Kiểm soát đái tháo đường ở Việt Nam còn nhiều thách thức

Cập nhật: 30/03/2021

VOV.VN - Đái tháo đường đã và đang ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu bệnh nhân và đặt gánh nặng không nhỏ lên hệ thống y tế.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đái tháo đường nằm trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới trong năm 2023. Căn bệnh này đã và đang ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu bệnh nhân và đặt gánh nặng không nhỏ lên hệ thống y tế.

Thông tin này trên được đưa ra tại hội thảo khoa học “Khởi đầu thập kỷ mới với liệu pháp insulin nền”. Hội thảo diễn ra tại TP Hà Nội và TPHCM nhằm đánh dấu cột mốc 100 năm phát triển của insulin và thảo luận vai trò của insulin nền trong việc điều trị đái tháo đường.

Theo công bố Atlas ấn bản lần thứ 9 của Liên đoàn Đái Tháo Đường Thế giới (IDF), ước tính trên thế giới có 463 triệu người trưởng thành trong độ tuổi 20-79 hiện đang chung sống với bệnh đái tháo đường type 1,2. Trong năm 2019, ước tính hơn 4 triệu người trong độ tuổi từ 20-79 đã tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến đái tháo đường. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), căn bệnh này nằm trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới trong năm 2023.

Tại Việt Nam, đái tháo đường đã và đang ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu bệnh nhân và đặt một gánh nặng không nhỏ lên hệ thống y tế. Khoảng hơn 3,5 triệu người Việt đang mắc đái tháo đường. Tỷ lệ người mắc đái tháo đường tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa. Dự kiến số người mắc đái tháo đường tại Việt Nam sẽ tăng lên gần 6,3 triệu vào năm 2045.

Việt Nam có đến 55% bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng, chủ yếu là tim mạch, mắt, thần kinh và thận. Vì vậy phải kiểm soát đường trong máu thật tốt, ngăn ngừa biến chứng. Tình hình kiểm soát đái tháo đường ở Việt Nam còn nhiều thách thức, chỉ có hơn 31% người đái tháo đường được chẩn đoán, trong số đó chỉ có gần 29% người được điều trị.

PGS.TS.BS. Nguyễn Thy Khuê, Chủ tịch Liên chi Hội Đái tháo đường và Nội tiết TPHCM cho biết, nửa thế kỷ gần đây, bệnh đái tháo đường type 2 cũng đã trở thành đại dịch trên toàn cầu. "Việc điều trị bệnh đái tháo đường với insulin đã có nhiều cải tiến đáng kể bao gồm sự thay đổi từ insulin chiết xuất từ động vật với nhiều tạp chất, nồng độ thấp cho đến insulin giống của người cực kỳ tinh khiết; từ dụng cụ bơm tiêm phức tạp cho đến bút insulin tiện lợi và hiện nay là dụng cụ cảm ứng đường huyết,…"- PGS Nguyễn Thy Khuê cho biết.

Insulin là tên của loại hormone giúp cơ thể sử dụng hoặc dự trữ glucose có được từ thức ăn, cũng là yếu tố giúp kiểm soát đường huyết trong cơ thể. Trong điều trị bệnh đái tháo đường, insulin được bác sĩ chỉ định sử dụng trong từng trường hợp và đối tượng cụ thể.

Năm 1921, insulin được phân lập từ tuyến tụy động vật bởi các nhà khoa học Canada của Đại học Toronto4. Qua 100 năm phát triển và cải tiến, insulin đã được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới và giúp hàng triệu bệnh nhân đái tháo đường tránh được biến chứng và nguy cơ tử vong. Đặc biệt, các chế phẩm insulin nền và insulin nền thế hệ mới đã góp phần giảm thiểu những rào cản trong việc điều trị đái tháo đường như hạ đường huyết, tăng cân,.../.

Từ khóa: đái tháo đường, phòng ngừa đái tháo đường, điều trị đái tháo đường, insulin

Thể loại: Y tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập