Kinh doanh du lịch nông nghiệp còn mang nhiều tính tự phát

Cập nhật: 20/11/2020

VOV.VN - Mặc dù có tiềm năng, nhưng hoạt động du lịch trong các trang trại, hợp tác xã nông nghiệp hiện vẫn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch nên chưa thu hút được nhiều khách du lịch.

Mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp gắn với hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày càng có tiềm năng lớn, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn.

Theo thống kê, cả nước hiện có gần 34.400 trang trại nông nghiệp. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng có số lượng trang trại nhiều nhất cả nước với hơn 8.000 trang trại; tiếp đến là vùng Đông Nam Bộ, vùng Trung du Miền núi phía Bắc… Nhận thấy tiềm năng phát triển, một số địa phương thời gian qua đã tổ chức xây dựng các chương trình du lịch nông thôn gắn trang trại với các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống của địa phương.

Tỉnh Ninh Thuận xây dựng chương trình tham quan, nghỉ dưỡng tại các vườn nho, vườn táo, trang trại nuôi dê, nuôi cừu. Các tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu long xây dựng chương trình khai thác các yếu tố gắn với văn hóa, sinh thái sông nước như chợ nổi, cù lao ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang; đàn ca tài tử ở Bạc Liêu; lễ hội trái cây, hoa cảnh miền Tây,…

Hiện có hai loại hình trang trại, hợp tác xã nông nghiệp gắn với hoạt động du lịch nông nghiệp: một là các trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch, các hợp tác xã nông nghiệp có tổ chức hoạt động du lịch; hai là hợp tác xã sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch và hợp tác xã phát triển du lịch cộng đồng, kết hợp nghỉ dưỡng (homestay). Việc phát triển các loại hình này đã thúc đẩy nông nghiệp sạch phát triển; đồng thời thu hút và tạo công ăn việc làm tại chỗ cho lao động địa phương; giúp xóa đói giảm nghèo, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải thiện môi trường sinh thái, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Mặc dù có tiềm năng, nhưng hoạt động du lịch trong các trang trại, hợp tác xã nông nghiệp hiện vẫn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch nên chưa thu hút được nhiều khách du lịch.

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Du lịch nêu thực tế: “Sản phẩm đơn điệu, nghèo nàn chủ yếu dựa vào tài nguyên tự nhiên nên trùng lặp, việc khai thác các yếu tố sản xuất nông nghiệp nông thôn và du lịch nhiều khi còn rời rạc chưa có sự liên kết chặt chẽ để hình thành nên chuỗi giá trị trên cơ sở liên kết điểm đến với các doanh nghiệp lữ hành, liên kết giữa sản xuất hàng hóa với tiêu dùng du lịch. Lao động nông thôn trong khu vực du lịch còn khoảng cách rất lớn so với khu vực đô thị. Phần lớn bà con nông dân làm du lịch không được đào tạo kỹ năng và tư duy kinh doanh dịch vụ. Vấn đề tiếp thị quảng cáo sản phẩm nông nghiệp chưa được chú trọng”.

Để khắc phục những hạn chế tồn tại này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cùng các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển hoạt động du lịch nông nghiệp, nông  thôn trong các trang trại, hợp tác xã nông nghiệp. Đồng thời cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho loại hình trang trại, hợp tác xã nông nghiệp kết hợp hoạt động du lịch.

“Ở vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long kết hợp với cảnh thiên nhiên tạo ra những nơi nghỉ để cho khách du lịch dừng chân chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên kết hợp với với sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là mô hình chúng tôi thấy cần phải tiếp tục phát huy. Cần tạo chuỗi liên kết phát triển du lịch làm nông nghiệp nông thôn, đưa tour khách du lịch về nông thôn, liên kết chặt chẽ các đơn vị du lịch” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói./.

Từ khóa: kinh doanh du lịch, du lịch nông nghiệp, tính tự phát

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập