Kịch bản thiết giáp hạm Mỹ giao chiến với tuần dương hạm Liên Xô: Ai thắng, ai thua?

Cập nhật: 28/02/2021

VOV.VN - Tờ National Interest mới đây đã đưa ra kịch bản về một cuộc đối đầu giữa tuần dương hạm lớp Kirov của Liên Xô và thiết giáp hạm USS Iowa của Mỹ để xem chiến hạm nào có thể lấn át đối thủ trên đại dương.

Tình huống giả định là vào năm 1988, một cuộc chiến tranh nổ ra, Liên Xô cùng các nước khác trong Khối Warsaw đổ vào biên giới Đông Đức- Tây Đức. Điểm đến của họ là dòng sông Rhine và khu vực xa hơn, nhằm giáng xuống NATO một đòn quyết định để chấm dứt chiến tranh.

Trong khi đó trên biển, một trận chiến không kém phần ác liệt sắp diễn ra. Tuần dương hạm lớp Kirov của Liên Xô đang cố gắng đánh chặn nhóm tác chiến tàu sân bay của hải quân Mỹ, nhưng lại phải đối đầu với thiết giáp hạm USS Iowa. Đây là trận chiến lớn nhất giữa các tàu chiến ở thời điểm đó. Vậy bên nào sẽ chiến thắng?

Uy lực của tuần duyên hạm lớp Kirov

Ra đời vào những năm 1980, các tàu tuần duyên Kirov được thiết kế phần lớn giống với các tàu của Hải quân Liên Xô thời bấy giờ, có nhiệm vụ vô hiệu hóa các nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ trong chiến đấu. Tàu sân bay của Mỹ không chỉ là mối đe dọa đối với lãnh thổ Liên Xô mà còn với tàu ngầm tên lửa hạt nhân của nước này. Do đó, Liên Xô muốn tìm cách nhanh chóng phá hủy những con tàu này trong thời gian nhanh nhất có thể. Tàu tuần duyên lớp Kirov không chỉ đương đầu với tàu sân bay Mỹ mà còn có nhiệm vụ ngăn cản Mỹ và Canada tiếp vận cho chiến trường tại châu Âu.

Kirov là tàu chiến mặt nước lớn nhất được đóng kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2. Mỗi tàu có tải trọng 44.000 tấn, dài gần 252m, gần bằng chiều dài của một tàu sân bay. Hoạt động bằng năng lượng hạt nhân, chúng có thể thực hiện các hành trình dài trên biển với tốc độ 32 hải lý/giờ.

Những chiếc tàu tuần duyên này có nhiệm vụ chính là tấn công. Mỗi chiếc có thể mang theo 20 tên lửa chống hạm P-700 Granit khổng lồ. Mỗi tên lửa nặng khoảng 7 tấn, dài 10m, có hệ thống dẫn đường hỗn hợp quán tính và radar, mang theo đầu đạn nổ mạnh nặng 750kg và tích trữ đủ nhiên liệu để giúp nó di chuyển với vận tốc Mach 2.5. Với kích thước to lớn như vậy, tên lửa Granit có thể tấn công một mục tiêu nằm cách xa 550km.

Granit là tên lửa duy nhất trong số các tên lửa chống hạm ra đời từ thời Chiến tranh Lạnh có khả năng kết nối mạng sớm. Chúng có thể cung cấp thông tin về mục tiêu cho các tên lửa còn lại thông qua một mạng lưới liên lạc. Nếu tên lửa này bị bắn hạ, tên lửa khác sẽ bay lên thế chỗ.

Các tàu tuần dương hạm lớp Kirov cũng được trang bị vũ khí phòng không và nhiều vũ khí khác, tạo thành một hệ thống phòng thủ nhiều lớp. Mỗi chiến hạm có 96 tên lửa đất đối không tầm xa S-300F – phiên bản hải quân được nâng cấp từ hệ thống phòng không trên đất liền S-300. Ngoài ra, chúng còn mang theo 192 tên lửa đất đối không tầm ngắn 3K95 và 40 tên lửa 4K33 cùng 6 pháo phòng không AK-630 có cỡ nòng 30mm. Liên Xô đã đóng 4 tàu tuần dương lớp Kirov gồm Kirov, Frunze, Kalinin và Yuri Andropov.

Sức mạnh đáng nể của thiết giáp hạm USS Iowa

Ra đời vào những năm 1940, thiết giáp hạm lớp Iowa được thiết kế để trở vũ khí có tốc độ nhanh, có khả năng truy đuổi và giao chiến với các thiết giáp hạm của đối phương chẳng hạn như thiết giáp hạm nổi tiếng lớp Yamato của Hải quân Nhật Bản. Mặc dù Iowa chưa từng giao chiến với thiết giáp hạm nào nhưng chúng đã hỗ trợ hỏa lực cho các lực lượng mặt đất của Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 và chiến tranh Triều Tiên.

Vũ khí chính của Iowa là 3 tháp pháo lớn, mỗi tháp pháo có 3 khẩu pháo cỡ nòng 406mm. Pháo 406 mm gắn trên đó có thể bắn đạn xuyên thép nặng 1,2 tấn, tầm bắn 37 km. Những khẩu pháo này có thể nhanh chóng hạ gục bất cứ tàu chiến hiện đại nào nhưng với điều kiện chúng phải đặt được mục tiêu trong tầm ngắm.

Thiết giáp hạm Iowa có tải trọng 58.000 tấn, dài 271m, lớp vỏ bảo vệ dày và kiên cố. Được trang bị 4 tuabin hơi nước, USS Iowa có thể đạt tốc độ lên đến 32,5 hải lý/giờ.  

Vào đầu năm 1980, thiết giáp hạm gồm Iowa được đưa vào phục vụ trở lại và trải qua quá trình nâng cấp. Mỗi chiếc được trang bị 16 tên lửa chống hạm Harpoon, 32 tên lửa hành trình Tomahawk và 4 hệ thống vũ khí tầm gần Phalanx CIWS.

Bên nào sẽ thắng trong cuộc chiến khốc liệt?

Trong trường hợp giao tranh, giả sử mỗi tàu chiến đều xác định được vị trí của nhau ở khoảng cách 300 hải lý (gần 500km). Với khoảng cách này, thiết giáp hạm Iowa gặp bất lợi bởi vũ khí tầm xa nhất của nó - tên lửa Tomahawk là tên lửa tấn công mặt đất, do đó không phát huy tác dụng trước tuần dương hạm Kirov.

Về phần mình, Kirov có thể phóng tất cả 20 tên lửa Granit mà nó có, sau đó nhanh chóng rút lui. Vì sử dụng toàn bộ vũ khí tấn công tầm xa trong một đòn tấn công duy nhất nên nó sẽ không có lợi thế nếu tiếp tục cuộc chiến. Hai tên lửa Granit không phóng được hoặc gặp trục trặc và rơi xuống biển, còn 18 tên lửa khác tiếp tục lao về phía đối phương.

Do thiếu hụt vũ khí phòng không nên Iowa chỉ có hai khẩu Phalanx CIWS để bắn hạ Granit. Thiết bị gây nhiễu radar chủ động SLQ-32 và hệ thống phóng mồi bẫy Mark 36 SRBOC sẽ cố gắng đánh lừa hệ thống dẫn đường bằng radar của tên lửa Granit.

Vẫn chưa rõ bao nhiêu trong số 18 tên lửa của Granit vượt qua được các chướng ngại này. Giả sử có 9 tên lửa không bị vô hiệu hóa và xuyên thủng được hệ thống phòng thủ của Iowa. Vậy thiệt hại về phía Iowa lớn mức nào? Giả sử hai tháp pháo chính của thiết giáp hạm này bị hư hại và ngừng hoạt động còn tháp pháo thứ 3 vẫn hoạt động. Khi đó 3 khẩu pháo 406mm của tháp pháo này vẫn có thể hạ gục Kirov. Nhưng ngay cả trong điều kiện lý tưởng nhất, Iowa vẫn khó có thể đuổi kịp tuần dương hạm của Nga khi cách xa 300 hải lý.

Nếu khoảng cách giữa Kirov và Iowa được rút ngắn hơn, chẳng hạn cách nhau 67 hải lý. Iowa có thể sử dụng 16 tên lửa Harpoon để tấn công đối phương. Nhưng số lượng ít ỏi như vậy sẽ khó vượt qua được hệ thống phòng không dày 3 lớp của Kirov.

Trên thực tế khoảng cách lý tưởng để Iowa có thể chiến thắng trong một cuộc giao tranh với Kirov là 20 hải lý. Khi đó 9 khẩu pháo 406mm sẽ phát huy tối đa hiệu quả. Với khoảng cách này, Kirov sẽ nhanh chóng trở thành “xác chết” và chìm xuống đáy đại dương. Vấn đề nằm ở chỗ Liên Xô có lẽ sẽ không bao giờ để Iowa tiếp cận với tuần dương hạm của họ ở khoảng cách gần như vậy.

Chẳng hạn trong cuộc chiến năm 1988, USS Iowa thua cuộc và buộc phải rút lui thì đây vẫn không phải là một tin xấu với người Mỹ bởi Kirov đã phải sử dụng toàn bộ tên lửa mình để đối đầu với một tàu chiến mà họ không thể đánh chìm và không thể hoàn thành nhiệm vụ chính là tiêu diệt các tàu sân bay hoặc các tàu tiếp vận của NATO./.

Từ khóa: tàu tuần dương, thiết giáp hạm USS Iowa, tuần duyên hạm lớp Kirov, NATO, tàu chiến Nga giao tranh với tàu chiến Mỹ, Liên Xô

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập