Kinh doanh với Ấn Độ và Nepal doanh nghiệp cần biết rõ những điểm này

Cập nhật: 25/05/2020

VOV.VN - Cộng đồng người Việt chính là kênh phối hợp quan trọng đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Ấn Độ và Nepal.

Tiếp cận thị trường Ấn Độ và Nepal thông qua cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là một trong những kênh xúc tiến thương mại quan trọng và nhanh chóng, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, nhu cầu sản xuất và xuất khẩu của các DN Việt Nam đang gia tăng.

Nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý

Tại Hội thảo “Xúc tiến thương mại thông qua cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ và Nepal”, do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với Hội người Việt Nam tại Ấn Độ và Nepal, Phòng Thương mại và Công nghiệp các Nhà nhập khẩu Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức ngày 20/5, các diễn giả cùng có chung nhận định, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Ấn Độ và Nepal chính là kênh phối hợp quan trọng với các doanh nghiệp trong nước để đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập nhanh và sâu vào Ấn Độ và Nepal.

cong dong nguoi viet giup tang kim ngach thuong mai voi an do va nepal hinh 1
Ông Bùi Trung Thướng, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ.

Chia sẻ những khó khăn về mặt thủ tục khi đặt chi nhánh DN tại Ấn Độ, bà Nguyễn Huỳnh Khánh Linh, Ủy viên Ban chấp hành - Hội người Việt Nam tại Ấn Độ và Nepal cho biết, nếu như ở Việt Nam có công ty TNHH một thành viên thì ở Ấn Độ tối thiểu phải 2 thành viên, với vốn tối thiểu là khoảng 1.300 USD. Cho đến thời điểm hiện tại, Ấn Độ vẫn quy định 1 trong 2 thành viên của công ty TNHH phải là người Ấn Độ. Khi DN Việt Nam muốn thành lập chi nhánh ở Ấn Độ thì loại hình công ty TNHH vẫn phải thuê người Ấn Độ đứng tên làm giám đốc.

“Việc mở chi nhánh DN tại Ấn Độ rất phức tạp. Thông thường các bên tư vấn vẫn khuyên không nên thành lập chi nhánh, nhưng nếu DN liên quan đến bảo hiểm ngân hàng, tài chính vẫn bắt buộc phải thành lập chi nhánh ở đây. Bước tiếp theo rất quan trọng mà nhiều DN Việt Nam đang bị vướng là việc mở tài khoản ngân hàng công ty và chuyển vốn từ Việt Nam sang”, bà Vy chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo bà Linh, trước khi kí kết hoặc mua bán xuất nhập khẩu với đối tác Ấn Độ, các DN Việt Nam nên tìm hiểu, xem xét thực lực, tình hình tài chính, độ tin cậy của các đối tác.

“Hiện có nhiều DN Ấn Độ dù có website rất lớn, tên rất “kêu” nhưng họ chẳng có gì hết, thậm chí là cái bàn giấy cũng không có nên nhiều DN Việt Nam xuất hàng sang cho họ đã không nhận được tiền thanh toán”, bà Linh cho biết và lưu ý, trong trường hợp mua bán LC, các DN Việt Nam nên yêu cầu các DN Ấn Độ gửi Credit Report. Qua đó sẽ biết rõ tình trạng tài chính, thực lực của họ và biết được DN có kinh doanh thật hay không và có nộp thuế đầy đủ hay không.

Bà Nguyễn Thu Hiền, Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp các Nhà nhập khẩu Ấn Độ tại Việt Nam cho biết, hiện nay, các DN Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ và Nepal cũng đang gặp phải rất nhiều đối thủ cạnh tranh mạnh từ nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan…

Tuy nhiên, trong suốt những năm qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp các Nhà nhập khẩu Ấn Độ luôn hỗ trợ cho các DN xuất khẩu hàng hóa sang Ấn Độ. Cơ quan có thể giúp đỡ các DN kiểm tra công việc thanh toán, giúp các DN xuất khẩu của Việt Nam kiểm tra sự tin tưởng của các đối tác Ấn Độ.

“Chúng tôi có thể trợ giúp pháp lý, kiểm tra chất lượng hàng hóa khi của cả hai bên là các DN xuất khẩu và nhập khẩu. Phòng có thể cử người tới tận nhà máy để kiểm tra chất lượng lô hàng DN Việt Nam cần mua, đảm bảo như hai bên đã thỏa thuận. Có nhiều DN thời gian qua gặp nhiều vướng mắc và kiến nghị khi họ nhận được hàng không đạt chất lượng hoặc không đúng chuẩn loại. Cùng với đó, Phòng còn đưa các DN 2 bên thăm quan, tìm hiểu thị trường tại nước sở tại để xem các DN mỗi bên họ cần các mặt hàng cụ thể nào để có thể xúc tiến thương mại”, bà Hiền cho biết.

Nhiều dư địa cho hàng hóa Việt Nam

Theo ước tính của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, hiện có khoảng 500 người Việt Nam tại Ấn Độ và 40-50 người Việt Nam tại Nepal. Đây là đội ngũ có kinh nghiệm, nắm rõ thị trường nước sở tại, vì vậy họ sẽ chỉ rõ cho doanh nghiệp Việt Nam cách tiếp cận thị trường hợp lý, hiệu quả, giúp tiết giảm các chi phí tiếp cận thị trường.

cong dong nguoi viet giup tang kim ngach thuong mai voi an do va nepal hinh 2
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại
(Bộ Công Thương).

Ông Bùi Trung Thướng, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, thị trường và Ấn Độ và Nepal là hai thị trường dồi dào tiềm năng nhưng còn rất sơ khai. Dư địa để hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản có nhiều dư địa khi tìm kiếm đối tác xuất khẩu sang thị trường này.

“Thông qua Diễn đàn, các cơ quan quản lý và thương vụ mong muốn lắng nghe tâm tư nguyện vọng, vướng mắc của DN để có chính sách hỗ trợ đưa hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ và Nepal. Chỉ khi có sự phối hợp giữa nhà nước và DN mới có thể hi vọng trong thời gian tới, kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường này mới tăng vượt bậc. Hơn lúc nào hết, các DN cần mạnh dạn hơn nữa trong việc đầu tư vào thị trường Ấn Độ và Nepal”, ông Thướng khuyến khích.

Khẳng định hợp tác thương mại và xúc tiến thương mại giữa Việt Nam với Ấn Độ và Nepal còn nhiều tiềm năng, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, Ấn Độ là thị trường lớn ở khu vực Nam Á với gần 1,4 tỷ dân. Việt Nam đánh giá cao Ấn Độ với vị thế đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam. Với thị trường Nepal, dù kim ngạch thương mại còn hạn chế nhưng những cơ sở, tư tưởng triết lý kinh doanh hợp tác hai bên có nhiều điểm tương đồng, nhiều lĩnh vực còn để ngỏ những dư địa hợp tác lớn.

“Để tiếp cận thị trường Ấn Độ và Nepal, một trong những kênh quan trọng và nhanh chóng là thông qua cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Ấn Độ và Nepal. Cộng đồng này chính là kênh phối hợp quan trọng với các doanh nghiệp trong nước để đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập nhanh và sâu vào Ấn Độ và Nepal. Với những cơ sở, tư tưởng và triết lý kinh doanh hai bên có nhiều điểm tương đồng nên đây chính là những cơ hồi còn để ngỏ và là dư địa hợp tác lớn”, ông Tài khẳng định./.

Từ khóa: thị trường ấn độ, nepal, xúc tiến thương mại, cộng đồng người Việt

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập