Không vay nợ bỗng dưng bị “khủng bố” đòi nợ
Cập nhật: 16/11/2022
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - Dù không vay tiền qua các ứng dụng (app) nhưng nhiều bác sỹ bị các đối tượng “khủng bố” đòi nợ bằng điện thoại, tin nhắn và thậm chí bị bêu xấu trên các trang mạng xã hội.
Thời gian gần đây, việc nhiều người bỗng dưng bị các tổ chức tín dụng đen "khủng bố", đòi nợ dù bản thân không vay tiền đã trở thành một vấn nạn nhức nhối. Các đối tượng này không dùng cách đối thoại thông thường, mà gửi những tin nhắn tin đe dọa, “bóc phốt”, tố cáo vay tiền không trả cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Các đối tượng đòi nợ này biết rất rõ vị trí, chức vụ, nên ngoài việc bị ảnh hưởng đến uy tín tại nơi công tác, người thân của họ cũng nhận được tin nhắn yêu cầu hỗ trợ trả nợ. Những người này cũng đặt câu hỏi, phải chăng, việc lộ lọt thông tin cá nhân bắt nguồn từ đơn vị mình công tác, hoặc ngân hàng, nơi thực hiện việc chi trả tiền lương?.
Nhiều bác sỹ bị đe dọa đòi nợ dù không vay tiền
Bác sỹ Nguyễn Văn Đ., hiện đang công tác tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội chia sẻ, cách đây hơn 1 tháng, bỗng dưng cô của bác sỹ Đ., hiện cũng đang công tác tại Bệnh viện Việt Đức nhận được tin nhắn yêu cầu cô và chồng, trả khoản nợ 37 triệu đồng. Thấy sự việc hết sức vô lý, vì trước đó gia đình không vay nợ bất cứ tổ chức tín dụng nào, nên bác sỹ Đ. lấy số điện thoại của mình gọi điện theo số điện thoại cung cấp trong tin nhắn trêu đùa: “Nợ 37 tỷ đồng đến tận nhà trả nợ, còn 37 triệu đồng thì thôi”.
“Tưởng sự việc yên ắng khi tôi nói thế, nhưng bẵng đi một tháng sau, cô của tôi lại bị số điện thoại khác nhắn tin yêu cầu trả nợ. Sau tin nhắn đó, tôi bức xúc quá gọi điện hỏi thì số tiền nợ đã lên 48 triệu đồng. Bực tức vì bỗng dưng bị đòi nợ, tôi yêu cầu đối tượng đến cơ quan công an giải quyết việc nợ nần. Nhưng, nhóm đối tượng không sợ mà có những lời lẽ côn đồ, đe doạ”- bác sỹ Đ., kể
Ngay sau khi gọi điện, anh Đ. bị rất nhiều số điện thoại lạ gọi đến yêu cầu trả nợ. Không thấy Đ., hồi đáp, chúng liên tục gọi điện khủng bố, đe dọa sẽ gửi tin nhắn cho người thân, lãnh đạo đơn vị tố cáo bác sỹ Đ., và cô của bác sỹ không trả nợ.
Đúng như lời đe dọa, theo lời bác sỹ Đ., không biết bằng cách nào, chúng có tất cả các số điện thoại trong danh bạ của mình. Sự việc kéo dài hơn 1 tháng nay và không có dấu hiệu dừng lại. Sự việc gây ảnh hưởng rất lớn cuộc sống của anh Đ.
Cùng gặp hoàn cảnh, bác sỹ Ph., hiện đang công tác Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, cách đây gần 2 tuần, chị nhận được tin nhắn yêu cầu trả nợ cho em trai với số tiền 750.000 nghìn đồng. Điều bác sỹ Ph. lo lắng, các đối tượng này biết rất rõ họ tên, số CCCD, đơn vị, vị trí công tác… của bác sỹ P.
“Hai tuần nay, cách 1 ngày chúng lại nhắn tin cho tôi, và tất cả người thân quen trong danh bạ điện thoại của tôi, tố cáo tôi và em tôi vay tiền không trả.”- Bác sỹ Ph. chia sẻ.
Theo lời kể của bác sỹ Ph. bọn chúng tinh vi đến mức, soạn một hợp đồng vay nợ. Trên bản hợp đồng đó, có đầy đủ thông tin cá nhân, thậm chí địa chỉ nhà riêng, số tài khoản ngân hàng rồi gửi vào số zalo của chị để đòi nợ. Điều đặc biệt, trên bản hợp đồng vay nợ, người nợ là em trai, nhưng bác sỹ Ph., và em dâu lại bị chúng liên tục gọi điện yêu cầu trả nợ thay.
“Ban đầu phòng tổ chức Bệnh viện lo lắng sợ gia đình tôi vay nợ tổ chức tín dụng nào đó, gây ảnh hưởng đến uy tín bệnh viện. Sau vài hôm, có một chị công tác cùng khoa tôi cũng bị nhắn tin đòi nợ. Lãnh đạo Bệnh viện có gọi điện hỏi sự việc, biết chúng tôi đang bị lừa đảo nên cũng hiểu hơn. Hiện nay, có rất nhiều bác sỹ như chúng tôi đang bị nhóm tối tượng này đòi nợ với hình thức kể trên. Điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của những người làm nghề như chúng tôi và uy tín của Bệnh viện”- bác sỹ Ph. kể.
Bác sỹ Ph., cho biết, để tránh hiểu lầm đáng tiếc chị phải đăng lên trang facebook, zalo cá nhân cảnh báo mọi người, mình không vay nợ ai, không chơi tiền ảo, đầu tư chứng khoán dẫn đến nợ nần.
Công an khuyến cáo
Từ thực tế trên, Bộ công an đã đưa ra khuyến cáo cho người dân về một số biện pháp xử lý khi bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin “khủng bố” đòi nợ mặc dù không vay tiền, cụ thể như sau: Cần phải bình tĩnh xử lý, giải thích ngắn gọn về việc không quen biết người vay hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập. Đồng thời, hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ và yêu cầu cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình. (Nên ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng); Thông báo, hướng dẫn cách xử lý cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp của mình khi bị các đối tượng đòi nợ gọi điện, nhắn tin làm phiền với nội dung như trên; Sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền của các đối tượng đòi nợ.
Đối với các trang Facebook cá nhân có thể khóa các bình luận của người lạ. Ngoài ra, nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, thậm chí đến mức bị “khủng bố” điện thoại, người dân có thể trình báo đến cơ quan công an gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời; Tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ như: Thông tin về giấy tờ tuỳ thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống…
Để vừa đảm bảo nhu cầu vay tiền, vừa bảo vệ người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, người dân khi có nhu cầu vay tiền phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay với các hình thức phù hợp.Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần yêu cầu cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong đơn vị mình không vay qua app không rõ nguồn gốc, không được nhân danh đơn vị hoặc cung cấp số điện thoại của cơ quan, đồng nghiệp để vay tiền.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng văn phòng luật Kết nối cho rằng, theo Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định người nào đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, tùy vào từng tình tiết mà người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 20 năm. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trường hợp người gọi điện, nhắn tin không nằm mục đích cưỡng đoạt tài sản mà nhằm mục đích xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì hành vi này cấu thành Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Với việc sử dụng mạng viễn thông để làm nhục người khác thì mức hình phạt tù đến 02 năm tù
Ngoài ra, các đối tượng gọi điện nhằm vu khống cá nhân, tổ chức có hành vi chiếm đoạt tài sản thì cấu thành Tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, có mức hình phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vu khống và hậu quả xảy ra.
Trong trường hợp có các hành vi tương tự như trên nhưng chưa đến mức xử lý trách nhiệm hình sự thì người có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm g, Khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Cụ thể: Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Ngoài ra, còn áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung cho hành vi này là Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Chính vì vậy, khi rơi vào tình trạng này, người bị làm phiền có thể trực tiếp cơ quan Công an để trình báo, hoặc làm đơn trình báo gửi qua đường bưu điện kèm theo bằng chứng. Cơ quan công an khi tiếp nhận thông tin trình báo sẽ điều tra, tùy vào hành vi vi phạm sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự./.
Từ khóa: khủng bố đòi nợ, bỗng dưng thành con nợ, lừa đảo qua mạng, bác sỹ bệnh viện bỗng dưng thành con nợ
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN