VOV.VN - Sau khi nhà thầu chính thức khai thác cát biển tại Sóc Trăng để làm nền đường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau, Bộ GTVT yêu cầu các tỉnh, thành và chủ đầu tư, nhà thầu cần giám sát nghiêm ngặt chất lượng cát biển và có biện pháp xử lý giảm độ mặn cát biển làm cao tốc.
Ý nghĩa quan trọng cho dự án cao tốc qua ĐBSCL
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) cho biết, đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay đang triển khai thi công các dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dự án An Hữu - Cao Lãnh và một số dự án trọng điểm khác với tổng nhu cầu nguồn vật liệu cát đắp khoảng 50 triệu m3.
“Mặc dù đã được áp dụng cơ chế đặc thù của Chính phủ trong việc cấp mỏ vật liệu, tuy nhiên, nguồn cát sông và công suất khai thác vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, tiến độ thi công. Do đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu các giải pháp vật liệu thay thế.
Sau đó, Bộ GTVT đã tổ chức triển khai dự án thí điểm sử dụng cát biển đắp nền đường trên phạm vi hoàn trả ĐT978 (tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) thuộc cao tốc Hậu Giang - Cà Mau một cách bài bản, cẩn trọng, khoa học, khách quan. Kết quả cho thấy, cát biển đáp ứng tiêu chuẩn đối với vật liệu thi công nền đường và thực hiện tương tự như cát sông, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thông báo tới các địa phương về kết quả thí điểm sử dụng cát biển”, ông Thi cho biết.
Trên cơ sở kết quả và các hướng dẫn liên quan của các Bộ chuyên ngành, Bộ GTVT tiếp tục tổ chức thi công thí điểm mở rộng làm nền đường cao tốc cho dự án có điều kiện môi trường tương tự.
Để có nguồn cát biển phục vụ thí điểm mở rộng tại dự án cao tốc, UBND tỉnh Sóc Trăng đã cấp "Bản xác nhận" khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quyết định giao quyền sử dụng khu vực biển thuộc tỉnh Sóc Trăng cho đơn vị thi công để khai thác.
"Việc mở rộng thí điểm thi công trên dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông có ý nghĩa hết sức quan trọng và là cơ sở để Bộ GTVT và các địa phương đánh giá, mở rộng phạm vi sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường đối với các dự án đường cao tốc đang được triển khai trong khu vực tại thời điểm hiện tại và tương lai", ông Thi nhấn mạnh.
Kiểm soát chặt độ mặn trong suốt quá trình thi công
Từ ngày 29/6, mỏ cát biển gần 100ha ở Sóc Trăng chính thức được khai thác phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.
Theo Bộ GTVT, phạm vi thi công thí điểm mở rộng được lựa chọn từ Km 81+000 đến hết phạm vi tuyến chính tại Km 126+223 (thuộc địa bàn huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu; huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang; huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) và từ Km 6+522 đến Km 16+510 đoạn tuyến nối Cà Mau (thuộc địa bàn các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời và Cái Nước, tỉnh Cà Mau).
Ngay sau khi những m3 cát biển đầu tiên về công trường phục vụ thi công cao tốc Hậu Giang - Cà Mau, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành và chủ đầu tư thực hiện nghiêm chỉ dẫn kiểm soát chặt chẽ độ mặn trong quá trình dùng cát biển đắp nền đường.
Cụ thể, chỉ dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về các tiêu chuẩn, quy chuẩn về độ nhiễm mặn của đất nông nghiệp, mặt nước nuôi trồng thủy sản làm cơ sở cho việc sử dụng cát biển làm dự án giao thông, để áp dụng khi sử dụng cát nhiễm mặn.
Đối với công tác quản lý khai thác, thi công cát biển, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, nhà thầu thi công tổ chức quản lý, khai thác, vận chuyển tuân thủ các nội dung quy định tại "Bản xác nhận" đã được UBND tỉnh Sóc Trăng cấp, các yêu cầu tại Quyết định số 1746/QĐ-BTNMT và các quy định pháp luật liên quan trong suốt quá trình khai thác.
Đối với các khu vực có điều kiện môi trường khác, Bộ GTVT đề nghị các chủ đầu tư căn cứ vào kết quả thí nghiệm của cát nhiễm mặn tại mỏ dự kiến khai thác, cần có biện pháp xử lý cát nhiễm mặn (nếu cần thiết) để giảm độ mặn.
Quy trình giảm độ mặn cát biển có thể qua các lần hút thổi, sang mạn cát từ tàu hút cát sang xà lan vận chuyển, bơm lên bãi tập kết và các giải pháp khác…
“Các chủ đầu tư phải kiểm soát chặt chẽ độ mặn trước và trong suốt quá trình thi công, bố trí hệ thống thoát nước để dẫn nước từ bãi tập kết, phạm vi thi công nền đường về khu vực phù hợp. Song song đó, thực hiện đầy đủ, đáp ứng các yêu cầu của các tiêu chuẩn hiện hành về thi công, nghiệm thu…”, Bộ GTVT yêu cầu.
Hiện nay, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đang tiếp tục tổ chức thí điểm mở rộng trên đoạn tuyến chính của dự án từ Km81+000 - Km126+223 (đi qua địa bàn các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau) và đoạn tuyến nối từ Km 6+522 (nút giao đường Võ Văn Kiệt) đến Km16+510 (Nút giao với quốc lộ 1) thuộc dự án Hậu Giang – Cà Mau. Đây là khu vực có môi trường đã nhiễm mặn cao hơn độ mặn của cát nhiễm mặn khi đưa về công trình.
Đại diện Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, so với cát sông, cát biển có hạt nhỏ và mịn hơn. Việc giám sát độ mặn được tiến hành nghiêm ngặt, kiểm tra rất nhiều lần, đạt yêu cầu mới được bơm lên công trường thi công cao tốc.
Khi cát hút lên sà lan (sà lan hoạt động trên biển), cán bộ giám sát sử dụng thiết bị chuyên dụng để kiểm tra độ mặn của cát, ghi các chỉ số. Thiết bị này như đồng hồ đo điện, cầm tay để kiểm tra nhanh. Kỹ sư lấy nước từ các sà lan lên để đo độ mặn của nước, đó chính là độ mặn của cát đang lấy.
Tại bãi tập kết, kỹ sư giám sát công trường tiếp tục đo độ mặn của cát. Đồng thời đo độ mặn của nước, đất khu vực sản xuất của người dân dọc quanh dự án cao tốc đi qua.
"Khi chỉ số độ mặn của cát biển thấp hơn độ mặn của môi trường xung quanh thì mới cho phép đưa cát vào công trường. Nếu chỉ số độ mặn của cát biển cao hơn chỉ số mặn của môi trường xung quanh, nhà thầu phải thau rửa cát thêm lần nữa, khi nào chỉ số mặn của cát biển thấp hơn thì cát mới được đưa vào công trường. Như vậy, quy trình kiểm soát độ mặn của cát biển rất chặt chẽ, qua rất nhiều công đoạn, đảm bảo tiêu chuẩn mới được đưa vào công trường", Đại diện Ban quản lý dự án Mỹ Thuận khẳng định.
Sau khi cát biển tại Sóc Trăng được khai thác đưa về công trường, nhà thầu đã phần nào được giải tỏa nỗi lo thiếu vật liệu cát đắp nền. Các đơn vị thi công chia "3 ca, 4 kíp" đẩy nhanh tiến độ gấp ba lần so với thời điểm thiếu cát để bù lại khối lượng bị thiếu. Cơn khát vật liệu cát đắp nền thời gian qua đã được xử lý, bây giờ là lúc bù đắp tiến độ để dự án kịp hoàn thành.
VOV.VN - Bộ GTVT cho biết, kết quả việc thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả dự án thành phần đoạn Cao tốc Hậu Giang-Cà Mau cho thấy cát biển sử dụng cho đoạn thí điểm đáp ứng yêu cầu và đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai thí điểm mở rộng sử dụng cát biển làm nền đường cho dự án xây dựng công trình giao thông.
Từ khóa: cao tốc, Khu vực ĐBSCL, cơ quan chức năng, vật liệu xây dựng,cao tốc Bắc-Nam qua ĐBSCL, ĐBSCL,cát biển làm cao tốc, cao tốc Bắc-Nam, Bộ GTVT,thiếu cát làm cao tốc,Sóc Trăng ,cao tốc Hậu Giang - Cà Mau