Không thể thiếu truyền thông trong phát triển xanh của doanh nghiệp

Cập nhật: 07/11/2024

VOV.VN - Phát triển xanh bao hàm trong đó cả chuyển đổi xanh, sản xuất xanh, tăng trưởng xanh đã dần trở thành một xu hướng tất yếu, một yêu cầu bắt buộc đối với tác cả doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn thực hiện phát triển xanh nhưng thiếu thông tin, thiếu nguồn lực, thiếu sự kết nối... Doanh nghiệp khẳng định, không thể thiếu truyền thông trong phát triển xanh

 

 

Thiếu thông tin về phát triển xanh

Doanh nghiệp của Việt Nam nói chung chủ yếu là nhỏ và vừa, hầu hết đều khẳng định vai trò quan trọng của truyền thông trong phát triển xanh.

Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho biết, luôn thiếu những thông tin về chính sách, mô hình, cách làm trong kinh tế xanh, chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển xanh để có thể định hướng, áp dụng vào sản xuất kinh doanh của mình.

Trong khi đó, các ngành chức năng liên tục có những chính sách hỗ trợ, cụ thể hóa quy định liên quan đến phát triển xanh trong nước và các yêu cầu từ thị trường nước ngoài.

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp dẫn đầu có tiềm lực kinh tế, có chiến lược dài hạn đã thực hiện phát triển xanh từ khá sớm và chứng minh được hiệu quả cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Để kết nối đáp ứng nhu cầu thông tin phát triển xanh, doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan báo chí truyền thông.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ- Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đồng tình và khẳng định, Viện luôn song hành cùng báo chí truyền thông để đưa các chính sách, quy định vào thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp.

"Viện có nhiều dự án hỗ trợ cho doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh. Chúng tôi xây dựng được công cụ, tài liệu, hướng dẫn giúp cho doanh nghiệp biết được phải làm như thế nào. Đây chính là các bước truyền thông mà Viện cùng với các đơn vị khác của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng với các cơ quan báo chí để triển khai phát triển xanh một cách tốt nhất" - PGS.TS Nguyễn Đình Thọ chia sẻ.

Theo ông Mai Ngọc Phước- Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM, hiện nay, việc phổ cập các chính sách, quy định liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... còn nhiều bất cập. Phổ cập này phải từ nhận thức đến hành động thì mới có hiệu quả.

Cơ quan báo chí có phương tiện, có đội ngũ phóng viên nhanh nhạy và chuyên nghiệp để nắm bắt nhu cầu, phản ánh đến doanh nghiệp để chuyển đổi. Cơ quan báo chí cũng tự xác định có trách nhiệm cùng doanh nghiệp phát triển xanh, đồng hành, lan toả cách làm của doanh nghiệp. Nhưng chính doanh nghiệp cũng cần cởi mở, gắn bó hơn với báo chí trong chia sẻ, cung cấp thông tin về lĩnh vực này.

Ông Phước nhấn mạnh: "Chúng tôi là cầu nối giữa cơ quan chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong phát triển xanh. Trách nhiệm của chúng tôi là giúp người dân, doanh nghiệp hiểu hơn về phát triển xanh, phát triển bền vững, Net Zero; tham gia gỡ vướng những quy định pháp lý liên quan tới phát triển xanh; gợi ý hoặc đề xuất các giải pháp thay đổi nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp để mục tiêu Net Zero của chúng ta thực hiện tốt hơn".

Cộng đồng trách nhiệm trong phát triển xanh

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, ngành dệt may cần thông qua báo chí để phản ánh nhu cầu của ngành đối với nhà nước. Nhà nước cần có thêm các hỗ trợ thiết thực như đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật và truyền thông giúp ngành dệt may chuẩn hóa và nhân rộng mô hình chuyển đổi xanh, tiếp cận tín dụng cho dự án đầu tư xanh…

Theo ông Tuấn, truyền thông chính là kênh kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp và làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng để họ tham gia vào phát triển xanh. Ví dụ như, trong dệt may nhà thiết kế có ý thức sử dụng nguyên phụ liệu ít ảnh hưởng môi trường thì cũng cần truyền thông tác động vào thị hiếu tiêu dùng để thị trường chấp nhận.

Ông Tuấn cho rằng: "Truyền thông là kênh kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp đang gánh một trách nhiệm rất lớn là thực hiện cam kết của nhà nước, của Chính phủ về Net Zero. Để làm được việc này, bản thân doanh nghiệp không thì chưa đủ mà cần có sự chung tay, sự hỗ trợ rất nhiều từ Chính phủ. Đồng thời, qua truyền thông, làm sao để người tiêu dùng cũng thấy được trách nhiệm của mình trong phát triển xanh."

Bà Trần Ngọc Ánh - Giám đốc Ngoại vụ cấp cao Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là mối quan tâm lớn của toàn cầu, việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững đã được thực hiện ở Heineken.

Với tầm nhìn dài hạn, Heineken Việt Nam đã và đang thúc đẩy hàng loạt sáng kiến bền vững. Điều này không chỉ nhằm giảm thiểu tác động môi trường mà còn hỗ trợ các mục tiêu phát triển quốc gia, khẳng định vị thế là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực phát triển xanh tại Việt Nam.

Bà Ánh cho rằng, báo chí đóng vai trò then chốt trong việc truyền thông và nâng cao nhận thức của công chúng, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan Chính phủ về tầm quan trọng của phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn.

Các phương tiện truyền thông không chỉ là cầu nối cung cấp thông tin mà còn là nơi chia sẻ những giải pháp sáng tạo, những bài học thành công và các sáng kiến hữu ích từ các doanh nghiệp, thúc đẩy sự chung tay, đồng hành của toàn xã hội trên hành trình hướng tới Net Zero.

"Vai trò của cơ quan báo chí và truyền thông rất quan trọng. Đó là giải mã tất cả các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến phát triển xanh, phát triển bền vững. Đồng thời truyền tải các chỉ đạo của Chính phủ để doanh nghiệp thấy rằng đây là con đường phát triển trong tương lai. Báo chí lan tỏa các thông điệp, thực tiễn, mô hình thực hành phát triển bền vững tốt, để ngày càng huy động nhiều hơn doanh nghiệp tham gia phát triển xanh.".- Bà Ánh cho biết thêm.

Bà Chu Thị Kim Thanh, Giám đốc vận hành Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực phát triển xanh nhận xét, thành lập từ năm 2019 đến nay, tổ chức này ghi nhận sự thay đổi nhận thức rõ rệt của cộng đồng doanh nghiệp, người dân về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, giảm rác thải, phân loại rác thải... Thay đổi đó do nhiều yếu tố, trong đó có vai trò quan trọng của báo chí truyền thông.

PRO Việt Nam ban đầu có 9 doanh nghiệp thì nay đã có 30 doanh nghiệp tham gia, đều là các doanh nghiệp hàng đầu trong các ngành hàng tiêu dùng, sản xuất bao bì, bán lẻ, tái chế... cam kết chung tay vì một Việt Nam xanh- sạch- đẹp.

Bà Kim Thanh cũng chỉ ra rằng, vẫn còn khoảng cách giữa nhận thức và hành vi. Chuyển đổi xanh, sản xuất xanh vẫn được nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm đa số trong các doanh nghiệp tại Việt Nam) coi là cuộc chơi của các “ông lớn” và họ chưa thấy cần thiết phải đầu tư vào sự chuyển đổi này. Hoặc việc thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) vẫn được đa số các doanh nghiệp coi là một gánh nặng chi phí và chỉ làm khi bắt buộc.

Bà Thanh cho rằng, báo chí truyền thông tác động đến doanh nghiệp, cộng đồng từ nhận thức đến hành động: "Cách đây 5 năm thì khái niệm về phát triển xanh chưa phổ biến. Đến bây giờ, tuy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khoảng 1 triệu doanh nghiệp thì cũng còn nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tiếp cận được, nhưng chúng ta sẽ lan toản dần và được như bây giờ là nhờ rất nhiều vào báo chí. Chiến lược ưu tiên của PRO Việt Nam từ những năm đầu thành lập là truyền thông để cộng đồng hiểu hơn, doanh nghiệp chung tay vào và đó không chỉ là việc của riêng doanh nghiệp mà là của cộng đồng."

Để cộng đồng doanh nghiệp thấy việc chuyển đổi xanh hay việc thực thi trách nhiệm trong phát triển xanh là một sự đầu tư cho chuỗi cung ứng của tương lai, là cơ hội để tham gia các sân chơi lớn hơn, rất cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan báo chí truyền thông. Trong đó có việc khai thác và truyền tải các chính sách của Nhà nước và ý kiến của các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu trong phát triển xanh.

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị, lãnh đạo các cơ quan báo chí nói riêng và các cơ quan truyền thông nói chung cần vào cuộc mạnh mẽ hơn để doanh nghiệp và cộng đồng chuyển biến nhận thức thành hành động cụ thể.

Từ khóa: Truyền thông trong phát triển xanh, phát triển xanh, doanh nghiệp, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, báo chí truyền thông, vai trò, kết nối

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: minh hạnh/vov-tp.hcm

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan