Kiên định mục tiêu kép phát triển sản xuất và đảm bảo sức khỏe nhân dân

Cập nhật: 24/02/2021

(VOV5) -Sau thực tế này, đã cónhiều quốc gia, tổ chức quốc tế uy tín đánh giá Việt Nam là một trong những nước và vùng lãnh thổ xử lý đại dịch Covid-19 hiệu quả nhất.

Những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và quân dân Việt Nam đều chung sức, đồng lòng, nỗ lực tham gia phòng chống dịch Covid-19. Dịch bệnh được kiểm soát ổn định trong bối cảnh cả nước bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ phát triển sản xuất ngay từ những ngày đầu năm Tân Sửu, đập tan những rêu rao bôi nhọ thực tế phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam.

Nhiều vị lãnh đạo Chính phủ và các địa phương họp xuyên đêm để chỉ đạo phòng chống dịch, lực lượng bộ đội biên phòng ứng trực tại các tổ, chốt trên biên giới; hàng vạn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, nhân viên y tế cùng nhiều lực lượng ở cơ sở túc trực, phục vụ tại các khu cách ly, khu phong tỏa và phun khử trùng, điều trị cho người nhiễm Covid-19.

Kết quả là làn sóng Covid -19 lần thứ ba tại Việt Nam nhanh chóng được kiểm soát. Tết nguyên đán Tân Sửu vừa qua, người dân cả nước vẫn vui xuân, đón Tết trong trạng thái bình thường mới. Họ vẫn đến chợ hoa, đi siêu thị mua sắm, tham quan vãn cảnh... mà không lo sợ dịch Covid-19 khi thực hiện đầy đủ "5K" (khẩu trang-khử khuẩn-không tụ tập đông người-khai báo y tế-khoảng cách).

Kiên định mục tiêu kép phát triển sản xuất và đảm bảo sức khỏe nhân dân - ảnh 1Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương xét nghiệm Covid-19 cho người dân. Ảnh: Bộ Y tế

Thành quả được cộng đồng quốc tế ghi nhận

Sau thực tế này, đã cónhiều quốc gia, tổ chức quốc tế uy tín đánh giá Việt Nam là một trong những nước và vùng lãnh thổ xử lý đại dịch Covid-19 hiệu quả nhất.Trang tin Business Insider của Mỹ ngày 23/2/2021 đăng bài viết ghi nhận hiệu quả của Việt Nam trong việc phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Bài báo dẫn bảng xếp hạng của Viện Lowy (Australia) cho thấy Việt Nam xếp thứ hai trong số 98 quốc gia và vùng lãnh thổ, chỉ sau New Zealand về hiệu quả chống dịch Covid-19. Theo bài báo, không có nước nào có cùng quy mô hoặc dân số như vậy lại kiểm soát hiệu quả được dịch Covid-19 giống như Việt Nam. Dù có chung đường biên giới với quốc gia khởi phát đại dịch Covid -19, nhưng câu chuyện thành công của Việt Nam là một điều đáng tự hào.

Trong một diễn biến liên quan, ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, lại cho rằng có 3 yếu tố mang lại thành công chống dịch cho Việt Nam gồm: truy vết nguồn lây, triển khai xét nghiệm và đưa ra thông điệp hướng dẫn rõ ràng. Thay vì xét nghiệm toàn dân, Việt Nam chỉ xét nghiệm những người từng tiếp xúc với nguồn lây. Biên giới cũng đóng cửa và bất kỳ ai nhập cảnh sẽ phải cách ly tập trung tại các cơ sở của chính phủ và miễn phí. Người dân Việt Nam đang học cách sống trong điều kiện “bình thường mới”, nhưng vẫn được khuyến nghị giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. Trong một bản báo cáo trình lên Liên hợp quốc, ông Malhotra đánh giá cao mô hình phòng, chống dịch của Việt Nam.

Vững tin thực thi nhiệm vụ kép

Truyền thông quốc tế những ngày này đang cho rằng Việt Nam đang viết tiếp câu chuyện thành công về kinh tế sau khi kiểm soát tốt dịch Covi-19. Theo đó, trong khi hầu hết các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng và phải vật lộn với những tác động kinh tế do đại dịch gây ra, thì hoạt động kinh tế của Việt Nam vẫn tiếp tục vận hành dù ban đầu có những gián đoạn và suy giảm nhẹ. Điều này hoàn toàn đúng với những gì đã và đang diễn ra tại Việt Nam. Ngay trong ngày đầu tiên của năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP thể hiện quyết tâm cao, hành động quyết liệt, nhất quán thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để kích thích tổng cầu phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Chính phủ yêu cầu các bộ ngành tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch Covid-19 nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5% trong năm 2021.

Từ kinh nghiệm và kết quả ứng phó, khống chế dịch Covid-19 trong năm 2020, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam luôn có niềm tin vững chắc vào sự thành công trong nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 lần này. Hiện dịch bệnh ở Việt Nam đã được khống chế hiệu quả. Thực hiện mục tiêu kép, các hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn được duy trì, phát triển trong trạng thái bình thường mới. Ở những địa phương và những lĩnh vực kinh tế ít chịu tác động của dịch bệnh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh không những được giữ vững mà còn tăng tốc phát triển mạnh mẽ. Chiến lượctái cơ cấu kinh tế đã và đang tạo nên những bước đột phá vượt bậc, đưa hàng loạt sản phẩm và vùng sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế, năng suất, hiệu quả, đặc biệt là giá trị sản phẩm được nâng cao gấp hàng chục lần so với sản xuất truyền thống trước đây.

Bên cạnh những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 như: Kinh doanh du lịch, dịch vụ giải trí... nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế đã biến khó khăn thành cơ hội để bứt phá vượt lên.

Như vậy, khó tin vào chuyện đời sống xã hội bị ảnh hưởng và nền kinh tế Việt Nam sẽ “sập” như những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các phần tử cực đoan, thế lực thù địch đã và đang rêu rao. Thực tế đang là cơ sở vững chắc để tin rằng dịch Covid-19 đã được kiềm chế, sức khỏe người dân được an toàn. Những mục tiêu về kinh tế xã hội Chính phủ đề ra trong năm 2021 sẽ trở thành hiện thực bằng sự kiên định, quyết liệt, đoàn kết, thống nhất thực hiện mục tiêu kép trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng người Việt yêu nước trên toàn cầu.

Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, đại dịch Covid-19, lĩnh vực ảnh hương dịch bệnh, mục tiêu kép, người Việt yêu nước

Thể loại: Thời sự

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập