Kịch bản xấu nhất với Ukraine nếu ông Trump công nhận Crimea thuộc Nga

Cập nhật: 1 ngày trước

VOV.VN - Những đồn đoán mới nhất về khả năng Nhà Trắng công nhận chủ quyền pháp lý của Nga đối với bán đảo Crimea có thể sẽ chạm đến lằn ranh đỏ của Ukraine. Nếu trở thành hiện thực, điều này sẽ chấm dứt hơn một thập niên đồng thuận lưỡng đảng tại Washington trong việc bác bỏ tiến trình sáp nhập Crimea vào Nga.

Ông Volodymyr Ariev, một nhà lập pháp của Đảng Đoàn kết Châu Âu, nói với tờ Kiev Independent rằng: "Năm 2018, trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Trump, tuyên bố về Crimea đã được ký kết, khẳng định rõ ràng rằng Mỹ không công nhận việc Nga kiểm soát Crimea. Nếu Washington giờ đây phá vỡ chính cam kết của mình, họ sẽ trở thành một đối tác không còn đáng tin cậy trên trường quốc tế... và vô tình mở chiếc hộp Pandora ra toàn cầu”.

Sự bất mãn và lo lắng từ phía Kiev đã lộ rõ vào ngày 23/4, khi Tổng thống Zelensky tuyên bố công khai rằng Ukraine đòi hỏi một “lệnh ngừng bắn ngay lập tức, toàn diện và vô điều kiện”. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, không có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ nhanh chóng chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn trọn vẹn và những đề xuất hòa bình của Washington dường như đang gây nhiều bất lợi cho Kiev. Trong khi đó, Tổng thống Trump đang cạn dần kiên nhẫn.

Hạn chế về mặt pháp lý

Một trong những thách thức pháp lý ngăn trở quá trình công nhận chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimea nằm ở Hiếp pháp Ukraine. Theo đó, Crimea là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Ukraine, được xác định rõ trong Hiến pháp. Chính phủ Ukraine không có thẩm quyền thông qua bất kỳ hành động nào đi ngược lại với văn kiện này, đặc biệt trong bối cảnh thiết quân luật, khi mọi hoạt động sửa đổi hiến pháp đều bị đình chỉ.

Cách duy nhất để hợp pháp hóa bất kỳ sự thay đổi nào về chủ quyền đối với Crimea là thông qua một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn quốc. Mặc dù các khảo sát gần đây cho thấy số người Ukraine sẵn sàng chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ để đạt được hòa bình đang gia tăng, phần lớn dân chúng vẫn phản đối việc công nhận Crimea là của Nga.

Thêm vào đó, các cuộc thăm dò chưa phân biệt rõ giữa hai khái niệm: quyền kiểm soát trên thực tế (de facto) và quyền kiểm soát trên phương diện pháp lý (de jure); trong đó, công nhận pháp lý có khả năng gặp phải sự phản đối mạnh mẽ hơn từ công chúng.

“Không có chính phủ Ukraine nào có thẩm quyền công nhận Crimea là của Nga. Bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào bao gồm điều khoản như vậy đều tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn trong nước. Đó là lý do tại sao chưa từng có nhà lãnh đạo Ukraine nào chấp nhận điều đó và cũng gần như không thể có một thỏa thuận như vậy được thông qua tại Quốc hội”, Nghị sĩ Halyna Yanchenko thuộc Người phục vụ Nhân dân, chia sẻ với tờ Kyiv Independent.

Trong trường hợp Mỹ thực sự xem xét việc công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga trên danh nghĩa, Kiev nên ưu tiên thực hiện các hoạt động vận động hành lang nhằm phản đối quyết liệt đề xuất này, nhà phân tích chính trị Ukraine Yevhen Magda cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Kyiv Independent.

“Nhóm của ông Trump cần hiểu rằng không có chính trị gia có trách nhiệm nào ở Ukraine có thể chấp nhận điều đó. Bất kỳ đề xuất nào nhằm thỏa hiệp với các yêu sách của Putin sẽ chỉ khiến xã hội Ukraine đoàn kết chặt chẽ hơn xung quanh Tổng thống Zelensky, chứ không làm suy yếu ông ấy”, ông Magda nói.

Quan điểm của ông Magda nhận được sự đồng tình từ ông Ian Garner, Phó Giáo sư chuyên nghiên cứu về chế độ toàn trị tại Viện Pilecki, Ba Lan. Trong cuộc trao đổi với cùng tờ báo, ông Garner chia sẻ rằng nếu được tư vấn trực tiếp cho Tổng thống Zelensky ở thời điểm hiện tại, ông sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục giữ vai trò chủ động trong quan hệ với Washington.

“Tuy nhiên, Ukraine cũng cần chuẩn bị cho kịch bản Mỹ không chỉ rút lui khỏi vai trò trung gian mà thậm chí, dù là chủ ý hay không, có thể hỗ trợ những mục tiêu chiến lược của Nga”, ông Garner cảnh báo.

Mỹ đề cập đến khả năng rút lui

Vào ngày 24/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lại một lần nữa bất đồng quan điểm liên quan đến các nỗ lực chấm dứt cuộc chiến kéo dài ba năm ở Ukraine, trong bối cảnh ông Trump chỉ trích việc Kiev từ chối công nhận quyền kiểm soát Crimea của Nga.

Phó Tổng thống JD Vance tuyên bố rằng đã đến lúc Nga và Ukraine phải đưa ra quyết định rõ ràng về đề xuất hòa bình do Washington khởi xướng, nếu không, Mỹ sẽ rút khỏi tiến trình này. Phát biểu tại Ấn Độ, ông Vance cho biết bản đề xuất của Mỹ bao gồm việc "đóng băng các ranh giới lãnh thổ ở mức độ gần với tình hình hiện tại" và hướng tới một giải pháp ngoại giao có thể đem lại hòa bình lâu dài.

“Cách duy nhất để chấm dứt thương vong là các bên phải buông vũ khí và ngừng chiến”, ông Vance nhấn mạnh.

Một cựu quan chức phương Tây tiết lộ rằng đề xuất này cũng bao gồm cả việc công nhận Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Kể từ khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, ông Trump được cho đã thay đổi toàn bộ chính sách của Mỹ đối với cuộc chiến ở Ukraine, gây sức ép để Kiev chấp nhận ngừng bắn và đồng thời giảm áp lực đối với Moscow.

Tổng thống Zelensky ngày 23/4 tái khẳng định lập trường rằng Ukraine sẽ không bao giờ công nhận việc Nga kiểm soát Crimea, vốn đã bị sáp nhập từ năm 2014 sau một vụ trưng cầu dân ý gây tranh cãi.

“Không có gì để bàn ở đây cả. Điều đó vi phạm hiến pháp của chúng tôi”, ông Zelensky nói.

Trong khi đó, ông Trump, người đã có một cuộc gặp căng thẳng với người đồng cấp Ukraine Zelensky tại Phòng Bầu dục vào tháng 3, gọi phát biểu của nhà lãnh đạo Ukraine là "khiêu khích" và cho rằng điều đó khiến việc đạt được hòa bình trở nên khó khăn hơn. Trên một bài đăng mới đây trên mạng xã hội Truth Social, ông viết rằng bán đảo Crimea "đã mất từ lâu" và "không còn là một chủ đề cần phải thảo luận".

Tuy nhiên, ông Zelensky sau đó vẫn bày tỏ hy vọng về triển vọng hợp tác, nói rằng các cuộc đàm phán tại London giữa giới chức Mỹ, Ukraine và châu Âu diễn ra trong bầu không khí nhiều cảm xúc nhưng ông tin tưởng rằng "các đối tác của Kiev, đặc biệt là Mỹ, sẽ hành động phù hợp với những cam kết mạnh mẽ của họ".

Nhà lãnh đạo Ukraine cũng chia sẻ lại Tuyên bố về Crimea năm 2018 của Ngoại trưởng Mike Pompeo dưới thời Trump, trong đó nêu rõ Mỹ “phản đối nỗ lực sáp nhập Crimea của Nga và sẽ duy trì chính sách đó cho đến khi toàn vẹn lãnh thổ Ukraine được khôi phục”.

Ông Trump tiếp tục gây sức ép trên mạng xã hội, cho rằng Mỹ đang rất gần với một thỏa thuận hòa bình và nhấn mạnh rằng Washington đang làm mọi cách để "ngăn chặn thương vong ở Ukraine". Sau đó, Tổng thống Mỹ nói với báo giới rằng các cuộc đàm phán tại London “diễn ra khá tốt”, nhưng ám chỉ rằng kết quả phụ thuộc vào “hai người mạnh mẽ, hai người thông minh”, ám chỉ đến hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine.

Cuộc gặp gỡ đã bị gián đoạn khi Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hủy bỏ lịch trình tham dự một cuộc họp mở rộng với các Ngoại trưởng Ukraine, Anh, Pháp và Đức. Diễn biến này càng cho thấy những khác biệt đáng kể giữa Mỹ, Kiev và các đồng minh châu Âu về cách tiếp cận tiến trình hòa bình.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết ông Trump “đang mất kiên nhẫn” và cho rằng ông Zelensky “đang đi sai hướng”. Theo nhiều nguồn tin, các đề xuất của đặc phái viên Mỹ về vấn đề Trung Đông Steve Witkoff không chỉ bao gồm việc công nhận Crimea là của Nga mà còn đồng ý cho Moscow giữ quyền kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine, loại trừ khả năng Ukraine gia nhập NATO và tiến tới dỡ bỏ các lệnh trừng phạt phương Tây đối với Moscow.

Trên mạng xã hội, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Nga-Ukraine Keith Kellogg xác nhận đã có các cuộc thảo luận “tích cực” tại London với chánh văn phòng của ông Zelensky – ông Andriy Yermak. Ông Kellogg nhấn mạnh: “Đã đến lúc thực hiện chỉ thị chiến tranh của Tổng thống Trump: chấm dứt giao tranh, đạt được hòa bình và đặt lợi ích nước Mỹ lên hàng đầu”.

Ông Trump ngày 20/4 tiếp tục kêu gọi đẩy nhanh tiến trình hòa đàm, bày tỏ hy vọng rằng Nga và Ukraine có thể đạt được một thỏa thuận trong tuần này. Trọng tâm trong các cuộc thảo luận là xác định mức độ nhượng bộ mà Kiev có thể chấp nhận, đặc biệt sau khi ông Witkoff trình bày bản đề xuất tại Paris tuần trước. Ba nhà ngoại giao phương Tây cho biết bản đề xuất dường như yêu cầu Ukraine nhượng bộ nhiều hơn so với Nga.

Một quan chức Mỹ xác nhận rằng ông Witkoff dự kiến sẽ gặp lại Tổng thống Putin vào ngày 25/4. Đây sẽ là lần thứ tư ông đến Moscow kể từ khi Tổng thống Trump bắt đầu các nỗ lực trung gian hòa bình, bao gồm cả cuộc điện đàm bất ngờ với người đồng cấp Putin vào tháng 2/2025.

Kịch bản xấu nhất

Những phát biểu gần đây từ Nhà Trắng cho thấy chính quyền Trump đang theo đuổi lập trường cứng rắn, với ít dư địa cho việc điều chỉnh hay tiếp nhận các đề xuất ngoài phạm vi kế hoạch đã định sẵn. Trong bối cảnh các cuộc đàm phán đi chệch khỏi kế hoạch ban đầu của Mỹ hoặc tệ hơn là vẫn “dậm chân tại chỗ”, không thể loại trừ khả năng Nhà Trắng thực sự “rút chân” khỏi tiến trình hòa bình. Theo nhà phân tích Yevhen Magda, điều này sẽ trao cho Điện Kremlin điều họ mong muốn ngay từ đầu, đó là quyền quyết định cái kết của xung đột hiện thời.

Trong bối cảnh viện trợ quân sự từ Mỹ có nguy cơ sụt giảm, Ukraine sẽ phải dựa nhiều hơn vào sự hỗ trợ của phương Tây. Tuy đây là một kịch bản khả thi hơn nhiều so với thời điểm vài tháng trước nhưng khoảng trống do Washington để lại sẽ rất khó được lấp đầy trong ngắn hạn.

Hiện tại, các cuộc thảo luận ở châu Âu chủ yếu xoay quanh việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình nếu có một thỏa thuận được ký kết. Một tuyên bố chung từ Anh, Pháp và Đức sau cuộc hội đàm tại London cho biết ba nước “tái khẳng định sự ủng hộ đối với cam kết của Tổng thống Trump nhằm chấm dứt thương vong và đạt được hòa bình công bằng, bền vững”. Báo cáo cũng ghi nhận “tiến triển đáng kể trong việc xác lập lập trường chung về các bước tiếp theo” và khẳng định ý định “duy trì phối hợp chặt chẽ, hướng tới các vòng đàm phán tiếp theo trong tương lai gần”.

Tuy vậy, dù một số quốc gia đang tăng tốc đầu tư và mở rộng sản xuất quốc phòng, giới chuyên gia cho rằng sẽ cần nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, để châu Âu có thể cung cấp lượng vũ khí cần thiết giúp Ukraine duy trì được thế chủ động trên chiến trường.

“Ukraine cần chuẩn bị để tự lực cánh sinh”, Phó Giáo sư Ian Garner nhận định, đồng thời dẫn lời Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine đã tự sản xuất được khoảng 30% nhu cầu vũ khí và đang giữ vững các vị trí then chốt ở mặt trận phía Đông – nơi Nga cũng đang gặp khó khăn về mặt hậu cần và thiếu hụt nhân lực.

Dù vậy, ông Garner cũng cảnh báo rằng việc giữ vững phòng tuyến “sẽ không dễ dàng” và “đòi hỏi những hy sinh lớn về nhân lực và tài chính”.

Nga nêu điều kiện để chấm dứt ngay xung đột tại Ukraine

VOV.VN - Ngày 23/4, Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov tuyên bố, xung đột tại Ukraine sẽ "kết thúc ngay lập tức" nếu Kiev rút toàn bộ lực lượng khỏi bốn vùng lãnh thổ đã được Nga sáp nhập và ghi nhận trong Hiến pháp nước này. Đây được xem là điều kiện tiên quyết để tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn.

Từ khóa: Ukraine, trump, zelensky, nga, ukraine, chấm dứt hòa bình, xung đột nga-ukraine

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả: diệp thảo/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập