề mà chưa có giải pháp nào tháo gỡ được…
Bên cạnh đó, tình trạng nay trồng, mai bỏ, nay nuôi con này, mai nuôi con khác diễn ra trong nhiều năm là một biểu hiện của ngành kinh tế chưa được chia sẻ một cách đúng mức. Điều đó sẽ dẫn tới việc kìm hãm sản xuất phát triển, ách tắc lưu thông phân phối ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Như vậy, mục tiêu mà Chính phủ đề ra cho ngành Công Thương sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Trước thực trạng như vậy, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, muốn xây dựng nền kinh tế chia sẻ, điều kiện tiên quyết là phải xây dựng mối quan hệ đối tác tin cậy, sòng phẳng, cùng trên một con thuyền, cùng gắn kết và có lòng tin lẫn nhau, chỉ cần một mắt xích không thực hiện đúng vai trò của mình thì toàn bộ hệ thống có thể bị sụp đổ./.
Ứng dụng công nghệ đón cơ hội từ kinh tế chia sẻ
Từ khóa: kinh tế chia sẻ, hệ thống Grab, sản xuất phân phối tiêu thụ, lưu thông bán lẻ, xuất khẩu hàng hóa
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN