Không quân Mỹ thừa nhận chương trình F-35 thất bại?
Cập nhật: 03/03/2021
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Tham mưu trưởng Không quân Mỹ - Tướng Charles Brown - muốn phát triển một loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ thế hệ 4,5, giá cả phải chăng để thay thế hàng trăm chiếc F-16 thời Chiến tranh Lạnh và bổ sung cho đội bay với số lượng ít các chiến đấu cơ tàng hình phức tạp, đắt tiền nhưng không đáng tin cậy.
Không quân muốn có một máy bay mới hoàn toàn
Không quân Mỹ đã chủ trương phát triển một loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ, giá cả phải chăng để thay thế hàng trăm chiếc F-16 thời kỳ Chiến tranh Lạnh, do sau hơn 20 năm nghiên cứu và phát triển, chiến đấu cơ tàng hình F-35 nặng 25 tấn đã trở thành đúng vấn đề mà nó phải giải quyết. Những gì Tướng Brown nói ra là sự thừa nhận ngầm rằng, chương trình F-35, được khởi động vào những năm 1990, sẽ cung cấp hàng nghìn máy bay thế hệ mới để thay thế gần như tất cả các máy bay chiến thuật hiện có của Không quân, Hải quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ, đã thất bại.
Brown cho biết, Không quân sẽ xem xét “thiết kế mới” một máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4,5 hoặc 5 giá cả phải chăng, để thay thế những chiếc F-16 đang có trong trang bị. Đây là một tin mới, bởi Không quân Mỹ từng khẳng định trong nhiều thập kỷ rằng, tàng hình cơ F-35A Joint Strike Fighter sẽ thay thế F-16, đồng thời, sẽ không bao giờ mua thêm máy bay chiến đấu không tàng hình nữa.
Giới lãnh đạo Lầu Năm Góc đã ám chỉ rằng, một phần trong việc quân đội Mỹ chuyển trọng tâm sang các mối đe dọa ngang hàng - đó là Nga và Trung Quốc - Hải quân và Không quân có thể nhận được phần lớn hơn trong ngân sách hàng năm trị giá 700 tỷ USD của quân đội Mỹ. Không quân có thể chấm dứt sản xuất F-35 chỉ sau vài trăm chiếc và dồn hàng chục tỷ USD cho chương trình máy bay chiến đấu mới.
Chương trình F-35 thất bại do chi phí
Theo giới quan sát, Không quân Mỹ và Tập đoàn Lockheed đã thất bại trong chính hướng đi của F-35 - họ đã cố gắng “bắt F-35 làm quá nhiều việc” - một phiên bản cánh nhỏ (F-35A) cho các hoạt động trên bộ; một phiên bản cánh lớn cho các tàu sân bay được trang bị máy phóng của Hải quân và các tàu tấn công boong nhỏ của Thủy quân Lục chiến (F-35C); một kiểu cất, hạ cánh thẳng đứng (F-35B). Sự phức tạp làm tăng thêm chi phí; và vấn đề tăng chi phí gây ra sự chậm trễ của chương trình trị giá 1,727 nghìn tỷ USD này.
Sự chậm trễ đã khiến các nhà phát triển có thêm thời gian để bổ sung thêm độ phức tạp cho thiết kế. Đến lượt mình, bổ sung đó đã làm tăng thêm chi phí và những chi phí đó dẫn đến sự chậm trễ hơn… 15 năm sau chuyến bay đầu tiên của F-35, Không quân chỉ có 250 máy bay phản lực tàng hình loại này. F-35 ban đầu được quảng cáo vào năm 2001 có mức giá 50 triệu USD (quy đổi 73,2 triệu USD năm 2021), giá niêm yết hiện nay khoảng 100 triệu USD/chiếc, bao gồm cả động cơ, là rất đắt.
Giá của F-35 đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua, từ gần 300 triệu USD mỗi chiếc đầu tiên xuống còn 77,9 triệu, nhưng chi phí cho mỗi giờ bay vẫn cao - khoảng 44.000 USD. Phi công của Lực lượng Không quân bay trung bình 200 giờ hoặc 350 giờ một năm, tốn khoảng từ 9-15,7 triệu USD/phi công/năm. Một phi công với 1.000 giờ bay, ngốn 44 triệu USD - hơn một nửa chi phí của một máy bay chiến đấu mới.
Kể từ năm 2019, Không quân Mỹ và Lockheed Martin đã cố gắng giảm chi phí mỗi giờ xuống còn 25.000 USD vào năm 2025, nhưng Lầu Năm Góc từ lâu đã tin khó có thể đạt được. Tàng hình và tràn ngập các cảm biến công nghệ cao cũng tốn nhiều công sức bảo trì, lỗi và không đáng tin cậy. Việc duy trì các lớp phủ và vật liệu tàng hình của máy bay phản lực là một lý do chính dẫn đến chi phí vận hành cao của F-35. Có kế hoạch mua 1.763 chiếc F-35A, nhưng Không quân Mỹ cũng cảnh báo, nếu chi phí không giảm, họ có thể sẽ mua số lượng F-35 ít hơn.
Và không chỉ vì lý do chi phí
F-35 được gọi là "máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5" chủ yếu là do được tích hợp công nghệ tàng hình. F-35 có rất nhiều ưu thế, nhưng tầm bay không phải là một trong số đó, buộc nó phải được tiếp nhiên liệu từ các máy bay tiếp dầu trên không và mang theo các thùng nhiên liệu bên ngoài - điều khiến nó dễ dàng bị phát hiện hơn nhiều trên màn hình radar.
Mặc dù được trang bị công nghệ tiên tiến và các thiết bị hiện đại, nhưng tàng hình cơ mới nhất này vẫn gặp phải những sai sót về cấu trúc và hàng loạt thách thức khác. Gần đây nhất là lỗi kết cấu động cơ và sự thiếu hụt về số lượng, ngoài không thể bảo trì nhanh khi cần thiết, còn có vấn đề với lớp phủ nhiệt trên cánh quạt của nó, khiến tuổi thọ động cơ bị giảm đáng kể. Defense News mô tả đây là một "vấn đề nghiêm trọng về khả năng sẵn sàng", theo đó, ngay từ năm 2022, 5 đến 6 chiếc trong mỗi phi đội F-35 phải chờ thay thế động cơ.
Một thách thức khác là phần mềm. Hầu hết các máy bay chiến đấu hiện đại có từ 1 đến 2 triệu dòng mã, trong khi F-35 có trung bình 8 triệu dòng mã trong phần mềm của nó và đang gặp lỗi. Để khắc phục điều này, Bộ Quốc phòng đang yêu cầu ba trường đại học Mỹ giúp giải quyết vấn đề. F-35 cũng gặp phải sự cố màn hình cảm ứng hơi đáng xấu hổ - không hoạt động 20% thời gian. Việc có quá nhiều phiên bản của F-35 dẫn đến thiết kế phức tạp hơn nhiều. Giải quyết các vấn đề cho một biến thể, không có nghĩa là chúng được giải quyết trong các biến thể còn lại.
Về bản chất, F-35 được thiết kế để có ưu thế công nghệ tối cao. Nhưng để đạt được điều đó đồng nghĩa với thỏa hiệp trong thiết kế. Nga đang trang bị máy bay chiến đấu thế hệ 5 Su-57 rẻ hơn đáng kể và vẫn có một số nghi ngờ khả năng F-35 có thể đối đầu với Su-57 trong một trận không chiến một chọi một. Điều này chủ yếu do F-35 vượt trội trong không chiến đấu từ xa. Trung Quốc cũng đang trang bị máy bay chiến đấu J-20 hai chỗ ngồi, hứa hẹn khả năng tấn công đáng kể.
Các quan chức chương trình tiếp tục sửa chữa sai sót thiết kế của F-35, nhưng gần như mỗi khi các kỹ sư giải quyết một vấn đề, một vấn đề mới lại xuất hiện. F-35 hiện vẫn còn 871 khiếm khuyết chưa được khắc phục, chỉ ít hơn năm ngoái 2 khiếm khuyết. Mười trong số này là các khiếm khuyết loại I nghiêm trọng, “có thể gây chết người, thương tật nặng hoặc bệnh nghề nghiệp nghiêm trọng; có thể gây mất mát hoặc thiệt hại lớn cho hệ thống vũ khí; hạn chế nghiêm trọng khả năng sẵn sàng chiến đấu của tổ chức sử dụng”.
Chương trình F-35 đã thực hiện một số cải tiến về độ tin cậy trong năm 2020, nhưng vẫn không đáp ứng được các yêu cầu bảo dưỡng và xuất kích, mặc dù thực tế là những kỳ vọng đó được đặt ra rất thấp. Khi máy bay không thể bay thường xuyên để được huấn luyện đầy đủ, có thể dẫn đến việc giảm kỹ năng của phi công, gia tăng tai nạn thời bình và giảm hiệu quả trong chiến đấu.
Trong nhiều năm, một trong những điểm yếu lớn nhất của chương trình F-35 là mạng máy tính bảo trì và phụ tùng được gọi là Hệ thống thông tin hậu cần tự động (ALIS) có nhiều sai sót. Lầu Năm Góc cuối cùng vào năm 2020 cũng thừa nhận thất bại và rút khỏi ALIS để sử dụng Mạng tích hợp dữ liệu hoạt động dựa trên đám mây (ODIN), nhưng báo cáo cảnh báo các quan chức chương trình đang lặp lại nhiều sai lầm tương tự đã xảy ra với ALIS... Có thể nói, tương lai chiến đấu cơ tàng hình đắt nhất hành tinh F-35 rất mờ mịt./.
Từ khóa: F-35, chương trình vũ khí, Mỹ
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN