Kiểm soát lo lắng về Covid-19: Hãy nghĩ đến điều tốt đẹp nhất
Cập nhật: 24/03/2020
Da Nang and Hoi An among Top 5 cheapest digital nomad destinations in Asia
Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2025 có chủ đề “Đà Nẵng – Kỷ nguyên mới”
VOV.VN - Lo lắng về nguy cơ mắc Covid-19 là điều khó tránh khỏi, nhưng làm thể nào để kiểm soát mối lo này? Câu trả lời là hãy nghĩ đến điều tốt đẹp nhất.
Cơ chế của nỗi sợ hãi
Theo Guardian, thế giới đã thay đổi hoàn toàn so với 1 tuần trước đó. Sự thay đổi này thật nhanh chóng và đáng sợ. Nó khiến mọi người hoảng loạn như thể cuộc sống bình thường đã hoàn toàn vượt xa tầm tay.
Kiểm soát bản thân là cách tốt nhất để thoát khỏi những nỗi lo sợ thái quá. Ảnh minh họa: Reuters |
Não bộ của con người không được “lập trình” để quen với sự bất trắc mà luôn “bật chế độ cảnh báo” với bất kỳ mối đe dọa nào. Chính vì thế, việc con người cảm thấy khủng hoảng trong thời kỳ dịch bệnh là điều hết sức bình thường, mọi chuyện sẽ còn nghiêm trọng hơn nếu như chúng ta cảm nhận được điều gì đó tồi tệ hơn chắc chắn sẽ xảy ra.
Điều đó cũng lý giải tại sao những người trẻ tuổi và có sức khỏe tốt không quá quan tâm đến khả năng mắc Covid-19 và ngay cả nếu mắc bệnh họ cũng có tâm lý “rồi sẽ vượt qua thôi, phải không?”, trong khi những người lớn tuổi và dễ bị tổn thương lại khó có được “đặc quyền xa xỉ” này.
Theo ông Robert Leahy, Giám đốc Viện Liệu pháp Nhận thức-Hành vi Hoa Kỳ, con người bị “khóa chặt” trong “một tâm lý chung rằng cuộc sống của họ hoặc của những người thân yêu đang bị đe dọa”.
Cũng theo ông Leahy: “Khi chúng ta lo lắng, chúng ta thường nghĩ đến những kết cục tồi tệ nhất. Ví dụ như sau vụ 11/9, tôi được nghe rất nhiều người nói rằng, chắc chắn sẽ có một vụ tấn công khác nhằm vào New York hoặc al-Qaeda sẽ tiến hành tấn công khủng bố nước Mỹ. Thực tế những điều này không hề xảy ra”.
Chính vì thế, hoàn toàn có thể hiểu được sự sợ hãi của người dân ở nhiều quốc gia khi phải đối mặt với dịch Covid-19. Tuy nhiên, nếu bình tĩnh suy xét, có thể nhận thấy rằng, các biện pháp hiện nay như xét nghiệm, giãn cách xã hội, cách ly và hạn chế đi lại đang có tác dụng nhất định. Dĩ nhiên, điều này không phải là nhằm “xoa dịu” tính nghiêm trọng của dịch Covid-19 bởi đã có hàng chục nghìn người đã tử vong vì dịch bệnh này.
Giáo sư Tâm lý học lâm sàng tại Đại học Oxford Daniel Freeman nhận định: “Hầu hết mọi người thường muốn dự đoán được. Chúng ta muốn được trấn an rằng, mọi thứ khi chúng ta thức giấc sáng hôm sau vẫn y hệt như trước khi chúng ta đi ngủ đêm hôm trước. Nếu có gì thay đổi, chúng ta muốn nó phải nằm trong tầm kiểm soát”.
Tuy nhiên, “đời không như là mơ”, Giáo sư Freeman khuyến nghị: “Chúng ta cần phải làm quen với những gì bất định. Bản thân chúng ta cũng đang sống một cuộc sống nhiều bất trắc và khó có thể kiểm soát được mọi thứ ngay cả khi đó là những điều nhỏ nhặt nhất.
Chúng ta cần chấp nhận một thực tế rằng, không có gì 100% an toàn và chúng ta không thể kiểm soát mọi thứ dù có nỗ lực như thế nào đi chăng nữa. Dù chúng ta có cẩn thận đến đâu, chúng ta cũng không biết được điều gì sẽ chờ đợi mình và cũng không thể ngăn cản điều đó chỉ bằng cách ngồi lo lắng. Cách tốt nhất là nên tập trung vào những điều có ý nghĩa nhất trong cuộc đời”.
Những suy nghĩ tiêu cực trong mùa dịch bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của mỗi cá nhân. Ảnh: AP |
Lo lắng về Covid-19: Hãy suy nghĩ khác
Bà Natasha Page, chuyên gia trị liệu thuộc Hiệp hội Tư vấn và Trị liệu Tâm lý Anh cho biết: “Chúng ta đều biết Covid-19 là loại virus nguy hiểm. Nhưng có cần làm quá lên thế không? Chúng ta cũng cần nghĩ đến những kịch bản tốt đẹp nhất. Lo lắng có thể là một cảm xúc cần thiết giúp chúng ta giữ an toàn cho bản thân và làm những điều đúng đắn, nhưng cứ giữ khư khư trong đầu kịch bản tồi tệ nhất sẽ không có lợi gì”.
Việc liên tục theo dõi thông tin về dịch bệnh dường như có thể giúp chúng ta kiểm soát tốt hơn tình hình nhưng trên thực tế, điều này có thể khiến nỗi sợ hãi nhân lên nhanh chóng. Giáo sư Freeman cho rằng: “Kiến thức là sức mạnh, chính vì thế hãy đảm bảo rằng bạn có đủ thông tin và những lời khuyên có ích từ những nguồn đáng tin cậy nhất. Tuy nhiên, dù việc này là cần thiết, chúng ta vẫn cần tự đặt ra giới hạn về việc tiếp nhận thông tin cho bản thân”.
Trong khi đó, bà Natasha Page cho rằng, một điều hết sức quan trọng khác chính là việc phải đảm bảo duy trì công việc và sự ổn định tài chính để có thể “sống sót qua dịch bệnh”: “Điều này giúp chúng ta thanh toán các khoản tiền thuê nhà và duy trì hoạt động kinh doanh. Hãy đảm bảo bạn nhận được đầy đủ thông tin trước khi lên kế hoạch tài chính”.
Việc kiểm soát tâm lý cũng là điều hết sức quan trọng, chuyên gia trị liệu tâm lý Eve Menezes Cunningham chia sẻ: “Hãy luôn tự nhắc nhở bản thân rằng, ít nhất cho đến thời điểm này bạn vẫn an toàn và mạnh khỏe. Khi đang có dịch bệnh, rất khó để mọi người nghĩ về một ngày mai đầy nắng cùng cầu vồng rực rỡ nhưng cũng đừng có mãi giữ những điều tồi tệ trong đầu. Đừng phủ nhận thực tế nhưng hãy luôn tự nhủ rồi mọi thứ sẽ qua đi ngay cả khi chúng ta không biết là vào lúc nào”.
Chia sẻ cảm xúc, giúp đỡ mọi người vượt qua những thời điểm gian khó là cách tốt nhất để lan truyền điều tích cực trong mùa dịch. Ảnh minh họa: Reuters |
Cũng theo bà Cunningham, suy nghĩ tích cực sẽ làm giảm nguy cơ bị stress – được cho là gây sản sinh cortisol ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch cơ thể: “Khi nồng độ cortisol lên cao, hệ thống miễn dịch của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng. Suy nghĩ tích cực có thể không khiến mọi chuyện tốt đẹp hơn nhưng ít nhất nó cũng giúp cải thiện hệ thống miễn dịch cơ thể”.
Các chuyên gia cũng gợi mở, cách tốt nhất để hướng tới suy nghĩ tích cực chính là việc tích cực vận động, nhất là khi mọi người bị giới hạn về không gian do việc bị hạn chế đi lại phòng Covid-19. Giáo sư Freeman cho rằng: “Điều quan trọng là chúng ta cần phải tham gia vào nhiều hoạt động có ích cho bản thân, điều này không chỉ giúp tăng cường sức khỏe mà còn giúp kết nối tốt hơn với gia đình, bạn bè và người thân”.
Theo nghiên cứu của Viện Max Planck, Đức, sự lo lắng cũng có thể “lây lan” và gia tăng nhanh chóng nếu con người chứng kiến một ai đó đang lâm vào cảnh nguy khốn dù đó là người thân hay kẻ xa lạ. Khi chúng ta chứng kiến mối lo sợ lan rộng trên toàn cầu, không có gì ngạc nhiên nếu chúng ta cảm thấy sợ hãi.
Tuy nhiên, khi đó, hãy là người có thể trấn an bạn bè và đồng nghiệp bởi điều này mang lại lợi ích cho cả hai phía. Đừng vội vơ hết hàng hóa trong siêu thị, đừng ra ngoài nếu cảm thấy trong người có những triệu chứng của dịch bệnh. Thay vì thế, hãy hỏi thăm hàng xóm, giúp đỡ bạn bè và mọi người khi có thể bởi sự tử tế cũng có thể lan truyền./.
Trần Khánh/VOV.VN (Biên dịch)
Theo Guardian
Từ khóa: virus corona, dịch viêm phổi cấp, vũ hán, dịch corona, viêm phổi cấp
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN