Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm bản quyền nội dung của VOV

Cập nhật: 11/05/2021

Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phát đi cảnh báo có 3 Website đã vi phạm bản quyền kênh chương trình phát thanh thuộc sở hữu của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Bà Nguyễn Kha Thoa, Giám đốc Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền thông đa phương tiện AMS, Đài Tiếng nói Việt Nam vừa có đề nghị gửi cơ quan chức năng cần xử lý 3 website này theo quy định của pháp luật và khẳng định việc làm nàybảo vệ bản quyềncủa VOV- một cơ quan ngôn luận chính thứccủa Đảng và Nhà nước.

Qua công tác tiếp nhận, xử lý kiến nghị vi phạm, Cục Phát thanh Truyền hình và thông tin điện tử cho biết3 websiteđã vi phạm bản quyền kênh chương trình phát thanh thuộc sở hữu của Đài Tiếng nói Việt Nam, cụ thể có địa chỉ tên miền là radiovietnamonline.com; onlineradiobox.com; tivihot.net.

Chương trình bị vi phạm bản quyền nhiều nhất là các chương trình phát sóng trên Kênh VOV2 như Đọc truyện đêm khuya, Chuyện thầm kín, Cửa sổ tình yêu, Đàn bà 30+, Diễn đàn giáo dục VOV2...); Kênh VOV1 như Sự kiện và Bình luận, Tin tức... và các chương trình của Kênh VOVGT, VOV5. Đặc biệt trên YouTube, có các kênh sử dụng nội dung của Đài Tiếng nói Việt Nam có hàng triệu lượt xem/nghe và theo dõi rất lớn như: kênh Pad TV; Vov Media…

Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ Truyền thông cũng phát hiện ra rất nhiều website, nhiều ứng dụng OTT trên các kho ứng dụng di động Google Play và Apple App Store hiện đang sử dụng tài nguyên của Đài Tiếng nói Việt Nam dưới nhiều hình thức: livestream trực tuyến các kênh phát thanh của Đài, thu, cắt, biên tập và tái sử dụng các nội dung chương trình của Đài, ví dụ như Đọc truyện đêm khuya, Kể chuyện cảnh giác… Trên kho ứng dụng Google Play, phát hiện 14 ứng dụng lớn đang phát thanh trực tuyến các kênh của VOV. Ví dụ, ứng dụng Radio Vietnam -Listen and record radio online, ứng dụng Radio Vietnam Online - listening radio thu hút từ 500.000 đến 1 triệu lượt tải về. Các ứng dụng khác đang phần từ 10.000 đến 100.000 lượt tải.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ Truyền thông tích cực đưa ra các biện pháp bảo vệ bản quyền nội dung của Đài Tiếng nói Việt Nam trên môi trường Internet.

Theo đó, Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ Truyền thông đa phương tiện đã chủ động làm việc với Facebook và Google. Kết quả đã đóng cửa, hoặc yêu cầu hơn 100 Fanpage, kênh YouTube gỡ bỏ toàn bộ các nội dung sử dụng trái phép của Đài Tiếng nói Việt Nam. Liên quan đến các website và các ứng dụng OTT trên di động, Đài TNVN đã có văn bản phối hợp đề nghị Cục PTTH và TTĐT hỗ trợ xử lý 31 trường hợp vi phạm.

Bà Nguyễn Kha Thoa, Giám đốc Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền thông đa phương tiện AMS, nêu rõ: "Thông tin cảnh báo lần này của Cục PTTH là một tin tốt đối với VOV, thể hiện nỗ lực và quyết tâm của Lãnh đạo Đài liên quan đến vấn đề bảo vệ bản quyền, cũng như làm trong sạch thông tin trên mạng Internet, tránh fake news, tránh tin giả mạo danh một cơ quan ngôn luận chính thức như VOV. Bảo vệ bản quyền trên Internet là một câu chuyện liên tục, không lúc nào được chủ quan, sao lãng, vì cùng với sự phát triển của công nghệ sẽ thường xuyên xuất hiện các kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng, khai thác. Chính vì lẽ đó, khi xây dựng VOV Live, chúng tôi đã đề cao tính bảo mật".

Về việc cácWebsitevi phạm bản quyền chương trình phát thanhthuộc sở hữu của Đài Tiếng nói Việt Nam, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội khẳng định đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cụ thể là vi phạm Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin, vi phạm quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Với những hành vi thông thường, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Trong trường hợp giả mạo thông tin, nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản.

Với việc giả mạo các trang web thông tin của Đài Tiếng nói Việt Nam, cơ quan chức năng cần phải sớm vào cuộc xác minh làm rõ và xử lý các đối tượng vi phạm, phải làm rõ được các đối tượng thực hiện các hành vi phạm với mục đích gì, thực hiện từ bao giờ và hậu quả đã gây ra cho xã hội như thế nào. Sự việc này thì cơ quan an ninh mạng cần phải có những biện pháp nghiệp vụ để sớm phát hiện và xử lý các đối tượng vi phạm.

Internet là xu hướng phát triển tất yếu, VOVđã quyết định đẩy mạnh các nền tảng số, mà cụ thể là xây dựng hệ thống phân phối Nội dung số VOV Live. Trước vụ việc việc này, căn cứ các quy định của pháp luật về xử lý đối với hành vi vi phạm bản quyền, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử phối hợp cơ quan có thẩm quyền và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối Internet trong nước (các ISP) để triển khai các biện pháp kỹ thuật chặn truy cập 3 websitenêu trên tại Việt Nam.

Ngày 13/11/2020, Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ Truyền thông gửi công văn đến 31 đơn vị, cá nhân, đề nghị các đơn vị, cá nhân kể trên chấm dứt các hành vi vi phạm bản quyền nội dung của Đài Tiếng nói Việt Nam. Qua vụ việc này cũng cho thấy, Đài Tiếng nói Việt Nam đã và đang quyết liệt thực hiện đấu tranh và xử lý các đối tượng vi phạm bản quyền để có biện pháp bảo mật an ninh thông tin mạng./.

Nguyễn Hằng/VOV1

Từ khóa:

Thể loại: Tin hoạt động VOV

Tác giả:

Nguồn tin: R&D