Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển cụm công nghiệp

Cập nhật: 26/04/2024

VOV.VN - Phân cấp hoàn toàn cho chính quyền địa phương từ công tác xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp đến thành lập/mở rộng cụm công nghiệp, quản lý quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp, quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp…

Đây là những điểm mới của Nghị định số 32/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp được Chính phủ ban hành ngày 15/3/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2024.

Nghị định số 32/CP là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động theo hướng công nghiệp hoá ở khu vực nông thôn theo chủ trương của Đảng, Nhà nước về “ly nông bất ly hương” và xây dựng nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; Bảo đảm cho chính quyền địa phương có đủ công cụ, điều kiện cần thiết để thực hiện vai trò, chức năng quản lý cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn theo tinh thần của Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.

lang_go_dan_phuong.00_04_48_08.still004.jpg

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương đơn cử về điểm mới của Nghị định số 32/CP: “Đối tượng, nội dung của Nghị định này là các doanh nghiệp, HTX tổ chức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. Về đối tượng có điều chỉnh, tức là tổ chức đầu tư kinh doanh hạ tần CCN. Đây là một nội dung mới của Nghị định 32 co với NĐ 68/CP. Trước đây NĐ 68 quy định đối với địa bàn khó khăn, không thu hút được doanh nghiệp đầu tư hạ tầng thì giao cho Trung tâm phát triển CCN, rồi giao cho Ban quản lý cấp huyện, giao cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương… nhưng theo Nghị định 32/CP, từ 1/5/2024 là không có quy định này mà chuyển sang các tổ chức, doanh nghiệp, HTX đầu tư kinh doanh hạ tầng.

Điều này vừa đảm bảo quy định pháp luật về đất đai, các pháp luật khác và tinh thần là chúng ta chuyển sang phát triển kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, đối với những vùng khó khăn, địa bàn khó khăn, không thu hút được doanh nghiệp thì chúng ta tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa để hỗ trợ. Ví dụ, về các chính sách liên quan đến ưu đãi về thuế, về miễn, giảm tiền thuê đất, chính sách hỗ trợ hạ tầng… chúng ta vẫn duy trì chính sách tài khóa để khắc phục, tháo gỡ, hỗ trợ đối với các vùng này”.

Nghị định số 32 về quản lý, phát triển CCN đã kịp thời tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thành lập mới các CCN, nhất là các quy định về việc xác định chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN… Mặc dù vậy vẫn còn những địa phương băn khoăn đến trình tự, thủ tục và hướng dẫn triển khai Nghị định này.

Ông Nguyễn Thế Hiệp - PGĐ Sở Công Thương thành phố Hà Nội đề xuất: “Để việc triển khai Nghị định số 32/CP được thuận lợi, đề nghị các bộ sớm có hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định theo nhiệm vụ được giao tại Điều 31 của Nghị định. Trong đó đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư sớm đề xuất cơ quan có thẩm quyền quy định dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN phù hợp với nội dung báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng CCN đã được phê duyệt, không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, nhằm thống nhất cách triển khai trên toàn quốc.

Bộ Công Thương nghiên cứu xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 32, trong đó hướng dẫn cụ thể về Quy hoạch chi tiết xây dựng CCN, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, quy định chi tiết về điều chỉnh chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, chuyển đổi mô hình quản lý CCN từ Ban quản lý dự án cấp huyện, Trung tâm Phát triển CCN cấp huyện được giao làm chủ đầu tư sang mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư”.

lang_go_dan_phuong.00_02_36_22.still005.jpg

Ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương cho biết, các căn cứ của Nghị định đã rõ ràng, như: căn cứ Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Môi trường, Luật Quản lý tài sản công, Luật Phòng cháy chữa cháy… Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Thông tư quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 32/2024/NĐ-CP. Theo yêu cầu, Thông Tư phải được ban hành sớm, để kịp thời có hiệu lực muộn nhất là từ 1/7/2024.

Ông Ngô Quang Trung đề nghị: “Các đồng chí góp ý vào Thông tư hướng dẫn quy định của Bộ Công thương. Đề nghị các đồng chí có 2 ý: Một là đề nghị tổ chức nghiên cứu kỹ và góp ý vào những nội dung chúng tôi đã đề cập; Thứ hai nữa là những nội dung mà thấy cần thiết phải hướng dẫn thêm, quy định thêm thì các đồng chí cũng tham gia rất cụ thể, chúng tôi sẽ tiếp thu rất có trách nhiệm tất cả các ý kiến của các đơn vị để chúng ta sẽ có một văn bản Thông tư ban hành đáp ứng được yêu cầu cao nhất của chúng ta”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Nghị định đã cơ bản tháo gỡ, khắc phục được những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn quản lý, phát triển CCN thời gian qua. Mặc dù vậy, vẫn còn một số nội dung, đề xuất của các địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan chưa được giải quyết triệt để ở Nghị định này do chưa phù hợp với quy định ở các Luật và văn bản QPPL chuyên ngành có liên quan khác, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ/ngành, địa phương tổng hợp, đề xuất với cấp có thẩm quyền trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật chuyên ngành có liên quan trong thời gian tới.

Để triển khai hiệu qủa Nghị định số 32/2024/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới Quy chế quản lý CCN trên địa bàn và các chương trình, cơ chế chính sách về hỗ trợ phát triển CCN ở địa phương, bảo đảm phù hợp với các quy định tại Nghị định số 32/2024/NĐ-CP và quy định khác có liên quan của Nhà nước để huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật các CCN, qua đó đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư thứ cấp, góp phần phát triển sản xuất CN-TTCN và xây dựng nông thôn mới.

“Đề nghị cấp uỷ các địa phương hoàn thành xử lý dứt điểm trước ngày 31/12/2026 theo quy định tại khoản 4 Điều 35 Nghị định này đối với việc thành lập các CCN có trong Phương án phát triển CCN thuộc Quy hoạch tỉnh, được hình thành trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg; báo cáo kết quả xử lý về Bộ Công Thương để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu.

Người đứng đầu ngành Công Thương cũng đề nghị các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định của pháp luật tại các CCN trên địa bàn (như: Pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và quy định pháp luật khác có liên quan) để chấn chỉnh công tác quản lý, đầu tư phát triển các CCN trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật.

Cùng với việc ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 32/CP của Chính phủ, ngành Công Thương cũng sẽ xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu về CCN trong cả nước, trên cơ sở dữ liệu cấp nhật từ các Sở Công Thương địa phương.

Từ khóa: cụm công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp tư nhân, quy hoạch chi tiết, Nghị định 32/CP

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: nguyên long/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập