Không thể mãi dạy học theo lối mòn

Cập nhật: 28/10/2020

VOV.VN - Nhiều giáo viên cho rằng không thể mãi dạy học theo lối mòn cũ, mà cần áp dụng công nghệ thông tin, cái mới ngay từ những lớp đầu tiên.

Thực hiện quan điểm: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, thời gian qua, các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã quan tâm đầu tư nâng cấp cả cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ, giáo viên để đáp ứng yêu cầu phát triển.

Đến nay, bộ mặt giáo dục của vùng đã có nhiều khởi sắc. Vào cuối năm 2018, khi có chương trình giáo dục phổ thông mới, kèm theo kế hoạch đổi mới, các tỉnh trong vùng đã đặc biệt quan tâm và chủ động thực hiện. Tuy nhiên, trong năm học này, khi thực hiện đổi mới SGK lớp 1 thì vẫn còn đó nhiều khó khăn.

Vấn đề thiếu giáo viên, cơ sở vật chất không chỉ diễn ra ở các tỉnh vùng ven như Cà Mau, Tiền Giang, Bến Tre mà ngay tại Cần Thơ - thành phố phát triển nhất và là trung tâm của vùng ĐBSCL cũng đang gặp khó.

Do đã chuẩn bị từ 2 năm trước nên việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 tại Cần Thơ không khó khăn nhiều. Thành phố Cần Thơ hiện có 327/455 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó cấp tiểu học có 141/176 trường. Qua đợt kiểm tra gần đây nhất, đa số địa phương đã đầu tư cơ sở vật chất, phòng lớp học, thiết bị dạy học theo định mức tối thiểu. Khoảng 1.390 giáo viên dạy lớp 1 đều được trang bị chuyên môn, kỹ năng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm.

Đặc biệt, nhiều trường còn tạo dấu ấn qua nhiều mô hình ngoại khóa sáng tạo như: Trường Tiểu học Bình Thủy 2, quận Bình Thủy; Trường Tiểu học Mỹ Khánh 1, huyện Phong Điền; Trường Tiểu học Trưng Vương, quận Ô Môn… Học sinh hứng thú và được trải nghiệm nhiều hơn, không khí lớp học vui hơn - đó là cảm nhận của giáo viên và học sinh lớp 1 ở các trường tiểu học ở Cần Thơ trong những ngày đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới năm học 2020-2021.

Tại Tiền Giang, theo lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo, đến thời điểm này, học sinh các trường đã trang bị đầy đủ sách giáo khoa cho năm học 2020 - 2021. Đối với sách giáo khoa lớp 1, các trường học trên địa bàn chủ yếu chọn 2 bộ sách: Cánh diều và Chân trời sáng tạo. Trước thềm năm học 2020 - 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng đã tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng cho hầu hết giáo viên dạy lớp 1 và Ban giám hiệu các trường Tiểu học trên địa bàn. Qua công tác thông tin tuyên truyền, nhiều phụ huynh có con học lớp 1 đã hiểu và tin tưởng con em mình sẽ phát triển được năng lực, phẩm chất một cách tốt nhất thông qua chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bà Nguyễn Ngọc Nga, phụ huynh học sinh tại Thành phố Mỹ Tho chia sẻ: "Tôi thấy chủ trương của Bộ về đổi mới giáo dục phổ thông, đặc biệt là với lớp 1 năm nay rất cần thiết, phù hợp với sự phát triển, tiến bộ xã hội. Chúng ta không thể dạy học theo kiểu lối mòn xưa nay mà phải áp dụng công nghệ thông tin vào từ lớp học đầu tiên. Tất nhiên cái mới lúc đầu sẽ gặp những khó khăn nhưng sẽ đi vào nề nếp. Tôi nhất trí và đánh giá cao việc đổi sách giáo khoa cũng như thay đổi phương thức giảng dạy học sinh lớp 1".

Năm học 2020 – 2021, toàn tỉnh Cà Mau có 796 lớp 1 với tổng số hơn 22.600 học sinh. Để chuẩn bị cho kế hoạch đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 1, ngành giáo dục Cà Mau đã sớm chỉ đạo các trường trên địa bàn thành lập hội đồng để lựa chọn ra bộ sách giáo khoa phù hợp.

Thầy Lê Văn Ra, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Đỗ Thừa Luông, xã Khánh Thuận, huyện U Minh - một điểm trường thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau cho biết từ tháng 4/2019, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của trường đã họp bàn và chọn bộ sách “Chân trời sáng tạo” cho học sinh lớp 1. Trường cũng đã chủ động liên hệ nhà cung cấp đặt hàng sách giáo khoa theo giá bìa cho các em. Trước khi bước vào năm học mới, các phụ huynh học sinh được thông báo đến nhận sách để các em có thể xem trước.

Có sự chủ động của thầy cô từ vùng sâu, vùng xa đến trung tâm thành phố, nên học sinh toàn tỉnh Cà Mau không xảy ra thiếu sách giáo khoa khi bước vào năm học mới. 

Theo ông Hồ Thành Nhựt, Phó trưởng phòng Mầm non – Phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau, hè vừa qua, ngành giáo dục đã tổ chức tập huấn cho hơn 2.100 giáo viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông. Trong đó, ưu tiên đặc biệt cho lớp 1, đảm bảo khối lớp này đạt tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp.

Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cũng được các tỉnh, thành ĐBSCL quan tâm triển khai thực hiện. Có thể thấy đổi mới phương pháp giáo dục thực sự là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống, và các địa phương vùng ĐBSCL đã thực sự chủ động trong công tác này. Tuy nhiên, một số địa phương, nhất là các trường xa trung tâm vẫn còn đang gặp khó khăn. Đặc biệt, thiếu cơ sở vật chất, giáo viên đáp ứng dạy 2 buổi đang là vấn đề nan giải./.

Từ khóa: đổi mới giáo dục, chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa mới

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập