Kiên Giang: Cống Cái Lớn - Cái Bé góp phần phòng chống hạn mặn
Cập nhật: 19/03/2021
Phó Thủ tướng Lê Thành Long tặng quà Tết tại Lạng Sơn
Câu chuyện tìm hướng đi cho cà phê hữu cơ của anh Lê Văn Vương (17/1/2025)
VOV.VN - Dự án hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 được khởi công xây dựng vào tháng 10/2019, với tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Hiện, công trình đang trong giai đoạn nước rút để hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Do tình hình hạn mặn đang diễn biến ngày càng gay gắt và phức tạp nên Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã đồng ý cho vận hành cống Cái Bé từ đầu tháng 2 vừa qua (nhanh hơn một mùa khô theo tiến độ hợp đồng) để kịp phòng chống hạn mặn, kiểm soát trên 20.000ha đất nông nghiệp ở các huyện ven sông Cái Lớn, Cái Bé của tỉnh Kiên Giang. Qua đó, giúp địa phương tiết kiệm được chi phí đắp hơn 130 đập tạm và góp phần giảm thiểu tác động môi trường do việc đắp đập tạm gây ra.
Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục thuỷ lợi tỉnh Kiên Giang cho biết, trong đợt mặn xâm nhập cao nhất khi chưa đóng cống Cái Bé, độ mặn đo được là 4g/l, xâm nhập qua thị trấn Gò Quao hơn 40km. Mặn cũng đã xâm nhập vượt qua kênh Chưng Bầu (là điểm khống chế để đo mặn) đến kênh Giồng Riềng Bến Nhứt. Vì vậy, việc vận hành sớm cống Cái Bé hơn 1 tháng qua đã đem lại nhiều thuận lợi và lợi ích lớn cho tỉnh Kiên Giang.
“Trước hết là tỉnh không phải đắp hơn 100 đập thời vụ tạm thời ở phía thượng lưu của cống Cái Bé, chủ yếu là ở huyện Giồng Riềng. Theo kế hoạch, riêng kinh phí tiết kiệm từ việc không đắp số đập trên đã hơn 12 tỷ đồng. Quan trọng hơn, do không đắp đập, chúng ta không bị cản trở dòng chảy ô nhiễm cũng như cản trở lưu thông thủy. Ở mặt rộng hơn, việc vận hành sớm tạm thời cống Cái Bé góp phần đảm bảo kiểm soát mặn, phục vụ bảo vệ cho hơn 20.000 ha lúa, cây ăn trái của vùng phía bắc sông Cái Bé, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Tân Hiệp, góp phần cho nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô ở khu vực này”, ông Nguyễn Huỳnh Trung nói.
Mới đây, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 (Ban 10), Công ty Cổ phần Lilama 10 và các đơn vị liên quan đã tiến hành lắp đặt hoàn thành cửa van đầu tiên của công trình cống Cái Lớn. Cửa van có khẩu độ 40m x 9m, nặng 203 tấn, là loại cửa van có kích thước lớn ở Việt Nam.
Cống Cái Lớn có 11 cửa van, trong đó có 8 cửa van có khẩu độ 40m x 9m, nặng 203 tấn; 2 cửa van khẩu độ 40m x7,5m, nặng 188 tấn và 1 cửa van khẩu độ 40m x 6,0m, nặng 155 tấn. Ông Lê Hồng Linh, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 cho biết, cống Cái Lớn có đặc tính kỹ thuật phức tạp, thi công khó, tuy nhiên, đến nay đã hoàn thành trên 75% khối lượng, đang tiến hành lắp đặt các cửa van cống đợt 1 và thi công các phần việc còn lại, phấn đấu sớm đưa công trình vận hành toàn bộ cửa van vào tháng 6 năm nay.
“Chúng tôi đặt mục tiêu và khẳng định sẽ thực hiện được là công trình hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu hoàn thành từng bước một, ví dụ như cống Cái Bé đặt mục tiêu là 30/5 sẽ hoàn thành toàn bộ công trình; Cống Cái Lớn sẽ hoàn thành vào tháng 10/2021. Với cống Cái Bé phần chính công trình đã xong, đủ điều kiện vận hành để kiểm soát phục vụ sản xuất. còn các công trình phụ trợ như mặt bằng, cảnh quan, chúng tôi đang cố gắng thực hiện trong vòng 3-4 tháng. Cống Cái Lớn đã thực hiện hơn 70%, dự kiến sẽ hoàn thành lắp đặt toàn bộ cửa van vào ngày 30/6 và hoàn thành toàn bộ công trình vào tháng 10”, ông Lê Hồng Linh cho biết.
Dự án hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn - Cái Bé được kỳ vọng sẽ kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững cho hơn 384.000ha đất nông nghiệp; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, giảm thiệt hại do hạn, mặn vào mùa khô cho các tỉnh phía tây sông Hậu./.
Từ khóa: Cống Cái Lớn – Cái Bé, chống hạn mặn, biến đổi khí hậu, tỉnh Kiên Giang
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN