Không quân Nhật Bản nhận máy bay trinh sát Kawasaki RC-2 đầu tiên
Cập nhật: 29/10/2020
VOV.VN - Nhật Bản được cho đã phát triển máy bay trinh sát điện tử và sẽ phát triển máy bay tác chiến điện tử trên cơ sở máy bay vận tải nội địa C-2.
Nhật Bản phát triển máy bay vận tải nội địa Kawasaki C-2
Nghiên cứu các loại máy bay nước ngoài như C-130J Super Hercules, C-17 Globemaster III và Airbus A400M, giới chức quân sự Nhật Bản kết luận, không có loại máy bay nào đang được sản xuất sở hữu những khả năng mà Lực lượng Không quân Phòng vệ Nhật Bản (JASDF) mong muốn. Để đáp ứng nhu cầu này, Cục Phòng vệ Nhật Bản (Bộ Quốc phòng - JDA) bắt đầu lên kế hoạch phát triển máy bay vận tải nội địa. Năm 2000, Nhật Bản bắt đầu “chốt” yêu cầu của mình đối với máy bay vận tải quân sự - được trang bị động cơ phản lực cánh quạt, có tầm bay từ Nhật Bản tới Hawaii và có trọng tải gấp đôi C-130.
Tháng 5/2001, Bộ Quốc phòng Nhật chính thức đề xuất chương trình C-X và lên kế hoạch mua 40 chiếc để thay thế các phi đội Kawasaki C-1 và C-130 Hercules đã già cỗi và tháng 12/2001, Công ty vũ trụ Kawasaki (Kawasaki Aerospace Company) thuộc Kawasaki Heavy Industries, đã được JDA chọn làm nhà thầu chính để phát triển C-X. Kawasaki đã phát triển C-X song song với P-X (máy bay tuần tra hàng hải và là máy bay đầu tiên trên thế giới sử dụng hệ thống điều khiển bay bằng quang học, ND). Như một biện pháp tiết kiệm chi phí, các bộ phận khung và hệ thống thành phần đã được chia sẻ giữa hai máy bay.
Tính đến năm 2007, tổng chi phí phát triển hai chiếc C-X và P-X là 345 tỷ yên (tương đương 2,9 tỷ USD), thấp so với các chương trình tương tự (chỉ riêng hợp đồng phát triển chiếc Boeing P-8 Poseidon là 3,89 tỷ USD). Tháng 8/2003, dự án C-X đã vượt qua cuộc đánh giá thiết kế sơ bộ của JDA, cho phép tiến hành chế tạo nguyên mẫu. Tuy nhiên, quá trình chế tạo nguyên mẫu đã gặp một số trục trặc về đinh tán, bộ ổn định ngang và cả các cáo buộc hối lộ liên quan đến việc mua 5 động cơ máy bay General Electric CF6-80C2. Năm 2008, C-2 được định giá khoảng 10 tỷ yên cho mỗi máy bay (khoảng 80 triệu USD). Việc hoãn chương trình F-X và tăng cường tài trợ cho chương trình hiện đại hóa phi đội F-15J đã kéo chương trình C-X chậm 1 năm.
Năm 2014, máy bay lại bị trì hoãn sau sự cố cửa phía sau trong các cuộc thử nghiệm áp suất làm tăng chi phí của chương trình thêm 40 tỷ yên (390 triệu USD) lên 260 tỷ yên. Tháng 3/2016, có thông tin rằng chi phí phát triển ước tính đạt 264,3 tỷ yên, cao hơn 80 tỷ yên so với dự kiến ban đầu. Kawasaki cũng đã nghiên cứu phát triển một phiên bản dân dụng của C-2 với tham vọng bán loại này cho các nhà khai thác thương mại, trọng tải dự kiến có thể được tăng lên từ mức tối đa 26 tấn của C-2 đến 37 tấn. Tháng 6/2016, C-2 chính thức đi vào hoạt động trong JASDF.
Ngày 27/3/2017, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo rằng quá trình phát triển C-2 đã hoàn tất. C-2 là loại máy bay vận tải chiến thuật cỡ trung, động cơ tuốc bin cánh kép, tầm xa, tốc độ cao sẽ thay thế vận tải cơ phản lực cánh quạt Kawasaki C-1 cũ đã được đưa vào sử dụng từ những năm 1970. Được trang bị động cơ GE Aviation CF6, C-2 đã được phát triển như một phiên bản kế thừa của Kawasaki C-1 trong cả nhiệm vụ không vận chiến lược và chiến thuật.
Nhật Bản đã mua C-2 với tốc độ tương đối chậm, với 7 chiếc được tài trợ cho năm tài khóa 2014 đến tài khóa 2018, tài khóa 2019 không nhận được tài trợ. Yêu cầu ngân sách mới nhất là tìm kiếm 487,5 triệu USD để mua thêm hai máy bay vận tải C-2 trong năm tài chính tới. Trong những năm gần đây, Nhật cũng có ý tưởng mua máy bay vận tải Lockheed Martin C-130J Super Hercules từ Mỹ như một lựa chọn rẻ hơn. Đồng thời, đang có những nỗ lực để xuất khẩu C-2 cho các nước như New Zealand và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất…
Không quân Nhật nhận máy bay trinh sát Kawasaki RC-2 đầu tiên
Máy bay trinh sát RC-2 đã được phát triển từ năm 2015. Ngày 6/2/2018, nguyên mẫu thứ 2 "18-1202" (số hiệu 18-1202, số sê-ri 002, chuyến bay đầu tiên vào tháng 1/2011) được chuyển đổi thành "RC-2" làm nền tảng tình báo điện tử (ELINT - ELectronic INtelligence) và các nhiệm vụ trinh sát tầm xa. Ngay sau khi các chuyến bay thử đầu tiên từ Gifu thành công, chiếc máy bay đã được chuyển đến Iruma, nơi nó được vận hành bởi ATLA (Cơ quan Tiếp thu, Công nghệ và Hậu cần) và đơn vị thử nghiệm Gifu (Hiko Kaihatsu Jikkendan).
Tháng 10/2020, sau nhiều năm thử nghiệm, JASDF đã đưa máy bay tình báo điện tử RC-2 vào hoạt động tại Căn cứ Không quân Iruma của Denshi Sakusengun (Nhóm tác chiến điện tử) thuộc JASDF, ngoại ô Tokyo, sẽ thay thế các máy bay điều khiển bằng cánh quạt YS-11EB. Phiên bản trinh sát có thể được phân biệt vẻ ngoài bằng các antena được gắn ở phần trên của thân máy bay.
Hình ảnh về chiếc C-2 ELINT lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2018. Các sửa đổi bao gồm các vết phồng lớn ở phía sau cánh, một số antena dưới thân máy bay và một mái vòm ở phần trên của thân máy bay, ngay phía sau buồng lái. Phần trên cùng của đuôi đã được sửa đổi với một bộ phận bổ sung, trong khi mái vòm có vẻ lớn hơn một chút so với đường cơ sở C-2. Dữ liệu của hạm đội Cirium tiết lộ JASDF có 4 chiếc YS-11 được mang ký hiệu phục vụ ELINT và báo hiệu các nhiệm vụ tình báo, với độ tuổi trung bình là 51 tuổi.
Người ta tin rằng các đặc điểm của RC-2 có nhiều điểm giống với C-2 cơ bản. Máy bay có trọng lượng cất cánh tối đa 141.400 kg, được trang bị hai động cơ phản lực cánh quạt General Electric CF6-80C2K1F với lực đẩy 266 kN mỗi động cơ, tốc độ bay 890km/h và tầm bay 10.000km; với tải trọng 20 tấn, máy bay có thể bay trên 7.000 km. Yêu cầu ngân sách mới nhất của Bộ Quốc phòng được đưa ra cùng ngày với cuộc giới thiệu RC-2, trích 67,2 triệu USD để mua thêm các hệ thống elint chuyên dụng bằng cách mua một số lượng không xác định RC-2.
Hiện tại, không có máy bay mới nào cho nhiệm vụ ELINT hoặc EW được yêu cầu trong Ngân sách Quốc phòng của Nhật Bản, tuy nhiên, tiền đã được cung cấp để nghiên cứu các nền tảng mới. Ngoài máy bay RC-2 ELINT, Tokyo có thể đang lên kế hoạch cho một biến thể tác chiến điện tử của C-2, dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2026. Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản năm 2020 có hình ảnh khái niệm về một chiếc C-2 với các thiết bị cũng như mũi và đuôi được sửa đổi nhiều, với chú thích "hệ thống tác chiến điện tử độc lập".
Yêu cầu ngân sách mới nhất đề nghị 144,9 triệu USD để phát triển một máy bay gây nhiễu mới, với hình ảnh kèm theo được Bộ Quốc phòng công bố cho thấy rằng nó cũng sẽ dựa trên C-2. Máy bay này có thể sẽ thay thế hai chiếc YS-11EA và có thể là chiếc Kawasaki EC-1 duy nhất đang phục vụ trong Phi đội Tác chiến Điện tử của JASDF, cũng có trụ sở tại Iruma./.
Từ khóa: Không quân Nhật Bản nhận máy bay trinh sát Kawasaki RC-2 đầu tiên, C-2, Cục Phòng vệ Nhật Bản, C-X, ELINT
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN