Khu Thương mại tự do Đà Nẵng - mô hình đầu tiên của cả nước
Cập nhật: 11/06/2024
APF thống nhất thông qua Tuyên bố Cần Thơ
Lễ kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc
VOV.VN - Khu Thương mại tự do được áp dụng một hệ thống chính sách đặc biệt trong giám sát hàng hóa, quản lý ngoại hối, chính sách thuế và thành lập doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển ngoại thương, thu hút đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
- Kết luận số 79 ngày 13/5/2024 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hện Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị khóa XII về “xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nêu rõ “Trước mắt tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực để xây dựng thí điểm khu thương mại tự do; trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực; phát triển Đà Nẵng thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trung tâm công nghệ cao của cả nước; trung tâm vùng về logistics, du lịch- dịch vụ, Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…”. Trong đó, Khu Thương mại tự do được xem như là trụ cột của các cơ chế đặc thù, tạo động lực cho thành phố Đà Nẵng phát triển.
- Ngày 21/5 vừa qua, Chính phủ đã có Tờ trình dự thảo về Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng. Trong số 5 chính sách đề xuất mới thì chính sách thứ nhất là Thí điểm thành lập Khu Thương mại tự do Đà Nẵng. Tờ trình của Chính phủ khẳng định: “Việc phát triển khu thương mại tự do Đà Nẵng nhằm tạo động lực phát triển mới, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế xã hội của thành phố, phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thượng mại tự do cho cả nước".
Tiếp tục loạt bài “Cơ chế đặc thù nào cho Đà Nẵng tăng tốc phát triển”, mời quý độc giả đón đọc bài cuối với nhan đề “Khu Thương mại tự do Đà Nẵng - mô hình đầu tiên của cả nước”
Khu Thương mại tự do có nền móng từ lâu và là mô hình kinh tế ngày càng trở nên phổ biến, rất được chú trọng trên thế giới. Khu Thương mại tự do được định nghĩa như là một vùng kinh tế đặc biệt “bên ngoài hải quan và bên trong lãnh thổ”, được phân định chính thức trong lãnh thổ quốc gia nhưng là khu vực có quan hệ mua bán với phần còn lại của nước sở tại là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa ra vào chịu sự kiểm soát của lực lượng Hải quan. Khu Thương mại tự do được áp dụng một hệ thống chính sách đặc biệt trong giám sát hàng hóa, quản lý ngoại hối, chính sách thuế và thành lập doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển ngoại thương, thu hút đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
- Trên thế giới có 5.383 khu kinh tế/thương mại tự do tại 147 quốc gia, vùng lãnh thổ.
- Hiện nay rất nhiều quốc gia lân cận Việt Nam đã phát triển thành công mô hình Khu Thương mại tự do. Không kể Khu thí điểm Thương mại tự do Tân Cương mới thành lập, 21 Khu Thương mại tự do còn lại của Trung Quốc chiếm chưa đến 0,4% diện tích đất nhưng đã đóng góp tới 18,1% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 17,8% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ở Trung Quốc vào năm 2022.
- Các Khu Thương mại tự do có quy mô, chức năng và mô hình phát triển không giống nhau. Ví dụ 22 Khu Thương mại tự do của Trung Quốc có diện tích mỗi khu dao động từ 120km2 đến 33 ngàn km2. Trong đó, Khu Thương mại tự do Thượng Hải rộng 120 km2; Khu Thương mại tự do Hải Nam rộng 33.000 km2
- Được thành lập năm 2018, Khu Thương mại tự do Hải Nam, Trung Quốc bao gồm diện tích của toàn bộ đảo Hải Nam với 11 khu chức năng được quy hoạch. Chỉ sau 5 năm thành lập, Khu Thương mại tự do này đạt tốc độ tăng trưởng GDP đứng hàng đầu Trung Quốc với khoảng 9% ; Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của khu thương mại tự do Hải Nam năm 2023 đạt 230 tỷ USD.
Từ thành công của mô hình Khu Thương mại tự do trên thế giới, việc thí điểm thành lập Khu Thương mại tự do Đà Nẵng đã được đề xuất đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Theo đó, Khu Thương mại tự do Đà Nẵng là khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao, quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu. Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng các khu chức năng được phân cấp cho UBND thành phố Đà Nẵng.
Cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất và các ưu đãi khác tại Khu Thương mại tự do Đà Nẵng được áp dụng như Khu kinh tế. Hàng hoá, dịch vụ trong Khu Thương mại tự do được áp dụng đồng bộ cơ chế quản lý hải quan và các chính sách đang áp dụng đối với khu phi thuế quan, các doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng - Tổ trưởng Tổ công tác, giúp việc xây dựng có chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng cho biết: “So với các Khu Thương mại tự do trên thế giới thì Khu Thương mại tự do Đà Nẵng được đề xuất thí điểm với những cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội. Trong Khu Thương mại tự do Đà Nẵng sẽ bao gồm 3 khu chức năng chính gồm: khu sản xuất thương mại; khu hậu cần, cảng Logicstic và khu thương mại dịch vụ. Trong giai đoạn đầu của Khu Thương mại tự do Đà Nẵng thì sẽ có hàng rào cứng để đảm bảo thuận lợi trong quá trình quản lý, vừa thí điểm, vừa hoàn thiện theo hướng mở, mềm hóa ranh giới trên cơ sở nghiên cứu áp dụng mô hình đô thị kinh doanh tích hợp”
Theo đề xuất của thành phố Đà Nẵng, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp Đà Nẵng sẽ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Khu Thương mại tự do Đà Nẵng, có thẩm quyền quản lý theo cơ chế “một cửa, tại chỗ” trên các lĩnh vực, tạo thuận lợi trong giải quyết các thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp.
Kiến trúc sư Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng cho rằng, Khu Thương mại tự do là khu vực liền kề với cảng. Trong đó, hàng hóa có thể lưu trữ trong thời gian dài mà không chịu các loại thuế hải quan, thuế tiêu thụ đặc biệt và luôn được bảo đảm thanh toán thuế đối với hàng tồn kho. Khu Thương mại tự do không quy định giới hạn về thời gian lưu trữ, bán, triển lãm, tháo dỡ, đóng gói lại, lắp ráp, phân phối, lựa chọn, phân loại, tẩy sạch, kết hợp với hàng hóa nước ngoài hoặc trong nước, tiêu hủy, dán nhãn và sản xuất ngay trong Khu này.
Theo ông Vũ Quang Hùng, với vị trí chiến lược của Đà Nẵng như hiện nay, vừa có cảng biển nước sâu, cảng hàng không Quốc tế; vừa có khu vực biên giới biển, biên giới đường bộ và là điểm cuối của hành lang Kinh tế Đông - Tây… nên thành phố hoàn toàn có thể thiết lập được Khu Thương mại tự do. Tại đó, các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài có thể đem hàng hoá đến, tổ chức sản xuất, sơ chế, đóng gói, dán nhãn trước khi xuất khẩu đến nước khác hoặc sau đó mới đưa vào nội địa Việt Nam, đây là điều thuận lợi lớn.
“Khu vực này được gắn với cảng biển Liên Chiểu là yếu tố thuận lợi hàng đầu cho một Khu Thương mại tự do. Hơn thế nữa, khu vực này hiện nay có chủ yếu là các khu/cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, dân cư chưa nhiều nên việc quy hoạch thành Khu Thương mại tự do tương đối dễ dàng. Khi đó, toàn bộ khu vực Tây Bắc thành phố sẽ như một kho ngoại quan khổng lồ, hàng hóa đưa xuống các kho, bãi ở đây chưa phải đóng thuế, có thể tiếp tục chế biến, lắp ráp, chia tách để đưa tiếp đi nước khác hoặc sau đó mới đưa vào nội địa Việt Nam” - Ông Vũ Quang Hùng phân tích.
Đà Nẵng là một thành phố trẻ năng động, sáng tạo trong quá trình phát triển. Thời gian gần đây, sự phát triển của thành phố này bị chững lại. Việc thí điểm thành lập Khu Thương mại tự do Đà Nẵng chính là cơ hội mới để thành phố bứt phá vươn lên. Đà Nẵng cũng đang cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao với các mô hình kinh tế mới như khu thương mại do, trung tâm tài chính. Thành phố đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị nghiên cứu trong nước, nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng có 5 chính sách hoàn toàn mới phù hợp với tình hình thực tế của thành phố. Trong đó, chính sách đáng quan tâm nhất là thực hiện thí điểm Khu Thương mại tự do.
Theo ông Nguyễn Văn Quảng, đây là chính sách mang tính đột phá, vượt trội so với các địa phương khác: “Trong 5 chính sách mới thì có thí điểm thực hiện Khu Thương mại tự do. Đây là một trong những đột phá trong việc thực hiện một mô hình đã được thế giới khẳng định nhưng chưa có tiền lệ, chưa có thực tiễn ở Việt Nam. Do đó, chúng tôi xác định đây cũng có rủi ro. Nhưng chúng tôi chấp nhận việc rủi ro đó với việc nếu như thành công thì nó sẽ là nền tảng cho việc nhân rộng ra cả nước, còn rủi ro thì thành phố sẽ gánh chịu”.
Thực tế cho thấy, các nước trên thế giới khi làm Khu Thương mại tự do cũng làm từng bước rồi rút kinh nghiệm và hoàn thiện từng bước. Các chính sách đặc thù về đầu tư, đất đai, khu phi thuế quan, tài chính… hầu như đã có quy định nhưng chưa có đối với Khu Thương mại tự do.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cần sớm cho phép thực hiện thí điểm Khu Thương mại tự do Đà Nẵng và tiếp tục hoàn thiện trong quá trình phát triển.
“Đà Nẵng có quyết tâm chính trị rất cao và cũng có lợi thế để mà phát triển. Ở đây gắn với cảng biển Liên Chiểu và ở đây còn có cả sân bay. Sân bay Đà Nẵng cũng là một trong các đầu mối về thương mại để hội nhập, để xúc tiến các hoạt động Logistics. Thì đây là những điều kiện tiên quyết cần thiết cho một khu thương mại tự do” - Ông Vũ Hồng Thanh nói.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về việc thành lập, hoạt động đối với Khu Thương mại tự do. Tuy nhiên, đây là mô hình kinh tế phổ biến đối với gần 150 quốc gia và các quốc gia đó không ngừng điều chỉnh áp dụng thí điểm các cơ chế đột phá, cạnh tranh để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ. Việt Nam cũng từng bước tiếp cận mô hình kinh tế này thông qua việc phát triển những mô hình tương tự có quy mô nhỏ hơn như khu chế xuất, khu phi thuế quan, cửa hàng miễn thuế…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ủng hộ đề xuất thành lập Khu Thương mại tự do Đà Nẵng: “Về Khu Thương mại tự do, nhiều ý kiến đều là ủng hộ, đồng tình. Tuy nhiên, cần nghiên cứu, bổ sung về các khái niệm, về mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, chính sách phát triển và quản lý nhà nước, phương án phát triển nguồn lực, việc đầu tư hạ tầng, kết quả đầu ra khi thành lập Khu Thương mại tự do. Đồng thời cũng cần làm rõ công tác quản lý, kiểm soát của Nhà nước, đánh giá các tác động đối với các chính sách cụ thể về Khu Thương mại tự do”.
Việc thí điểm thành lập Khu Thương mại tự do Đà Nẵng mở ra hướng đi mới trong việc điều chỉnh các cơ chế thí điểm, tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn, tích lũy kinh nghiệm và từ đó nghiên cứu xây dựng văn bản pháp luật áp dụng trên phạm vị cả nước.
Khu Thương mại tự do là mô hình kinh tế còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, mô hình này đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia. Việc thí điểm thành lập Khu Thương mại tự do Đà Nẵng, mô hình đầu tiên của cả nước là chủ trương lớn có đủ căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn. Đây cũng là chính sách mang tính đột phá thể quyết tâm chính trị, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của thành phố Đà Nẵng và Chính phủ trong việc áp dụng mô hình phát triển tiên tiến của thế giới. Thực hiện thành công mô hình sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và cả vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và của cả nước.
Vấn đề này cũng là nội dung của bài cuối cùng trong loạt bài “Cơ chế đặc thù nào cho Đà Nẵng tăng tốc phát triển”.
Từ khóa: đà nẵng, khu thương mại tự do,đà nẵng, đặc thù,cơ chế đặc thù
Thể loại: Nội chính
Tác giả: thanh hà/vov - miền trung
Nguồn tin: VOVVN