Kinh doanh online-cơ hội tăng thêm thu nhập cho lao động thất nghiệp
Cập nhật: 15/03/2020
VOV.VN - Kinh doanh online đang mang đến giải pháp “cứu cánh” cho giới kinh doanh nhỏ giữ chân khách, tạo thêm việc làm cho lao động thất nghiệp.
Theo thống kê của Tổng Cục Thuế, 2 tháng đầu năm nay, đã có trên 9.000 hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội phải giải thể, đóng cửa và tạm nghỉ kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, lĩnh vực kinh doanh online lại phát triển mạnh, trở thành giải pháp “cứu cánh” cho các cửa hàng, cơ sở kinh doanh, vừa giữ chân khách, tạo thêm việc làm cho những lao động phải nghỉ việc, đồng thười duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Kinh doanh online đang mang đến giải pháp “cứu cánh” cho giới kinh doanh nhỏ giữ chân khách, tạo thêm việc làm cho lao động thất nghiệp. |
Chị Nguyễn Thị Mai Trang, đầu bếp tại một trường tư thục thuộc quần Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, hơn 2 một tháng nghỉ ở nhà, ngoài việc không có thu nhập, chị còn cảm thấy buồn chán vì không có việc gì làm ngoài mỗi ngày lo 2 bữa cơm chính.
Sau khi tìm hiểu và được giới thiệu vào nhóm bán hàng online, chị Trang đã tham gia bán một số mặt hàng thiết yếu như thực phẩm sạch và nhiều mặt hàng gia dụng. Biết nấu nhiều món ăn ngon, chị chế biến sẵn một số món như cá kho, chả cá và một vài đồ uống, nhận được phản hồi tích cực của khách hàng. Công việc bán hàng online đem lại niềm vui và có thêm thu nhập, phụ giúp gia đình trong thời điểm khó khăn này.
“Đợt vừa rồi thất nghiệp, may có được công việc bán hàng online cũng cải thiện được thu nhập, khách họ phản hồi tốt bởi tôi bán toàn đồ chất lượng, sạch sẽ. Bởi tôi cho rằng, bán hàng dưới hình thức nào thì cái quan trọng là người bán hàng phải có tâm, lựa chọn những mặt hàng chất lượng đảm bảo thì mới bán cho khách hàng. Còn những mặt hàng không rõ nguồn gốc thì không được bán. Đầu tiên bán toàn cho khách quen, rồi người này giới thiệu cho người kia, bán sẽ được lâu dài, khách họ sẽ tin tưởng mình”, chị Trang nói.
Trước nhu cầu mua sắm online ngày càng tăng của người dân, chị Thành Thu Lương, Trưởng nhóm cháo Mùa Thu và Những người bạn đã thiết lập một siêu thị online với nhiều mặt hàng đa dạng, từ lương thực thực phẩm đến các mặt hàng nhu yếu phẩm, gia dụng, mỹ phẩm, thời trang...
Chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng thành viên tham gia Nhóm mua bán, trao đổi và kết nối yêu thương đã lên đến 3.000 thành viên. Lượng đơn hàng khách đặt online tăng khoảng 25 – 30% so với thời điểm chưa có dịch.
Để đảm bảo việc kinh doanh online thực chất, hiệu quả, mỗi thành viên bán hàng sẽ được cấp mã số. Tất cả các thành viên phải cam kết chất lượng sản phẩm, thông tin công khai, minh bạch nguồn gốc sản phẩm, địa chỉ bán hàng kèm theo số điện thoại.
Chị Thu Lương chia sẻ, đây là cơ hội cho những người đang thất nghiệp tạm thời có điều kiện kinh doanh, có thêm thu nhập, đồng thời phát triển hệ thống siêu thị online uy tín, thực chất. Bởi hiện nay, việc kinh doanh online đang “nở rộ”, không ít người quảng cáo quá sự thật gây mất niềm tin khách hàng.
“Tôi phải lập một kế hoạch để tạo thêm việc làm thêm cho mọi người, tư vấn cho mọi người là làm thế nào để có thể có đầu ra một cách vừa an toàn, vừa đảm bảo và có thêm thu nhập. Nguồn thì tôi cũng yêu cầu họ phải cung cấp cho tôi rõ địa chỉ, thống nhất chung, có kế hoạch nhất định thì đầu ra mới tốt. Tuyển nhân viên bán hàng online không phải mục đích cho tôi mà muốn cộng đồng lan tỏa công việc này, theo tôi thì cũng đơn giản, ai cũng có khả năng làm được”, chị Lương cho biết thêm.
Thanh toán qua hình thức online cũng được ưa chuộng trong thời kỳ dịch Covid-19. (Ảnh minh họa: KT) |
Kinh doanh online phát triển, nhu cầu tuyển nhân viên giao hàng tăng đột biến. Nhiều cửa hàng kinh doanh cho biết, có những thời điểm, nhân viên đưa hàng làm không đủ công suất.
Anh Lê Xuân Cường, nhân viên giao hàng thuộc chuỗi của hàng thực phẩm ở Hà Nội cho biết, vừa nghỉ việc tại một nhà hàng do phải đóng cửa vì không có khách, nghe bạn bè, anh nhận đi giao hàng trong thời gian nghỉ việc, mỗi ngày thu nhập từ 500.000 - 1 triệu đồng. Phí giao hàng được trả từ 20.000 – 30.000 đồng/đơn hàng.
“Những ngày gần đây, người dân đặt hàng online tăng mạnh, chủ yếu là thực phẩm, hoa quả trái cây nhiều. Bình thường tôi làm việc từ 9 giờ sáng đến 7 giờ tối. Ngày nào tỷ lệ đơn giao cho khách vẫn tồn đọng khá nhiều, khoảng 60-70 đơn, chưa đáp ứng hết nhu cầu khách hàng”, anh Cường chia sẻ.
Nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh, một số cửa hàng cũng tạm dừng hoạt động bán hàng trực tiếp để chung tay cùng cả nước phòng tránh dịch Covid-19. Thay vào đó các sản phẩm sẽ được ưu đãi và trợ giá vận chuyển khi khách đặt hàng online hoặc đặt hàng qua trang thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng kinh doanh cũng lắp thêm máy thanh toán qua quét mã QR nhằm khuyến khích người tiêu dùng chuyển đổi hình thức thanh toán không dùng tiền mặt hoặc chuyển khoản để hạn chế lan truyền virus khi mua sắm trực tiếp.
Ngành Công Thương cũng đã kiến nghị các doanh nghiệp thương mại điện tử, logistics sẵn sàng vào cuộc trong các trường hợp. Theo đó, hệ thống các siêu thị lớn như BigC, Co.opmart, Vinmart,… cũng triển khai mạnh dịch vụ giao hàng tại nhà để hỗ trợ cho khách mua hàng online, các siêu thị cũng tăng cường số lượng nhân viên giao hàng, áp dụng chế độ giao hàng miễn phí với những đơn hàng từ 200.000 đồng ở khu vực nội thành.
Để kích thích người tiêu dùng tăng mua sắm qua kênh trực tuyến, một số sàn thương mại điện tử cũng đã chọn hình thức hợp tác cùng siêu thị với nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn cho khách hàng như tiki, shopee, lazada... và hỗ trợ người tiêu dùng bằng các hình thức khuyến mãi từ 20 - 25% trong thời gian này./. Chợ Facebook làm tăng sức ép cho các sàn thương mại điện tử?
Từ khóa: Covid-19, dịch Covid-19, bán hàng online, kinh doanh online
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN