Kinh nghiệm vượt thất bại của các CEO khởi nghiệp đình đám

Cập nhật: 02/04/2022

[VOV2] - “Làm nhiều thì tỷ lệ thành công mới có, còn chỉ làm 2 thứ thì thất bại 50-50”; Đừng sợ thất bại vì tỷ lệ thất bại cao 99%, càng thất bại thì càng hoàn thiện bản thân nhiều hơn. Đó là lời khuyên từ CEO của những dự án startup sinh viên đình đám.

Từ ý tưởng đến thực tế là khoảng cách rất lớn

Sau khi đạt giải nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học của trường ĐH Bách Khoa Hà Nội với sản phẩm về trí tuệ nhân tạo, Nguyễn Trọng Hoàng Việt và các cộng sự tiếp tục gặt hái được những thành công khi đưa “đứa con tinh thần” chinh chiến tại các cuộc thi khởi nghiệp sinh viên. Tốt nghiệp ĐH, chàng trai quê Hà Tĩnh vốn không muốn mở công ty sớm. Tuy nhiên, đến năm 2019 anh và 3 người bạn quyết định mở công ty khởi nghiệp Techainer để không bỏ lỡ cơ hội. “Sản phẩm đạt được nhiều giải thưởng của cuộc thi, được tán dương thì tại sao mình không ngồi lại với nhau biến thành sản phẩm thực tế, để bán kiếm tiền”, Việt nhớ lại.

Tuy nhiên, hành trình từ một cuộc thi khởi nghiệp đến thực tế không như là mơ. Hoàng Việt cho biết, 2 năm đã có nhiều vấn đề phát sinh. “Từ sản phẩm sinh viên  đến thực tế có nhiều khác biệt, mình phải thay đổi theo nhu cầu khách hàng, phát triển công ty, vốn. Rất là khó. Khởi nghiệp nghe thì có vẻ hay ho nhưng có rất nhiều vấn đề”.

Ý tưởng ban đầu của nhóm sinh viên Nguyễn Trọng Hoàng Việt là phát triển công cụ AI để bóc tách thông tin trên CV, giúp nhà tuyển dụng chỉ cần đọc tóm tắt vẫn có thể biết được 90% kinh nghiệm của ứng viên. Tuy nhiên, dựa trên thực tế hiện nay, công ty không đi theo ý tưởng đó nữa. “Key word khởi nghiệp là nhanh và phải biết thay đổi, quan trọng là quyết tâm”.

Hoàng Việt cho rằng, khi khởi nghiệp không nên xem kết quả của ý tưởng là quan trọng nhất mà chính là giá trị cá nhân. “Khởi nghiệp mình bắt buộc phải làm nhiều thứ từ tài chính, kế toán, sản phẩm, quan hệ khách hàng... Kể cả ý tưởng thất bại nhưng "level" các bạn lên tầm mới thì khả năng thành công sau đó với những ý tưởng khác lớn hơn nhiều. Thậm chí, dù làm start-up nữa mà đi làm công ăn lương thì giá trị của của bạn cũng đã ở một tầm khác”, Hoàng Việt chia sẻ.

Công thức nào để tránh thất bại khi khởi nghiệp?

Được biết đến là Forbes Under 30 năm 2021, Lê Yên Thanh –sinh năm 1994 đã sớm nổi tiếng với ứng dụng bản đồ xe bus BusMap khi còn là sinh viên ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TPHCM. BusMap nhanh chóng trở thành ứng dụng giao thông công cộng lớn nhất TPHCM thời điểm đó. Tháng 3-2020, chàng trai quê An Giang gọi vốn thành công 1.5 triệu USD từ tập đoàn Phenikaa. Ứng dụng đổi tên thành Phenikaa MaaS.

Tốt nghiệp năm 2016, trước khi quyết định khởi nghiệp ở Việt Nam, Lê Yên Thanh đứng trước nhiều lựa chọn, anh từng lọt vào mắt xanh của Google và nhiều công ty lớn khác.  

Mỗi người có một công thức riêng để khởi nghiệp nhưng với Lê Yên Thanh đầu tiên đó là phải có sự chuẩn bị đầy đủ. Với chuyên môn là kỹ sư phần mềm, “khi mới ra trường anh quyết định không khởi nghiệp ngay mà học hỏi cách triển khai công ty khởi nghiệp.

Làm khởi nghiệp có nhiều thứ phải chuẩn bị nhưng CEO Phenikaa MaaS tóm gọn lại trong 3 thứ: Kỹ năng, kiến thức chuyên môn, công nghệ, quản trị; Tài chính và Network, mối quan hệ.

Anh khuyên bạn trẻ đừng sợ thất bại vì tỷ lệ thất bại cao 99%, càng thất bại thì càng hoàn thiện bản thân nhiều hơn.

Cũng là một sinh viên nghèo vượt khó, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch CNC Tech Group, Phó Chủ tịch thường trực CLB đầu tư và khởi nghiệp Việt Nam thấu hiểu những khó khăn của người trẻ khi bắt đầu khởi nghiệp. Theo ông Hùng, tỉ lệ khởi nghiệp thành công không lớn nhưng quan trọng là phải có hoài bão.

Sau 14 năm khởi nghiệp đưa CNC Tech Group trở thành doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp phụ trợ có hệ sinh thái 20 doanh nghiệp, hơn 10 nhà máy trải dài từ Bắc đến Nam, công thức để giảm thiểu thất bại trong khởi nghiệp của ông Hùng chính là làm thật nhiều.

“Làm nhiều thì tỉ lệ thành công mới có, còn khi chỉ làm 2 thứ thì thất bại 50-50, “một ăn một tịt”.

Theo ông Hùng, sinh viên khởi nghiệp không có gì phải tự ti vì mỗi người đều có mặt mạnh và yếu. “Người Việt Nam cần cù, chịu khó, thông minh, và có cả sự láu cá. Tuy nhiên “láu cá” mà ông Hùng nhắc đến không theo nghĩa xấu mà trong tình huống cụ thể có thể đưa ra những quyết định quyết liệt.

Thổi bùng tinh thần khởi nghiệp

Làm thế nào để thổi bùng tinh thần khởi nghiệp theo ông Nguyễn Văn Hùng không phải là câu chuyện cứ phải mở doanh nghiệp, có vốn, thị trường mà mỗi cá nhân có nhiều thứ để bắt đầu. Ông khuyên bạn trẻ từ khi còn là học sinh phổ thông hình thành được những ý tưởng, chăm đọc sách, nghiên cứu rèn luyện, tham gia vào các dự án parttime khi là sinh viên ĐH và bất cứ công việc gì được giao đều tốt vì khi khởi nghiệp sẽ có lúc bạn phải làm từ A đến Z.

Đặc biệt, trong thị trường mênh mông, cần tìm được một hướng đi phù hợp nhất để nỗ lực cống hiến. Khi đã thành công có thể tiếp tục ước mơ, khát vọng đầu tư vào các mảng khác, kết hợp đội nhóm, thực hiện hóa giấc mơ lớn hơn.

Chủ tịch CNC Tech Group cho rằng để khởi nghiệp thành công thì leader rất quan trọng. “Lúc khó khăn nhất vẫn giữ được lửa, làm sao tất cả những người đi theo tin tưởng, cảm giác khi ở cạnh leader chắc chắn sẽ thành công và lúc nào cũng cười được”.

Tại Diễn đàn “Khơi nguồn cảm hứng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và tiềm năng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên theo nhóm ngành”, anh Nguyễn Minh Triết Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam khẳng định, khởi nghiệp sáng tạo được coi là động lực then chốt thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, là chìa khóa để Việt Nam chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống, vốn dựa vào lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên, sang mô hình tăng trưởng mới dựa trên năng suất và đổi mới sáng tạo.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và dưới tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Đảng và Nhà nước đã thống nhất quan điểm phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thông qua các định hướng và chương trình hành động cụ thể.

Khẳng định số lượng người trẻ thành đạt vẫn đang là con số ít, chưa thực sự xứng đáng với tiềm năng vốn có, Bí thư BCH Trung ương Đoàn tin tưởng rằng nếu các bạn trẻ nhận thức đúng đắn về vấn đề khởi nghiệp và theo đuổi đến cùng bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ thì sẽ còn có được nhiều thành công hơn nữa.

Ở Silicon Valey, người ta thường nói “ý tưởng là thứ rẻ mạt nhất nhưng có một thứ đắt nhất là ý tưởng thành công. Muốn ý tưởng thành công thì con đường duy nhất là phải hành động. Nuôi khát vọng khởi nghiệp thành công thì bạn trẻ cần phải tích lũy đầy đủ kỹ năng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường./.

Từ khóa: khởi nghiệp, startup, sinh viên, CEO, thất bại, vov2

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập