Khớp cắn ngược ở trẻ - nên can thiệp ở độ tuổi nào?

Cập nhật: 15/06/2022

[VOV2] - Răng móm hay còn gọi là khớp cắn ngược là một dạng sai khớp cắn rất phổ biến. Răng móm có thể gặp từ rất nhỏ, ở hàm răng sữa, nếu không điều trị sẽ tiếp tục nặng lên ở các lứa tuổi thiếu niên và trưởng thành, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sức khỏe.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Phú Hòa - Giám đốc Trung tâm Nha khoa Quốc tế Phú Hòa (địa chỉ 484, Trần Khát Chân, Hà Nội) hiện nay có không ít trẻ nhỏ gặp vấn đề về khớp cắn ngược, tuy nhiên nhiều phụ huynh không phát hiện ra, thậm chí nghĩ đơn giản là do cấu tạo tự nhiên của cơ thể khiến hàm răng không được đẹp.

"Nhiều gia đình thấy con gặp một số vấn đề về ăn nhai, viêm nướu... khi đến phòng khám mới biết con mình bị khớp cắn ngược, nhưng sau đó lại nghĩ rằng lớn lên sẽ không sao", bác sĩ Phú Hòa chia sẻ thêm.

Nguyên nhân gây tình trạng khớp cắn ngược

Trẻ bị khớp cắn ngược ngoài ảnh hưởng đến thẩm mỹ, làm gương mặt mất cân đối còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe răng miệng. Khớp cắn ngược có 2 dạng là khớp cắn ngược do răng và khớp cắn ngược do xương.

Nguyên nhân của khớp cắn ngược do răng thường là vì răng cửa hàm trên mọc muộn hơn răng cửa hàm dưới hoặc vì trẻ có thói quen trượt hàm ra trước theo xu hướng không thuận lợi làm cho khuôn mặt lõm hoặc bị gãy ở nhiều mức độ khác nhau.

Còn khớp cắn ngược do xương là xương hàm trên kém phát triển hoặc do xương hàm dưới phát triển quá mạnh hoặc do dị tật khe hở vòm miệng làm xương hàm trên thiếu hụt kích thước theo chiều ngang và chiều trước sau làm cho răng cửa hàm trên luôn ở phía trong so với răng cửa dưới.

Trị khớp cắn ngược càng sớm càng tốt

Với nhiều năm kinh nghiệm trị khớp cắn ngược bằng những phương pháp tiên tiến, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Phú Hoà cho biết: "Mọi người đều biết khớp cắn ngược là xấu, nhưng đó không phải là điều quan trọng nhất mà là vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe. Với tình trạng này, toàn bộ vấn đề ăn nhai sẽ bị ảnh hưởng, phân bố lực tác động vào răng và xương hàm không đều, gây ra những rối loạn về chuyển động xương hàm dưới, chuyển động khớp thái dương hàm và sau này sẽ gây ra những bệnh về thái dương hàm".

Cũng theo bác sĩ Hòa, với công nghệ hiện đại của y học, tình trạng khớp cắn ngược có thể được điều chỉnh, nặng thì phẫu thuật, còn trường hợp do răng, đơn giản hơn thì thì có thể chỉnh nha đơn thuần. Theo nha sĩ, thời gian tốt nhất để chỉnh nha là 10-15 tuổi. Đây là giai đoạn lý tưởng khi cơ thể trẻ đang trưởng thành và hoàn chỉnh, các răng vĩnh viễn đã mọc, xương hàm đang trong giai đoạn phát triển thuận lợi cho việc nới rộng, kéo ra trước với hàm trên và sắp xếp, nắn chỉnh lại các răng dễ dàng hơn.

Do đó, các bậc cha mẹ cần phát hiện sớm và việc điều chỉnh càng sớm càng thuận lợi, rút ngắn thời gian điều trị.

"Khi phát hiện thấy trẻ bị tình trạng khớp bị móm hay còn gọi là khớp cắn ngược, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ở bác sĩ chuyên về chỉnh hình nha khoa. Bởi trong nha khoa được chia thành nhiều lĩnh vực, chỉ có các bác sĩ được đào tạo chuyên sâu về chỉnh hình nha khoa mới có thể can thiệp và điều trị cho trẻ một cách hiệu quả" - TS.BS Nguyễn Phú Hòa nhấn mạnh. 

Các phương pháp can thiệp, điều trị khớp cắn ngược

Với khớp cắn ngược do xương hàm trên có xu hướng kém phát triển mức độ nhẹ các bé có thể đeo khí cụ ngoài mặt Face mash và hàm chức năng tháo lắp đeo trong miệng để kích thích sự phát triển của xương hàm trên (máng trượt, Myobrace...). Khí cụ này cũng giống như khí cụ tháo lắp đòi hỏi sự tuân thủ tuyệt đối của các bé về chế độ thời gian đeo. Khí cụ này chỉ được sử dụng tốt nhất là thời điểm trước khi các bé dậy thì, thường là trước 12-13 tuổi. 

"Việc đeo khí cụ này đòi hỏi phải có sự hợp tác cũng như sự tuân thủ  nghiêm ngặt của trẻ. Bởi trẻ phải đoe trong thời gian dài, mỗi ngày có thể đến 15 tiếng, ngay cả trong thời gian đến trường. Nếu không tuân thủ tốt thì can thiệp không mang lại hiệu quả" - BS Nguyễn Phú Hòa hướng dẫn. 

Ngoài ra, với tình trạng khớp cắn ngược nhẹ cũng có thể áp dụng phương pháp niềng răng Invisalign. 

Tuy nhiên, mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm khác nhau do đó, trẻ cần được đưa đến bác sĩ nha khoa để được tư vấn, áp dụng các biện pháp can thiệp phù hợp.

Với những trường hợp khớp cắn ngược do xương, các biện pháp can thiệp như đeo khí cụ không mang lại hiệu quả thì khi trẻ trưởng thành có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. 

Mời các bạn nghe âm thanh chương trình Cùng bạn sống khỏe tại đây:

Từ khóa: Khớp căn ngược, móm răng, can thiệp, điều trị, chỉnh hình, nha khoa, BS Nguyễn Phú Hòa, Trung tâm Nha khoa Quốc tế Phú Hòa, vov2

Thể loại: Đời sống

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập