Kiểm tra giám sát việc thực thi Công ước chống tra tấn

Cập nhật: 13/12/2024

VOV.VN - Hội thảo giới thiệu báo cáo quốc gia lần thứ 2 của Việt Nam về thực thi Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (CAT) đã diễn ra sáng 28/11 tại TP.HCM, do Cục Đối ngoại Bộ Công an và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc phối hợp tổ chức.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Công an cho biết, Việt Nam trở thành thành viên chính thức, tham gia Công ước chống tra tấn từ năm 2015 và kể từ đó đã thực hiện quyết liệt cam kết của mình đối với cộng đồng quốc tế về thực thi Công ước chống tra tấn, nội luật hóa pháp luật của Việt Nam để phù hợp với Công ước.

Từ năm 2019 đến nay, Quốc hội đã thông qua, sửa đổi, ban hành hơn 70 luật liên quan đến đảm bảo quyền con người, trong đó có nhiều bộ luật quan trọng liên quan đến việc thực thi Công ước chống tra tấn, như Bộ luật Hình sự, Bộ Luật tố tụng hình sự, Luật thi hành án hình sự, Luật thi hành tạm giữ tạm giam...

Thông qua đó nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức liên quan đến Công ước chống tra tấn, giúp nhân dân hiểu rõ hơn về Công ước như trách nhiệm, nghĩa vụ của công chức trong việc thực thi, đảm bảo quyền con người không bị tra tấn, không bị đối xử tàn bạo, vô nhân đạo.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Công an, để đôn đốc các cơ quan ban ngành, các tổ chức liên quan thực thi Công ước, cần tăng cường kiểm tra giám sát, qua đó chủ động phòng ngừa, phát hiện sai phạm và xử lý nghiêm, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Mặt khác, để nâng cao việc thực thi Công ước chống tra tấn cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức quốc tế để hoàn thiện pháp luật, trao đổi kinh nghiệm, có kế hoạch, biện pháp thực thi Công ước một cách hiệu quả nhất.

"Để đảm bảo quyền con người cần phải có cơ sở vật chất phù hợp. Thời gian qua, dù đã phát triển nhưng do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên đã ảnh hưởng việc đảm bảo quyền con người trong hỏi cung bị can, đảm bảo quyền lợi của phạm nhân lớn tuổi, phụ nữ có con nhỏ… Quốc hội đã thông qua việc sẽ xây dựng những phòng hỏi cung thân thiện cho trẻ dưới 18 tuổi, lắp camera ghi âm ghi hình tại phòng xét hỏi để đảm bảo tốt nhất quyền của bị can, bị cáo" - Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ cho biết thêm.

Từ khi tham gia Công ước chống tra tấn đến nay, Việt Nam đã thông qua 3 báo cáo quốc gia. Những báo cáo này thể hiện rất rõ cam kết của Việt Nam về thực hiện Công ước chống tra tấn, được Hội đồng Công ước của Liên hiệp quốc đánh giá cao, những khuyến nghị của Hội đồng cũng được Việt Nam tiếp thu kỹ lưỡng, thực hiện chu đáo.

Qua lần báo cáo lần thứ nhất, báo cáo giữa kỳ và mới đây là báo cáo quốc gia lần 2 cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực thi Công ước. Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 87 phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn, thể hiện rất rõ cam kết của Việt Nam.

Từ khóa: tra tấn, chống tra tấn,Bộ Công an ,Liên hợp quốc,thực thi

Thể loại: Giáo dục

Tác giả: ngọc xuân/vov-tp.hcm

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập