Không muốn khai báo y tế trung thực vì lo bị lộ bí mật đời tư?
Cập nhật: 06/02/2021
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - "Trong rất nhiều trường hợp, người ta không muốn khai báo y tế là bởi các thông tin, bí mật đời tư của người ta không được bảo đảm", luật sư Nguyễn Danh Huế nhận định.
Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 3 đã gây ra nhiều tổn thất chưa thể lượng hóa được bằng con số, nhưng học sinh phải nghỉ học, nhiều cháu mới ở lứa tuổi mầm non phải đi cách ly tập trung khi Tết cổ truyền của dân tộc đã cận kề, trường học đóng cửa, lao động mất việc làm, người dân lo âu vì dịch bệnh có thể lây lan ra diện rộng. Lực lượng y bác sỹ, những người có nhiệm vụ phòng chống dịch đang phải căng mình để thực hiện nhiệm vụ…
Đồng hành với các lực lượng chức năng để phòng chống dịch, việc người dân chủ động khai báo cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng, đặc biệt là Tổ truy vết là rất cần thiết. Công tác này đặc biệt quan trọng để khoanh vùng, dập dịch. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp thuộc diện F1, F0 không chủ động khai báo, tìm mọi cách để trốn tránh cách ly.
Theo số liệu của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19, hiện có tới 20% các ca F0 là những bệnh nhân mắc Covid-19, khi được phát hiện và liên hệ nhưng không hợp tác với cơ quan y tế, cũng như ngành chức năng. Cá biệt có ca mắc, nhưng có tới hàng trăm trường hợp thuộc diện F1 không chủ động khai báo tình thế nguy cấp, từ chối giao tiếp. Những hành vi này sẽ bị xử lý ra sao? Các hình thức xử phạt hiện tại đã đủ sức răn đe?
Phóng viên VOV trao đổi với Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hừng Đông.
PV: Có bao nhiêu hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra trong công tác phòng chống dịch Covid-19?
Luật sư Nguyễn Danh Huế: Dịch bệnh Covid-19 đã diễn ra được gần 1 năm. Các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng chống dịch đã được các phương tiện truyền thông đăng tải nhiều. Có một số hành vi cơ bản sau: Không đeo khẩu trang ở nơi công cộng để phòng chống dịch; Vứt khẩu trang không đúng nơi quy định, đây là hành vi mà nhiều người không biết đang vi phạm; Không khai báo y tế hoặc khai báo không kịp thời, khai báo gian dối; Không thực hiện cách ly, trốn tránh cách ly hoặc trốn tránh trách nhiệm. Có những hành vi (tuy nhỏ) đó là biết mình bị mắc rồi nhưng vẫn cố tình lây lan cho người khác.
Ngoài ra, còn một số hành vi khác như cản trở, chống người thi hành công vụ. Đây là những hành vi tương đối phổ biến.
PV: Hiện nay những quy định về xử lý vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm như trên đã đủ bao quát hết diễn biến cũng như vi phạm trong lĩnh vực này chưa?
Luật sư Nguyễn Danh Huế: Tôi cho rằng pháp luật của ta hiện đã tương đối đầy đủ, bao quát được hết các hành vi. Sau khi dịch bệnh bùng phát, các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao đã có những điều chỉnh rất kịp thời về pháp luật cũng như các văn bản hướng dẫn để xét xử tội danh liên quan đến hành vi làm lây truyền dịch bệnh ra cộng đồng.
Các văn bản quy phạm pháp luật khác như Nghị định của Chính phủ, cũng được sửa đổi kịp thời và xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, dù pháp luật có đầy đủ đến đâu, nhưng ý thức thượng tôn pháp luật của người dân không tốt thì rất khó để phòng chống dịch hiệu quả.
PV: Ông đánh giá thế nào việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống dịch Covid-19 kể từ khi có dịch cho đến bây giờ?
Luật sư Nguyễn Danh Huế: Có thể nói là rất khẩn trương, rất kịp thời để tuyên truyền giáo dục pháp luật đối với người dân. Trong Bộ luật hình sự có quy định về tội lây truyền bệnh truyền nhiễm cho người khác, Tòa án nhân dân tối cao đã có công văn hướng dẫn tòa án các cấp về xét xử các vụ việc liên quan đến hành vi lây truyền dịch bệnh Covid một cách thống nhất.
Tòa án nhân dân các tỉnh đã tổ chức nhiều phiên tòa, thậm chí cả phiên tòa công khai, lưu động để cảnh báo, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật; các cơ quan quản lý Nhà nước cũng ra rất nhiều quyết định xử phạt liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật trong phòng chống dịch bệnh.
Qua các vụ việc đã được đưa ra xét xử, nhiều hành vi đã bị xử phạt, cho thấy tính khẩn trương của pháp luật, tính vào cuộc của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền được thực thi nhanh chóng. Việc xử phạt có tính răn đe, cảnh báo những người khác.
PV: Bên cạnh những trường hợp đã bị xử lý, vẫn còn một số ít vụ việc chưa bị xử lý khiến người dân có cảm giác nhờn luật?
Luật sư Nguyễn Danh Huế: Tôi cho rằng, khi xử lý pháp luật thiếu công bằng hay không kịp thời sẽ tạo tiền lệ xấu để cho các hành vi vi phạm tiếp theo xảy ra. Đây là một dấu hỏi lớn tại sao có những hành vi vi phạm pháp luật như thế mà các cơ quan chức năng vẫn chưa thể khởi tố để đưa ra xét xử để răn đe cũng như tính thượng tôn pháp luật được nghiêm minh.
PV: Ông bình luận gì về thực tế có đến 20% người dân từ chối trả lời và khai báo với cơ quan chức năng hoặc là khai báo thiếu thông tin liên quan đến dịch bệnh Covid-19?
Luật sư Nguyễn Danh Huế: Có lẽ đây là một thực tế rất đáng buồn trong thời điểm cả nước cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh. Con số trên 20% người từ chối trả lời và khai báo là con số rất lớn, thể hiện một sự vô trách nhiệm. Thứ nhất là vô trách nhiệm đối với chính bản thân họ và gia đình họ.
Thứ hai là vô trách nhiệm đối với xã hội. Có thể nói, đây là những hành vi rất coi thường pháp luật và cần phải xử lý thật nghiêm minh. Bởi vì chúng ta đã biết dịch bệnh Covid-19 đã làm cho rất nhiều người mất việc làm, rất nhiều người và gia đình họ rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Thậm chí đất nước có thể bị tụt lùi về mặt kinh tế.
PV: Vậy việc công bố tên và lịch sử di chuyển của bệnh nhân Covid-19 có vi phạm pháp luật hay không?
Luật sư Nguyễn Danh Huế: Quyền cá nhân, quyền nhân thân, quyền về bí mật đời tư của công dân đã được Hiến pháp năm 2013 cũng như Bộ luật dân sự quy định rất rõ. Trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, việc khai báo với cơ quan quản lý nhà nước để quản lý sự lây lan của bệnh tật là nghĩa vụ của mỗi công dân theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước khi nắm giữ các thông tin bí mật đời tư của cá nhân cần phải giữ bí mật những thông tin đó. Trường hợp những người cung cấp thông tin đó đồng ý thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được công khai các thông tin đó.
Trong rất nhiều trường hợp, nhiều người không muốn khai báo y tế là bởi các thông tin, bí mật đời tư của người ta không được bảo đảm.
Do vậy, để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là những người có chức năng, nhiệm vụ trong cơ quan quản lý nhà nước cần phải đảm bảo bí mật thông tin đời tư cá nhân của những người phải khai báo y tế. Như vậy là chỉ đưa thông tin mã số bệnh nhân và lịch trình của người đó, chứ không phải đưa tên của cá nhân đó lên.
Trong rất nhiều trường hợp vì lợi ích của quốc gia dân tộc hay vì lợi ích lớn hơn của cộng đồng thì chúng ta phải hy sinh những lợi ích cá nhân. Tuy nhiên, việc hy sinh lợi ích cá nhân đó cũng phải theo quy định của pháp luật, phải chính đáng. Trong công tác phòng, chống dịch bệnh này, tôi cho rằng hoàn toàn chúng ta không nhất thiết phải cung cấp thông tin họ tên hay là đích danh cá nhân nào, thậm chí cả địa chỉ cư trú. Trong thời buổi khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, hoàn toàn có thể là họ lại bị phơi bày hết tên tuổi trên phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội. Chính điều đó sẽ gây cản trở cho việc người dân tự nguyện khai báo y tế.
PV: Những hành vi như là từ chối trả lời khai báo với cơ quan chức năng hoặc là khai thiếu thông tin sẽ bị xử lý ra sao?
Luật sư Nguyễn Danh Huế: Nghị định 117 năm 2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã quy định rất rõ. Khoản 1 của Nghị định này nêu rõ là xử phạt từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng đối với các hành vi như che giấu không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Theo quyết định số 29 của Bộ Y tế, dịch bệnh Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, như vậy, hành vi cố ý không khai báo hay khai báo gian dối đều bị xử phạt theo Nghị định 117 và mức xử phạt lên đến 20.000.000 đồng.
Ngoài ra, hành vi cố ý lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm cho người khác hoặc là những hành vi phát tán bệnh tật cho người khác còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự.
Cũng cần lưu ý thêm, trong quá trình điều trị hoặc quá trình đang theo dõi, người có nghi ngờ bị bệnh không khai báo trung thực diễn biến dịch bệnh của mình cho y bác sỹ tại cơ sở y tế biết thì cũng có thể bị xử phạt đến từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng.
PV: Xin cảm ơn luật sư./.
Từ khóa: khai báo y tế, dịch bệnh Covid-19, khai báo không trung thực
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN