Kiểm toán có thể "chặn" tham nhũng, tiêu cực ngay từ khâu chính sách

Cập nhật: 24/08/2022

VOV.VN - Nói về vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, nhiều ý kiến cho rằng Kiểm toán Nhà nước nên tập trung vào vấn đề phòng và ngăn ngừa hạn chế tham nhũng từ chính sách.

Kiểm toán Nhà nước có vai trò quan trọng trong phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, đó là ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý tại Hội thảo khoa học “Phòng, chống tham nhũng và vai trò của Kiểm toán nhà nước”, do Kiểm toán Nhà nước tổ chức sáng 24/8 tại Hà Nội.

Tại hội thảo, các đại biểu nêu rõ, tham nhũng đã trở thành một thách thức không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn mang tính toàn cầu. Đảng ta đã có nhiều văn bản nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt.

Với địa vị pháp lý là cơ quan kiểm tra tài chính do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, Kiểm toán Nhà nước là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng, chống thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dung tài chính và tài sản công.

Nhấn mạnh vai trò của kiểm toán trong phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam Đặng Văn Thanh cho rằng vai trò của Kiểm toán Nhà nước nên tập trung vào vấn đề phòng và ngăn ngừa, hạn chế tham nhũng thông qua các hoạt động kiểm toán của mình ngay từ chính sách. Qua đó hạn chế, ngăn ngừa những hành vi có thể xâm phạm lợi ích của nhà nước, của nhân dân. Quan trọng nhất là làm sao đó để ý kiến của kiểm toán, kết luận của kiểm toán được các cơ quan chấp nhận và thực hiện.  

Trong 5 năm từ năm 2016 đến giữa năm 2021, các cơ quan tố tụng đã khởi tố mới 1.356 vụ án với 3.471 bị can về tội tham nhũng, chức vụ. Các cơ quan Kiểm tra, Thanh tra, Kiểm toán, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát đã tập trung phát hiện và xử lý tội phạm, hành vi tham nhũng gây hậu quả thất thoát, thiệt hại lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, đất đai, đầu tư dự án, y tế, giáo dục...

Để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả về công tác phòng chống tham nhũng, các ý kiến đề nghị Kiểm toán nhà nước cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tích cực với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là tự phòng chống tham nhũng trong nội bộ, tránh xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong chính cơ quan Kiểm toán Nhà nước.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Theo dõi công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Nội Chính Trung ương nhấn mạnh, qua hoạt động kiểm toán đã kiến nghị rất nhiều sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật và đây là "nguồn đầu vào" rất tốt để Ban Nội chính Trung ương nghiên cứu đề xuất các chính sách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cùng với đó là nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Ban Chỉ đạo và của Kiểm toán Nhà nước, nhất là phối hợp chỉ đạo rà soát việc thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán ở địa phương; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do Kiểm toán Nhà nước chuyển cho cơ quan điều tra, cho Viện Kiểm sát./.

Từ khóa: Kiểm toán phòng chống tham nhũng, phát hiện tham nhũng qua kiểm toán, kiểm toán ngăn chặn tham nhũng chính sách, kiểm toán nhà nước phòng chống tham nhũng

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập