Không kiểm soát cholesterol hiệu quả có thể gây ra các bệnh về tim

Cập nhật: 20/07/2022

VOV.VN - Lượng cholesterol trong cơ thể khi không được kiểm soát hiệu quả sẽ là nguyên nhân lớn gây ra các bệnh về tim.

Cholesterol tốt và cholesterol xấu

Nếu xem cholesterol trong cơ thể là xấu thì bạn đã nhầm, bởi nó rất cần thiết trong cuộc sống. Tế bào của chúng ta được bao phủ bởi một lớp màng giàu cholesterol, đó là điều cần thiết cho sự tổng hợp các hormone nhất định.

Theo Tiến sĩ Jaideep Menon, Chuyên gia tư vấn, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Amrita, Kochi, Cholesterol được đo có các phần nhỏ được gọi là LDL (lipoprotein tỷ trọng thấp), HDL (lipoprotein tỷ trọng cao), VLDL (lipoprotein tỷ trọng rất thấp) và Triglyceride. Mỗi phần trong số này cũng có các phần phụ với các mức độ xơ vữa khác nhau (khả năng phát triển mảng xơ vữa hoặc các khối trong mạch).

Trong số các phần cholesterol, HDL được coi là cholesterol tốt hoặc cholesterol bảo vệ, còn LDL, VLDL và triglyceride là cholesterol xấu. Giá trị tuyệt đối của cholesterol có thể được coi là bình thường phụ thuộc vào tuổi và sự hiện diện của các yếu tố nguy cơ khác như tiểu đường, tăng huyết áp, sử dụng thuốc lá hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh tim. Nguy cơ tim mạch cũng được đánh giá từ tỷ lệ giữa LDL và HDL, phải nhỏ hơn 3,5 và lý tưởng là dưới 2,5.

Điều gì dẫn đến tích tụ cholesterol xấu?

Cơ thể con người dự trữ dinh dưỡng dư thừa dưới dạng glycogen hoặc cholesterol. Thức ăn khi chưa đốt cháy hết sẽ được gan chuyển hóa thành cholesterol và được lưu trữ lại. Lượng cholesterol dư thừa có xu hướng tích tụ trong thành động mạch, trong một thời gian dài sẽ phát triển thành khối (xơ vữa động mạch).

Tiến sĩ Ankur Phatarpekar, Bác sĩ tại Bệnh viện Symbiosis, Mumbai chia sẻ, “Cholesterol cao có thể xuất hiện mà không có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào. Vì vậy điều quan trọng là phải kiểm tra mức cholesterol của bạn thường xuyên. Tuy nhiên, có thể có một số triệu chứng và dấu hiệu có thể gặp ở một số người cho thấy lượng cholesterol cao trong cơ thể như vết sưng tấy ở khuỷu tay, khớp ngón tay và các liên kết trên da, đặc biệt là bên dưới mắt của bạn nhưng chúng có thể có hoặc không ở tất cả mọi người, do đó nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên”.

Tiến sĩ Menon cho biết thêm, đôi khi cholesterol tích tụ trên mí mắt dưới dạng các khối phồng màu vàng (xanthelasma) và một số nguyên nhân di truyền làm tăng cholesterol như tăng cholesterol máu và tăng triglyceride máu gia đình.

Vì cholesterol tăng cao có xu hướng không tạo ra sự xuất hiện các triệu chứng, vì thế chúng thường bị bỏ qua nên dẫn tới những hậu quả khó lường về mặt sức khỏe.

Ai có nguy cơ phát triển các biến chứng liên quan đến cholesterol?

Tiến sĩ Phatarpekar giải thích, “một số người mà gia đình có tiền sử về cholesterol cao, điều này khiến họ dễ mắc các bệnh tim khi còn rất trẻ. Vì vậy, việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên là điều nên làm”.

Tiến sĩ Phatarpekar cũng cho biết rằng, không có giới tính nào tránh khỏi nguy cơ thừa cholesterol nhưng ở nam giới và phụ nữ mãn kinh phổ biến hơn.

Các bước để quản lý cholesterol

Đốt cháy bất cứ thứ gì bạn ăn thông qua hoạt động thể chất và tập thể dục chắc chắn sẽ giúp ngăn ngừa cholesterol tăng lên vì 65-70% cholesterol thực sự được tổng hợp trong gan.

Do đó, bạn cần tránh chế độ ăn nhiều calo và các loại thịt đỏ, bổ sung thêm nhiều rau xanh và trái cây vào chế độ ăn, tránh các món chiên giòn và bánh mì, v.v. sẽ giúp ngăn ngừa cholesterol cao.

Ngoài ra, bổ sung các loại hạt như hạt điều, óc chó và hạnh nhân sẽ góp phần làm tăng lượng cholesterol tốt nhờ các chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch.

Nguy cơ xơ vữa động mạch do cholesterol cao có liên quan trực tiếp đến thói quen ăn uống, thói quen ít vận động, mức độ căng thẳng, v.v. Phụ nữ dễ bị cholesterol cao như nam giới, đặc biệt là khi mãn kinh và từ 55 tuổi có nhiều nguy cơ mắc bệnh tim như nam giới.

Bệnh nhân tiểu đường cần giữ mức cholesterol thấp hơn bình thường. Đối với hầu hết các bệnh nhân này phải kiểm tra lượng đường từ 3-6 tháng/lần, đồng thời kiểm tra mức độ cholesterol trong máu. Bởi vì bệnh tiểu đường có thể dẫn đến sự mất cân bằng nội tiết tố khác, làm tăng nồng độ cholesterol trong cơ thể./.

Từ khóa: cholesterol trong cơ thể, Cholesterol tốt, cholesterol xấu, xơ vữa động mạch, bệnh tim

Thể loại: Y tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập