Kinh doanh dịch vụ ăn uống tại TP.HCM chưa mở rộng vì nhiều "nút thắt"

Cập nhật: 25/09/2021

VOV.VN - Không ít cửa hàng tại TP.HCM đã mở cửa thì gặp phải các khó khăn như khách hàng giảm sút, thiếu nhân sự do người lao động trở về quê tránh dịch, chi phí tăng do xét nghiệm định kỳ và phải thực hiện "3 tại chỗ".

Tại TP.HCM, loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống đã được phép mở cửa trở lại từ ngày 8/9 và chỉ được bán mang đi. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh vẫn rất thận trọng, e dè, thậm chí là "án binh bất động" để xem xét tình hình. Không ít cửa hàng đã mở cửa thì gặp phải các khó khăn như khách hàng giảm sút, thiếu nhân sự do người lao động trở về quê tránh dịch, chi phí tăng do xét nghiệm định kỳ và phải thực hiện "3 tại chỗ".

Mở cửa dè dặt vì thiếu lao động và chi phí tăng cao

Nếu trước đây đường Nguyễn Gia Trí (D2 cũ) thuộc phường 25, quận Bình Thạnh được xem là một trong những con đường ăn uống sầm uất đối với sinh viên TP.HCM, thì nay chưa tới 20% số cửa hàng mở lại để bán đồ ăn qua ứng dụng giao đi. Nhiều cửa hiệu thức ăn nhanh đông khách, nay vẫn "cửa đóng then cài", thận trọng thăm dò trước khi hoạt động trở lại. Mở cửa sớm hơn chủ yếu là những hàng bán bún và bánh mì truyền thống…

Chị Nguyễn Trúc My, chủ quán Bún cá Nha Trang trên đường Nguyễn Gia Trí, quận Bình Thạnh cho biết, gần một tuần sau khi TP cho phép bán đồ ăn mang đi, chị mới tìm được các loại nguyên liệu cơ bản để chế biến. Việc tiếp cận nguyên liệu hạn chế, lúc có lúc không do phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp và lượng khách đặt mua giảm sút do ảnh hưởng của dịch khiến chị My lo lắng.

Nhiều cửa hàng trước đây có 2 đến 3 chi nhánh thì nay đóng bớt hoặc chỉ tập trung vào 1 điểm duy nhất vì thiếu nhân sự. Diện tích kinh doanh khiêm tốn nên dù có tìm được lao động thì các cửa hàng nhỏ cũng rất khó để bố trí cho nhân viên ở lại theo tiêu chí "3 tại chỗ". Thực tế này diễn ra hầu hết tại các quận huyện, kể cả ở vùng xanh.

Anh Lê Quang Doan, chủ một quán cơm miền Bắc tại Quận 7 cho hay, để tiết giảm chi phí, anh và người nhà phải tự làm hết mọi việc. Anh Doan bày tỏ hy vọng khi TP kiểm soát được dịch bệnh, các quy định kinh doanh cũng sẽ được nới lỏng hơn/

Không chỉ những hàng ăn, quán nước nhỏ gặp khó khi vừa bán hàng vừa thực hiện các biện pháp phòng dịch, một số chuỗi lớn trong ngành ăn uống tại TP.HCM quay lại kinh doanh cũng không hề dễ dàng. Chuỗi cà phê Ông Bầu là một ví dụ. Chuỗi này có hơn 100 cửa hàng và quán cà phê nhượng quyền tại TP.HCM, nhưng đến nay chưa đến 5% số cửa hàng mở lại. Ông Lương Trọng Cần, Giám đốc Điều hành chuỗi cà phê Ông Bầu cho biết, ở thời điểm tháng 6, kênh bán hàng qua các ứng dụng chỉ đóng góp từ 10% đến 15% vào tổng doanh thu. Sau thời gian dài đóng cửa, các chủ cửa hàng nhượng quyền sẽ dựa trên hiệu quả kinh doanh trực tuyến mà quyết định có hoạt động lại ở thời điểm này hay không. Hơn nữa, tình trạng “khát” lao động cũng đang là nút thắt khiến nhiều cửa hàng chưa thể mở cửa.

Tăng độ phủ vaccine, từng bước phục hồi kinh doanh ăn uống

Theo một số chuyên gia kinh tế, khác với nhóm các doanh nghiệp sản xuất có thể dễ dàng hơn trong việc áp dụng các giải pháp phòng dịch như camera giám sát hay "3 tại chỗ"…, các quán ăn uống tại TPHCM có mức phân tán trong dân cư rất cao, từ các hẻm đến nhiều con đường lớn và hầu hết có quy mô nhỏ. Theo ông Trần Bằng Việt, chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hiện nay có thể chia các nhà hàng, quán ăn thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất, bản thân người chủ, đồng thời là người lao động, việc bán mang đi giúp họ duy trì doanh thu ở mức tối thiểu để trang trải chi phí. Nhóm thứ 2 là các chuỗi, có khả năng sắp xếp, lo cho nhân công chỗ ở, xét nghiệm định kỳ, nhưng trở ngại lớn nhất là thiếu lao động.

Do ảnh hưởng dịch bệnh khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, lợi nhuận ngành thực phẩm giảm xuống, thêm vào đó, chi phí dành cho "3 tại chỗ" và xét nghiệm cũng là áp lực không nhỏ với cả 2 nhóm trên. Theo ông Trần Bằng Việt, cho dù các chủ cửa hàng có đầy đủ giải pháp để phòng dịch, thì mức độ hồi phục dịch vụ ăn uống đến đâu còn phụ thuộc rất lớn vào tốc độ tiêm chủng ở TP.HCM:

Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang trông chờ tình hình dịch bệnh được kiểm soát tại TP.HCM, việc giãn cách sớm được nới lỏng. Lộ trình mở cửa cho các cửa hàng ăn uống phụ thuộc rất lớn vào kết quả thí điểm ở các vùng xanh và khi tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng được nâng lên trong thời gian tới./.

Từ khóa: TPHCM, dịch vụ ăn uống tại TP.HCM, phòng chống COVID-19

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập