Kinh doanh khẩu trang thời có dịch corona: Đừng bất chấp mọi giá!
Cập nhật: 05/02/2020
VOV.VN -Làm nghề nào cũng vậy, đều phải có tâm, có đạo đức. Đừng bất chấp mọi giá mà bán rẻ lương tâm, nhất là của người được đào tạo trong ngành y.
Chưa bao giờ cơn sốt khẩu trang y tế lại như bây giờ. Tại thời điểm hiện tại, không phải cứ có tiền là mua được khẩu trang. Bạn tôi thường trú của Bộ Ngoại giao ở Thái Lan gọi điện về khẩn thiết: “Bà xem có chỗ nào bán khẩu trang y tế mua hộ cho bố mẹ tôi một ít. Khổ thân ông bà già, mấy hôm nay đi khắp các cửa hàng thuốc đều không mua được”.
Tất nhiên đang mùa dịch, việc “cháy” khẩu trang là chuyện có thể xảy ra nhưng đằng sau câu chuyện này có rất nhiều vấn đề. Khi dịch viêm phổi cấp do virus corona mới bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, theo khuyến cáo của các cơ quan, chuyên gia y tế, khẩu trang là một trong những vật dụng quan trọng bậc nhất để phòng dịch hiện nay. Nhà nhà, người người đổ xô đi mua khẩu trang, không chỉ mua để đủ dùng mà cả để tích trữ như vẫn thường thấy khi có dịch bệnh, mưa bão hay “cháy” một mặt hàng nào đó.
Thái độ “chỏng lỏn” của nhiều cửa hàng thuốc khó có thể để mọi người nghĩ rằng, họ đang chia sẻ với lo lắng về dịch bệnh của đồng loại |
Vô tình người tiêu dùng cũng góp phần đẩy nhu cầu lên quá cao. Nhiều nhà thuốc đã nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng, tăng giá khẩu trang lên chóng mặt, có nơi bán cao hơn giá trị thực tế đến hơn chục lần. Khi các cơ quan chức năng vào cuộc, nhiều nhà thuốc có thái độ “biểu tình” bằng cách không bán, hoặc đề biển “Không bán khẩu trang. Đừng hỏi”… dẫn đến việc khan hiếm khẩu trang như hiện nay.
Có nhiều lý giải được các nhà thuốc đưa ra, hàng họ nhập giá cao thì phải bán giá cao, giờ không cho họ bán giá cao thì họ không bán vì sẽ lỗ; hoặc họ không nhập hàng về bán nữa nên không có hàng... Khi họ không bán hàng nhưng có nhiều người hỏi quá nên họ phải trưng biển để đỡ phải trả lời nhiều.
Việc các nhà thuốc không có hàng (hoặc có thể găm hàng) hay phản ứng tiêu cực với các cơ quan chức năng bằng cách đặt những biển thông báo như vậy chỉ có bản thân người chủ nhà thuốc mới có câu trả lời chính xác. Nhưng dù là trường hợp nào thì cách ứng xử của những người được cấp giấy phép mở những nhà thuốc như thế này cũng khó có thể chấp nhận trong một xã hội ngày càng văn minh như hiện nay.
Những ông bà chủ nhà thuốc này đều là những người có tấm bằng Dược sỹ, ngoài được đào tạo về chuyên môn họ được học bài bản cả về y đức. Y đức của người trong ngành Y cũng quan trọng không kém chuyên môn của họ, vì mỗi quyết định của họ đều liên quan đến sức khoẻ của con người, thậm chí là cả sinh mạng.
Vì thế, thái độ “chỏng lỏn” của chủ nhiều cửa hàng thuốc trước dịch bệnh, trước sức khoẻ, tính mạng của mọi người thể hiện ở những mệnh đề khô khốc, vô cảm: “Không bán khẩu trang. Đừng hỏi”, “không bán khẩu trang”… khó có thể để mọi người nghĩ rằng, họ đang chia sẻ với lo lắng về dịch bệnh của đồng loại, mà ngược lại là cảm thấy họ đang có thái độ coi thường, thách thức.
Làm như vậy, có thể họ thoả mãn tức thời vì đã có “đáp trả” khi bị cơ quan quản lý thị trường “tuýt còi” hay có chuyện họ đầu cơ, găm hàng để trục lợi nhưng cơ quan chức năng không thể nào “phạt” được.
Thế nhưng, lương tâm của người bán hàng, lại là những người làm việc trong ngành y, liệu họ có day dứt?Nhất là khi song hành với hành động của họ vẫn còn nhiều những hình ảnh tử tế khác trong lúc “cháy” khẩu trang thì mọi người chia sẻ với nhau những chiếc khẩu trang, hay những cháu bé dành hết tiền mừng tuổi để mua khẩu trang phát miễn phí cho mọi người.
Làm nghề nào cũng vậy, kinh doanh cũng thế, cũng đều phải có tâm, có đạo đức, lấy chữ tín làm đầu thì mới sống được với nghề. Đừng bất chấp mọi giá mà bán rẻ lương tâm mình, nhất là lương tâm của những người được đào tạo trong ngành Y, ngành cứu sống con người./.
Lái xe trả lại tiền, cụ bà trả sổ nghèo: Sự tử tế nâng đỡ niềm tin!
Xin đừng kỳ thị người Trung Quốc chỉ vì virus corona!
Từ khóa: kinh doanh khẩu trang, cháy khẩu trang, khẩu trang y tế, dịch corona, virus corona
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN