Không nên khó quản thì cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Cập nhật: 22/10/2019
Phiên chứng khoán chiều qua: Thị trường tăng nhẹ, giao dịch quanh mốc 1230 điểm (26/11/2024)
Hà Nội tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh y, dược vi phạm (26/11/2024)
VOV.VN - Dự Luật Đầu tư (sửa đổi) đề xuất đưa dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục cấm kinh doanh thì nhiều cơ quan đã tranh luận trái chiều về vấn đề này.
Trong bài 1 của loạt bài “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Cấm hay không?”, chúng tôi đã nêu những "Biến tướng đáng sợ của kinh doanh dịch vụ đòi nợ". Tại phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/10, sau khi Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư thay mặt Chính phủ trình bày Dự Luật Đầu tư (sửa đổi) với đề xuất đưa dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục cấm kinh doanh thì nhiều cơ quan đã tranh luận trái chiều về đề xuất này.
Hiện nay, về lý thì nếu người vay không trả nợ thì có thể tới tòa án dân sự giải quyết. Tuy nhiên, thực tế không dễ dàng như vậy. Nếu chủ nợ kiện người thiếu nợ ra toà thì quy trình thủ tục phải qua nhiều bước, nhiều khâu có khi hơn 1 năm, nhưng cũng chưa chắc đòi được nợ. Do đó nhiều chủ nợ lựa chọn dịch vụ đòi nợ thuê để thu hồi tiền nhanh hơn.
(Ảnh minh hoạ: KT) |
Theo nhiều chuyên gia thì dịch vụ đòi nợ là đáp ứng nhu cầu của thực tế và được pháp luật Việt Nam công nhận. Hiến pháp cho phép người dân được quyền kinh doanh những ngành nghề gì mà pháp luật không cấm. Cho nên đề xuất cấm là chưa hợp lý. Điều quan trọng hiện nay là các cơ quan chức năng phải quản lý, kiểm soát dịch vụ này như thế nào để hiệu quả.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM cho rằng: “Chúng ta cần phải tránh tình trạng không quản được thì cấm. Chúng ta cần sửa đổi những Nghị định của Chính phủ về kinh doanh, đòi nợ để làm sao không tổn thương cơ thể, sức khỏe của con nợ, nếu vi phạm sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý tội cố ý gây thương tích. Chúng ta có những chế tài, nghiêm khắc, quy định chặt chẽ hơn nữa đối với những hành vi đòi nợ vi phạm pháp luật.”
Theo Nghị định 104/2007 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, người làm công việc này phải am hiểu pháp luật để biết những khoản nợ nào được đòi và những khoản nợ nào không được đòi. Hiện nay, có trường hợp dịch vụ đòi nợ thuê không nắm rõ pháp luật, hoặc cố ý không hiểu nên vi phạm pháp luật, chưa kể có những hành vi khủng bố tinh thần, gây nguy hại cho người thiếu nợ và người thân của họ.
Chính vì vậy, để kiểm soát chặt chẽ các hoạt động dịch vụ này, một số doanh nghiệp ở TPHCM đề nghị: Trong cấp phép, cần bổ sung thêm quy định lãnh đạo công ty phải là người có bằng đại học, tốt nhất là đại học luật. Nhân viên có lý lịch tư pháp rõ ràng, người không có tiền án, tiền sự. Hàng năm, họ phải được tập huấn cập nhật các kiến thức về pháp luật và được cấp chứng chỉ thì mới được hành nghề.
Bên cạnh đó, cần quy định đơn vị hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê phải ký quỹ để khi họ gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của người nợ và vi phạm pháp luật thì cơ quan chức năng sẽ trích từ nguồn này để xử phạt, bồi thường thiệt hại… Mức ký quỹ có thể từ 5-10 tỷ đồng.
“Nếu công ty đòi nợ thuê vi phạm thì xử phạt hành chính, ví dụ như 100 triệu đồng, chưa kể là vi phạm hình sự, nếu trong bao nhiêu ngày đó công ty không nộp phạt thì cơ quan chức năng sẽ trích từ ký quỹ và công ty không bổ sung đủ số tiền ký quỹ theo thời gian quy định thì Sở Kế hoạch và Đầu tư rút giấy phép. Tôi nghĩ nếu làm chặt chẽ như vậy thì dịch vụ đòi nợ thuê không cần phải cấm và có thể quản lý được” - ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM kiến nghị.
Là địa phương đã đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, UBND TPHCM cũng đã có giải pháp để ngăn chặn biến tướng và hệ lụy của đòi nợ thuê đối với xã hội. Đó là việc ra quy chế phối hợp giữa các ngành chức năng cùng quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn TPHCM.
Bà Lê Thị Quỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM nó rõ hơn về cách làm: “Sau khi cấp phép cho các công ty dịch vụ đòi nợ thuê thì Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đều chủ động gửi cho công an thành phố và Cục Thuế để kịp thời phối hợp quản lý hoạt động. Trong định kỳ 3 tháng, Công an thành phố đều đến Sở phối hợp theo dõi các diễn biến hoạt động của công ty này sau khi được cấp phép kinh doanh. Khi có trường hợp nào vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm, căn cứ theo quy định để xử lý cho doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh.”
Tuy nhiên, sau khi UBND thành phố bàn hành 2 quyết định này thì dịch vụ đòi nợ vẫn diễn biến phức tạp. Một công ty dịch vụ nợ vẫn ngang nhiên khủng bố tinh thần, đe dọa người thiếu nợ, làm họ hoang mang lo sợ.
Theo một số luật sư thì những quy định pháp luật hiện nay chưa chặt chẽ và mức xử phạt không đủ sức răn đe nên còn nhiều trường hợp vi phạm. Theo quy định thì công ty dịch vụ đòi nợ chỉ cần vốn pháp định 2 tỷ đồng. Trong khi, các dịch vụ này thực hiện đòi nhiều món nợ hàng tỷ, hàng chục tỷ đồng, tỷ lệ ăn chia 4/6.
Do nguồn lợi từ đòi nợ thuê rất lớn nên họ không ngần ngại gây tổn hại cho người thiếu nợ, bất chấp pháp luật. Vì nếu họ vi phạm thì mức xử phạt hành chính theo quy định tối đa là 70 triệu đồng.
“Quy định của luật phải nâng mức xử phạt hiện nay lên, tăng gấp 2-3 lần, vì mức xử phạt hiện nay không đủ sức răn đe. Những vi phạm đều chủ động vi phạm, còn cơ quan chức năng canh bắt được họ đã khó mà bây giờ phạt mức như quy định hiện nay thì họ không sợ, nên quy định công ty đòi nợ không được đòi khoản nợ vượt quá 70% vốn điều lệ” - luật sư Cao Quang Thuận nói.
Ngay tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 16/10, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cũng cho rằng, trước khi muốn cấm, bỏ ngành nghề nào thì phải có đánh giá tác động kỹ. Trong khi đó, tại hồ sơ dự luật sửa đổi trình sang, phần đánh giá tác động lại khá sơ sài và chủ yếu dẫn việc dịch vụ kinh doanh đòi nợ không đúng khuôn khổ pháp luật, để xảy ra một số vụ việc phức tạp.
Bà Nga còn lưu ý rằng, ngành nghề này được quy định trong nghị định, nên cần phải đánh giá những quy định trong nghị định có phù hợp không và có phải nguyên nhân gây ra hiện tượng phức tạp như vừa qua. Từ việc đang cho phép kinh doanh sang cấm kinh doanh thì cần đánh giá kỹ.
Còn ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết là trong quá trình thẩm tra dự luật, đa số ý kiến của Uỷ ban đều cho rằng việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế, phù hợp với các quy định pháp luật. Dịch vụ đòi nợ thuê có những biến tướng, lạm dụng là do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về điều kiện hoạt động. Vì thế, ông Thanh cho biết, cơ quan thẩm tra đề nghị không nên cấm. Thay vào đó, bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh, bảo đảm quản lý Nhà nước chặt chẽ.
Từ những phân tích nêu trên, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần hoàn thiện khung pháp lý, khắc phục những hạn chế của tòa án trong việc giải quyết tranh chấp về vay nợ và có chế tài cụ thể, nghiêm minh xử lý sai phạm để quản lý chặt chẽ hơn dịch vụ đòi nợ, không nên khó quản là tìm cách cấm.
Cùng loạt bài:
Bài 1:Biến tướng đáng sợ của kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Ý kiến khác nhau về cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Nhiều chủ tàu cá ở Nam Trung bộ bị ngân hàng kiện đòi nợ
Từ khóa: đòi nợ thuê, dịch vụ đòi nợ, danh mục cấm kinh doanh, Dự Luật Đầu tư sửa đổi
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN