Không gian vui chơi đô thị: Vừa thừa, vừa thiếu
Cập nhật: 3 ngày trước
Trung tướng Khuất Duy Tiến từ trần
Thời tiết ngày 24/11: Thừa Thiên Huế đến Bình Định có mưa to đến rất to
VOV.VN - Sự việc hàng vạn người đổ về tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự mới khai trương phần nào cho thấy tình trạng thiếu điểm vui chơi công cộng tại thủ đô chưa có nhiều cải thiện. Trong khi đó, nhiều bảo tàng cũ hay một số tuyến phố đi bộ mới… lại rơi vào tình trạng đìu hiu, vắng khách.
Chị Nguyễn Thu Thảo, ở Hoàng Mai, Hà Nội hàng tuần đưa cháu đi chơi ở trung tâm thương mại, công viên hay những điểm vui chơi tập thể ở các chung cư. Không chỉ chị Thảo mà cả cháu bé cũng thấy thích và thoải mái hơn khi được ra không gian ngoài trời:
"Em thường hạn chế cho cháu chơi ở trung tâm thương mại vì không gian không được thoải mái như ở ngoài. Công viên có nhiều cây xanh và rộng, tuy nhiên, khu vui chơi cho trẻ em rất hạn chế. Vốn dĩ ở Hà Nội đã rất ít rồi, nên việc đưa nó đi chơi ở đâu cũng rất là đắn đo. Nếu tạo được nhiều khu vui chơi cho trẻ con hơn thì sẽ rất tốt, các cháu sẽ được phát triển nhiều hơn".
Tình trạng thiếu không gian công cộng đã được đề cập từ lâu, nhưng Hà Nội lại tồn tại nghịch lý nhiều bảo tàng vắng khách, phố đi bộ mới mở (như phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh) đìu hiu và nhiều công viên (như Tuổi trẻ, Nghĩa Đô,…) đã xuống cấp từ lâu. Qua thời gian, nhiều địa điểm dần trở nên nhàm chán với người dân:
"Khi mà lên kế hoạch đi chơi thì mình và gia đình rất khó khăn trong việc suy nghĩ là nên đi đâu, những địa điểm nào vui chơi phù hợp gia đình mình, có chỗ nào cho mình và các bạn nhỏ giải trí…"
"Mình nghĩ nếu làm phố đi bộ thì nên làm ở nơi sầm uất, nên có hoạt động như trung tâm games hoặc nơi bán đồ ăn, hai bên phố phải có cái để giải trí. Mình thấy xung quanh đây hầu như chỉ có café thì hơi ít".
"Em đã đi bảo tàng phòng không, không quân, em thấy cũng bình thường. Công viên ở Hà Nội thì đang xuống cấp trầm trọng".
"Công viên Thống Nhất này mình ở đây từ bé, thấy bao nhiêu năm nó vẫn thế. Mình rất mong muốn cơ quan chức năng có thể lắng nghe người dân hơn và đầu tư, nâng cấp, cải tạo cho xứng đáng với kỳ vọng của người dân thủ đô".
Đánh giá về thực tế này, KTS. Nguyễn Trần Bắc, Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam chỉ ra nguyên nhân từ công tác quy hoạch chưa tốt, phân bổ không đồng đều, dẫn đến việc khi người dân có nhu cầu sử dụng thì không thể đáp ứng được. Ngoài ra, việc lựa chọn vị trí xây dựng nhiều khi chưa phù hợp giao thông đi lại; công tác vận hành, duy tu, bảo trì ở một số nơi còn kém:
"Đầu tiên, chúng ta phải xác định quy hoạch lại các không gian công cộng một cách tổng thể, dựa trên nhu cầu thật của người dân. Những dự án bất động sản mới, khu vực mới thì chúng ta phải yêu cầu bắt buộc có không gian công cộng. Thứ hai, với bảo tàng hay một số không gian công cộng thì chúng ta phải có công tác vận hành, đầu tư phong phú hơn, quảng bá để thu hút người dân".
Theo KTS. Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ BCH Hội Kiến trúc sư Hà Nội, những không gian công cộng được đầu tư tốn kém nhưng không hấp dẫn người dân là một sự lãng phí rất lớn. Điển hình là việc Hà Nội có nhiều bảo tàng, trong đó, riêng lĩnh vực quân sự có bảo tàng tăng thiết giáp, thông tin, hậu cần... nhưng dường như không “tồn tại” trong tâm trí nhiều người:
"Tại sao bảo tàng quân sự mới mở lại thu hút lượng khách lớn đến thế? Đó là tổ chức không gian bảo tàng rất hấp dẫn, dẫn dắt câu chuyện lịch sử trong một không gian gần trung tâm thành phố, thoáng đãng.
Tại sao phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm thì đông mà phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang, Ngọc Khánh lại không hấp dẫn? Chúng ta thấy tổ chức ở những phố đi bộ đấy quá là nhạt nhẽo. Nếu những người thiết kế ra phố đi bộ chỉ vì tiền, làm chợ,… mà không quan tâm con người đến đó có cảm xúc thế nào, người ta thụ hưởng thế nào thì có làm cách nào cũng vẫn thất bại".
Dưới một góc nhìn khác, nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, phố đi bộ hay không gian công cộng hiện nay vắng vẻ không có nghĩa là sẽ tiếp tục vắng khách trong tương lai. Vấn đề là cần tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng, bởi thừa là do thiết kế chưa phù hợp, chứ về số lượng địa điểm thì vẫn còn quá ít so với dân số gần chục triệu người của Hà Nội:
"Khi ta đã có những địa điểm vui chơi công cộng rồi thì nội dung của nó thế nào mới là vấn đề quan trọng. Có thể rộng, thoáng nhưng không có gì để chơi, để ngắm, để giải trí, thỏa mãn thì nó vắng vẻ là điều đương nhiên. Chúng ta cứ nói công viên mở, nhưng thực ra như công viên Thống Nhất mới chỉ là dự án và mới mở ở một phía con đường. Công viên Tuổi trẻ vẫn có hàng rào xung quanh, bên trong cũng chẳng có gì, trống rỗng. Trong tương lai gần nên tiếp tục mở rộng công viên để thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí cho mọi tầng lớp trong xã hội", ông Nguyễn Ngọc Tiến nói.
Hà Nội hiện chỉ có khoảng 63 công viên, vườn hoa, 24 bảo tàng, 6 tuyến phố đi bộ và một số danh lam thắng cảnh khác. Cơn “khát” điểm vui chơi được thể hiện rõ qua hình ảnh chật ních ở nhiều trung tâm thương mại, điểm tham quan trong dịp cuối tuần, lễ tết. Cơn “khát” ấy có lẽ chỉ được giải nhờ tâm huyết của chính quyền các cấp bằng việc tăng cả lượng và chất cho không gian công cộng.
Tình trạng thiếu điểm vui chơi công cộng tại Hà Nội và một số đô thị lớn là hệ quả sau nhiều thập kỷ diễn ra quá trình đô thị hóa, bê tông hóa nhanh. Không chỉ thiếu về số lượng mà chất lượng của các địa điểm vui chơi cũng chưa có nhiều cải thiện, dẫn đến nghịch lý: nơi thiếu, nơi thừa, mà chính xác hơn là thừa vì không biết tận dụng, sử dụng đúng cách.
Tệ hại hơn, những địa điểm công cộng vốn đã ít nay lại bị chiếm dụng cho mục đích kinh doanh. Điển hình là sân chơi trong các khu tập thể thường bị biến thành bãi gửi xe, nơi buôn bán.
Không gian công cộng miễn phí là vậy, còn những địa điểm có thu phí của doanh nghiệp, tư nhân như: thủy cung, công viên trò chơi,… thì lại có giá khá cao, có thể lên tới vài trăm nghìn đồng, không thể phục vụ nhu cầu giải trí thường xuyên của đại đa số người dân.
Phát triển kinh tế là một mục tiêu quan trọng, tuy nhiên, nếu thiếu phúc lợi xã hội, thiếu không gian công cộng cho người dân thụ hưởng thì đó là một thiếu sót nghiêm trọng, và đô thị ấy không thể trở thành một nơi đáng sống.
Vì vậy, ngay từ khâu quy hoạch, các nhà quản lý cần xác định điểm vui chơi công cộng là không gian có vai trò đặc biệt quan trọng, không thể thiếu để phục vụ cộng đồng; từ đó tạo cơ chế về quỹ đất và nguồn lực cho việc xây dựng.
Các khu đô thị mới muốn được cấp phép xây dựng phải có đủ không gian công cộng, tiện ích cho cư dân. Quỹ đất tại các huyện ngoại thành với cự ly di chuyển không quá xa có thể được xem xét đến. Còn tại nội đô, có thể bổ sung quỹ đất xây dựng thiết chế văn hóa bằng cách di dời đơn vị sản xuất, kinh doanh đang sử dụng đất tại các khu giáp ranh dân cư hay đất xen kẽ.
Bên cạnh việc đầu tư những địa điểm vui chơi lớn, tạo điểm nhấn thì cũng cần xây dựng nhiều sân chơi nhỏ trong cộng đồng, tránh quá tải cho giao thông, giúp người dân trong từng khu vực dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng hàng ngày.
Việc xây dựng cần thu hút nhiều hơn sự tham gia của các nguồn lực xã hội, cả về kinh phí lẫn ý tưởng sáng tạo,… Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp rất tâm huyết và đã thành công trong xây dựng các mô hình sân chơi cộng đồng, nhưng chưa có cơ chế để họ tham gia một cách sâu rộng hơn nữa.
Đó là nhiệm vụ về lâu về dài, còn trước mắt, cách nhanh chóng và hiệu quả hơn mà ban, ngành và chính quyền các cấp có thể thực hiện là tận dụng tối đa những không gian công cộng hiện có.
Kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới công viên, vườn hoa đã được Thành phố ban hành. Để triển khai đúng tiến độ, Thành phố cần cùng chung tay tháo gỡ khó khăn với chủ đầu tư. Với những chủ đầu tư cố tình làm chậm tiến độ, xây dựng sai thiết kế… cần kiên quyết thu hồi, giao cho chủ đầu tư khác để làm gương.
Đối với những diện tích công cộng, cần mở rộng tối đa không gian bằng cách giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh và khoảng không để phục vụ các hoạt động thể thao, vui chơi cộng đồng.
Với những sân chơi hiện hữu đang bị chiếm dụng thì cần kiên quyết giành lại cho cư dân với lộ trình cụ thể. Tiếp đó, trong quá trình tổ chức, chính quyền có thể tham khảo ý kiến, mô hình mà các doanh nghiệp xã hội đã thực hiện thành công để bố trí không gian, dụng cụ, thiết bị tập luyện thể thao, trò chơi,… phù hợp nhiều lứa tuổi.
Sức hút của bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cũng là kinh nghiệm quý cho các bảo tàng và những địa điểm tham quan, vui chơi khác trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng, thiết kế cảnh quan, sắp xếp hiện vật thành câu chuyện hay tổ chức các hoạt động hấp dẫn. Đặc biệt là việc tạo xu hướng mới cho người dân, tận dụng lợi thế của Tiktok, Facebook Reels hay YouTube Shorts để tạo ra những đoạn video ngắn thịnh hành, thu hút khách tham quan.
Tất cả phụ thuộc vào tâm huyết của các nhà quản lý, các cấp chính quyền Thành phố với những kế hoạch cụ thể, sớm triển khai để giải cơn “khát” điểm vui chơi công cộng cho người dân thủ đô.
Từ khóa: bài toán, thiếu sân chơi, sân chơi cho trẻ em, bảo tàng lịch sử quân sự, thiếu điểm vui chơi công cộng
Thể loại: Xã hội
Tác giả: minh hiếu/vov-giao thông
Nguồn tin: VOVVN