Không nên quy định cứng số lượng và tên ủy ban của Quốc hội trong luật?

Cập nhật: 5 giờ trước

VOV.VN - Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội không quy định số lượng, tên gọi và chức năng nhiệm vụ cụ thể các ủy ban của Quốc hội. Bên cạnh ý kiến đồng ý vẫn còn đại biểu Quốc hội băn khoăn.

Luật Tổ chức Quốc hội được ban hành từ trước đến nay đều quy định các ủy ban của Quốc hội với tên gọi cụ thể, như hiện tại có Hội đồng Dân tộc và 9 ủy ban.

Sửa luật lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình phương án luật chỉ quy định chung, còn Quốc hội sẽ có nghị quyết về tổ chức các cơ quan của Quốc hội gồm Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban (giảm 2 ủy ban sau sắp xếp tinh gọn) rồi giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan của Quốc hội.

Ý kiến khác nhau về đề xuất mới

Đề cập thẩm quyền quyết định nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan của Quốc hội khi phát biểu trên hội trường tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) dẫn khoản 6  Điều 60 Hiến pháp 2013 quy định một trong các nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội là quy định tổ chức và hoạt động của Quốc hội và các cơ quan khác do Quốc hội thành lập. Các Luật Tổ chức Quốc hội từ trước tới nay cũng đều quy định như vậy.

Hiện nay đối với các bộ, cơ quan ngang bộ thì Chính phủ ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức, vì các bộ, cơ quan ngang bộ là cơ quan của Chính phủ. Tương tự, đối với TAND tối cao, Viện KSND tối cao và Kiểm toán Nhà nước thì người đứng đầu ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Trọng Nghĩa, mối quan hệ giữa Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội với Ủy ban Thường vụ Quốc hội khác với mối quan hệ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ với Chính phủ, cũng như khác với mối quan hệ giữa các đơn vị bên trong của TAND tối cao, Viện KSND tối cao và Kiểm toán Nhà nước với người đứng đầu các cơ quan này.

“Hội đồng Dân tộc và các ủy ban là cơ quan của Quốc hội, do đó đề nghị giao Quốc hội quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức”, vị đại biểu đoàn Lạng Sơn nêu ý kiến và đề nghị trường hợp giữ quy định như hồ sơ trình thì cần phân tích, làm rõ căn cứ, nhất là cơ sở hiến định khi giao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đại biểu Ngô Trung Thành – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lại ủng hộ đề xuất như tờ trình và cho rằng chiếu theo Hiến pháp “vẫn hết sức phù hợp, không có vấn đề gì cả”.

Theo ông, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan khác của Quốc hội do Quốc hội thành lập, chỉ là tách về tên gọi, các ủy ban cụ thể ở một nghị quyết riêng của Quốc hội.

Hơn thế, Điều 68 của dự thảo vẫn có quy định cụ thể về nhiệm vụ chung của các cơ quan của Quốc hội, sau đó mới giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của từng ủy ban, như vậy hoàn toàn bảo đảm tương thích với quy định của Hiến pháp.

“Quy định này thể hiện một cách làm mới, tư duy mới trong xây dựng pháp luật: những gì ổn định thì quy định ở trong luật, còn cái gì có thể có biến động vì điều chỉnh nhiệm vụ của các cơ quan Quốc hội thì để văn bản dưới luật”, ông Ngô Trung Thành phân tích.

Quy định cứng thì khó đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết trước đây luật quy định Hội đồng Dân tộc và các ủy ban có tên cụ thể, có chức năng, nhiệm vụ, mỗi điều nói về mỗi ủy ban. Quy định như vậy dẫn đến hạn chế ở chỗ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều hành công việc giữa các ủy ban rất khó.

Ông dẫn chứng vừa rồi có một số dự án luật về lĩnh vực đầu tư tài chính đã giao cho Ủy ban Kinh tế nhưng Ủy ban Kinh tế nặng việc quá lại phải giao Ủy ban Tài chính Ngân sách, nhưng luật quy định rõ chức năng Ủy ban Tài chính Ngân sách chỉ có thế này thế kia thôi. Do đó, quy định như dự thảo mới linh hoạt và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đòi hỏi.

“Còn nói đề xuất mới có trái Hiến pháp không thì không trái”, Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích, đồng thời nhấn mạnh quy định thế nào sẽ theo đa số đại biểu Quốc hội.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng trong bối cảnh thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, trong đó có các cơ quan của Quốc hội thì việc không quy định cứng số lượng và tên gọi trong Luật Tổ chức Quốc hội là phù hợp.

Điều này cũng thuận lợi cho việc thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đảm bảo hài hòa về cơ cấu tổ chức, về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan.

Ông Hoàng Thanh Tùng cũng thông tin thêm, theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền thì sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy lần này có 8 cơ quan của Quốc hội chịu sự tác động trực tiếp: có cơ quan kết thúc hoạt động, có cơ quan thực hiện sáp nhập, có cơ quan thì thay đổi, tiếp nhận, chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và có 2 cơ quan mới được nâng cấp.

Đây là một đợt sắp xếp rất lớn, ảnh hưởng toàn diện đến tổ chức hoạt động của các cơ quan Quốc hội. Do đó, không quy định cứng ở trong luật mà Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan Quốc hội, trên cơ sở đó giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể để đáp ứng được yêu cầu vừa đổi mới tư duy nhưng cũng đảm bảo tính linh hoạt.

“Khi cần thiết Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể điều chỉnh rất kịp thời chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và phương thức hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban để đáp ứng nhu cầu thực tiễn và đảm bảo tính ổn định của luật”, ông Hoàng Thanh Tùng nêu ý kiến.

Từ khóa: quốc hội, luật tổ chức quốc hội, kỳ họp bất thường, ủy ban của quốc hội, hội đồng dân tộc, ủy ban thường vụ quốc hội, đại biểu quốc hội

Thể loại: Nội chính

Tác giả: ngọc thành/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập