Không gian sáng tạo nghệ thuật: Cần một vị trí xứng đáng
Cập nhật: 27/03/2020
VOV.VN - Dù là hoạt động phi lợi nhuận hay thu lợi nhuận, hầu hết các không gian sáng tạo nghệ thuật muốn thành lập đều phải đăng ký hoạt động kinh doanh.
Mặc dù phát triển nhanh chóng và nhiều tiềm năng nhưng do các không gian sáng tạo nghệ thuật vẫn còn mới mẻ tại nước ta nên cho đến nay vẫn chưa có một tư cách pháp nhân cụ thể nào. Điều đó kéo theo nhiều khó khăn, thách thức cho các không gian sáng tạo nghệ thuật.
Khu nghệ thuật đương đại tại TP. HCM. (Ảnh: Báo Văn hóa) |
Dù là hoạt động phi lợi nhuận hay thu lợi nhuận, hầu hết các không gian sáng tạo nghệ thuật muốn thành lập đều phải đăng ký hoạt động kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế dưới “vỏ” doanh nghiệp, kể cả đa số không gian sáng tạo hoạt động vì cộng đồng. Cũng chính vì chưa có “tư cách pháp lý” riêng mà cơ chế chính sách hỗ trợ còn chung chung và chưa thực sự hiệu quả.
Đóng nhiều “vai” - Thách thức đến từ khung pháp lý
Cho đến nay, vẫn chưa có định nghĩa thật rõ trong khung pháp lý liên quan đến không gian sáng tạo. Vậy, một không gian sáng tạo nghệ thuật muốn hoạt động thì phải tồn tại theo mô hình thế nào? Để có câu trả lời, chúng tôi tìm gặp chị Trâm Vũ, người sáng lập Không gian nghệ thuật Manzi, tại Hà Nội. Nằm trong khuôn viên một biệt thự Pháp trên một con phố nhỏ trên đường Phan Huy Ích, Hà Nội, Manzi thường xuyên tổ chức triển lãm; nghệ thuật sắp đặt; nơi duy nhất ở Hà Nội bán tranh, điêu khắc, sắp đặt của các nghệ sĩ nổi tiếng của nước ta với mức giá hợp lý, qua chương trình thường niên “Ha Noi Art for you”.
Theo chị Trâm Vũ, Manzi thành lập từ năm 2012, nếu đứng ở góc độ pháp lý thì Manzi là một hộ kinh doanh cá thể và phải đóng thuế bình thường. Nguồn thu của Manzi đến từ việc kinh doanh cà phê, đồ uống để có tiền chi cho các hoạt động triển lãm mỹ thuật, tọa đàm, chiếu phim. “Một không gian sáng tạo nghệ thuật mà đăng ký dưới dạng kinh doanh cá thể thì nó cũng không hợp lý lắm. Tôi nghĩ nếu có khung pháp lý đầy đủ cho một tổ chức phi lợi nhuận thì sẽ rất tốt cho các không gian sáng tạo ở Việt Nam.” Chị Trâm Vũ băn khoăn.
Manzi cũng như nhiều không gian sáng tạo nghệ thuật khác do cá nhân hoặc nhóm nghệ sĩ sáng lập, hoạt động ở lĩnh vực cụ thể như âm nhạc, mỹ thuật, múa đương đại…Cộng đồng biết đến họ là một tập hợp các nghệ sỹ, một không gian sáng tạo. Nhưng thực tế, để hoạt động đúng luật thì họ phải đăng ký hoạt động kinh doanh. Cụ thể là “hộ kinh doanh cá thể”, “công ty cổ phần”. Thậm chí, có những không gian đăng ký là “doanh nghiệp xã hội”, 51% nguồn thu sẽ phải sử dụng cho mục đích cộng đồng và nghệ thuật, nhưng không được ưu đãi về thuế. Đây được cho là một nghịch lý!
Hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật có những đặc thù riêng và giá trị thu lại không chỉ là vật chất. Nhưng các không gian này vẫn phải vận hành và đóng thuế như doanh nghiệp bình thường. Nghĩa là cùng một lúc, không gian sáng tạo đóng nhiều vai, đây không phải là một việc dễ dàng.
Nhà nghiên cứu Trương Uyên Ly – Giám đốc Hanoi Grapevine, người thực hiện báo cáo về không gian sáng tạo tại nước ta theo đơn đặt hàng của Hội đồng Anh lấy ví dụ: Sàn Art hoặc Nhà Sàn Collective sống được nhờ vào các nguồn tài trợ cho các dự án mà họ thực hiện.
Nhà nghiên cứu Trương Uyên Ly – Giám đốc Hanoi Grapevine |
Toàn bộ tiền tài trợ họ nhận được dành cho các nghệ sĩ làm tác phẩm, quảng bá triển lãm tác phẩm. “Phần tiền này không mang tính kinh doanh, nhưng theo pháp luật để có hóa đơn, bằng chứng họ đang dùng tiền minh bạch thì phải đăng ký kinh doanh. Họ vẫn phải trả thuế và đây là nghịch lý đang tồn tại.” Trương Uyên Ly nêu quan điểm.
Cần xác lập một vị thế rõ ràng
Thực tế, so với những loại hình kinh doanh khác, một không gian sáng tạo nghệ thuật là rất khác biệt, bởi nó tạo ra những giá trị tinh thần, giá trị xã hội và ý nghĩa đối với cộng đồng, chứ không chỉ tạo ra giá trị vật chất được đo đếm qua doanh thu, lợi nhuận. Như Mơ Đơ – một không gian sáng tạo nghệ thuật ở số 1 Lê Trực, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, mới ra đời cách đây hơn 1 năm, với mục tiêu tổ chức triển lãm mỹ thuật, chiếu phim hàng tuần.
Chị Phạm Thị Thanh Mai, một trong các thành viên sáng lập Mơ Đơ cho biết, để không gian có nguồn lực phát triển thì những người sáng lập không có cách nào khác là đăng ký kinh doanh hộ gia đình. “Chúng tôi hoạt động dựa trên năng lực bản thân là chính, phải tự xoay sở. Mục tiêu của chúng tôi hướng đến phát triển cộng đồng, nên chúng tôi mong muốn là sẽ có hình thức hỗ trợ nào đó và được công nhận theo một dạng khác đi so với các cơ sở kinh doanh bình thường.” Chị Phạm Thị Thanh Mai mong muốn.
Vấn đề mấu chốt ở đây chính là khung pháp lý. Theo chị Trần Kim Ngọc, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật và Âm nhạc thể nghiệm Đom Đóm, Hà Nội, điều quan trọng là phải thấy được vai trò, vị trí rõ ràng đối với các không gian sáng tạo nghệ thuật, từ đó mới điều chỉnh khung pháp lý và có những chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả. Trường hợp hỗ trợ của chính quyền Hồng Kông–Trung Quốc hoặc Sing-ga-po đối với các không gian sáng tạo nghệ thuật là một ví dụ.
Từ việc nhận thức vai trò quan trọng của các không gian sáng tạo nghệ thuật, họ đã có những gói hỗ trợ riêng nhằm phát triển nghệ thuật đương đại và tạo nên nhiều thành công. “Bộ Văn hóa Hồng Kông - Trung Quốc tạo ra Hội đồng Văn hóa nghệ thuật Hồng Kông và có ngân sách hàng năm tài trợ cho các nghệ sĩ. Kể từ khi Hội đồng này ra đời đã có rất nhiều tác phẩm đương đại ra đời, giúp tạo ra một thế hệ nghệ sĩ mới tên tuổi. Hay như Singapo, Bộ Văn hóa cũng có tổ chức nhằm phát triển nghệ thuật đương đại, đi kèm theo ngân sách và giúp cho sự phát triển dài lâu.” Chị Trần Kim Ngọc nêu ví dụ.
Tại nước ta, trong những năm gần đây, nhiều tổ chức quốc tế như Liên minh châu Âu, Hội đồng Anh, Viện Goethe…có nhiều hoạt động nhằm tăng cường nhận thức và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Dự án Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam do Liên minh Châu Âu và Hội đồng Anh đồng tài trợ là ví dụ cụ thể cho sự hợp tác hiệu quả ấy.
Theo bà Nguyễn Phương Hoa, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, thông qua sự hợp tác này đã có những chuyển biến nhất định, đặc biệt là nhận thức của toàn xã hội đối với các không gian sáng tạo ở các đô thị, hay các hoạt động kết nối những người nghệ sỹ, người thực hành nghệ thuật.
“Dự án tăng cường năng lực cho không gian sáng tạo, tăng cường kết nối giao lưu, trở thành cộng đồng mạnh. Duy trì mở kênh đối thoại giữa những người làm trong không gian sáng tạo và các nhà hoạch định chính sách để từ đó giúp nhà quản lý điều chỉnh, ban hành chính sách phù hợp để phát triển không gian sáng tạo.”Bà Nguyễn Phương Hoa kỳ vọng dự án sẽ giúp khắc phục được tình trạng “sớm nở tối tàn” ở nhiều không gian sáng tạo.
Đã đến lúc cần có một cái nhìn toàn diện và đúng đắn về vị trí, vai trò của các không gian sáng tạo nghệ thuật trong sự phát triển kinh tế, xã hội cũng như phát triển nghệ thuật đương đại. Có như vậy mới có được chính sách cụ thể như ưu đãi thuế, địa điểm hoạt động, cấp phép, kiểm duyệt…để tạo điều kiện cho các không gian phát huy được hết tiềm năng của mình.
Trong khi chờ đợi những sự thay đổi hay bổ sung từ cơ chế, chính sách, các không gian sáng tạo nghệ thuật cũng đang có những nỗ lực kết nối với nhau, để cùng nhau vượt qua khó khăn, tạo nên một cộng đồng với sức sáng tạo mạnh mẽ. Vậy sự kết nối này được thực hiện như thế nào? Chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập trong kỳ 3 của loạt phóng sự “Không gian sáng tạo nghệ thuật: Sớm đã nở tối có tàn?” với nhan đề “Kỳ vọng từ mạng lưới không gian sáng tạo nghệ thuật”./.
- Vẫn chưa có định nghĩa thật rõ trong khung pháp lý liên quan đến không gian sáng tạo. Làm thế nào để cân đối được thương mại để sống còn và nghệ thuật để phát huy tối đa sự sáng tạo là bài toán khó. Những quản lý không gian sáng tạo là gốc nghệ thuật nên khó bàn chuyện kinh doanh. Còn người đi từ kinh tế thì không biết rõ về nghệ thuật. Cần có môi trường để 2 bên trao đổi và tìm hình thức hợp tác phù hợp. (Bung Trần - Không gian sáng tạo HUB, TP. HCM)
- Pháp luật hiện tại chưa có chỗ dành cho không gian văn hóa sáng tạo mà không nhằm mục đích lợi nhuận. Các không gian hoạt động như tổ chức phi chính phủ hay tổ chức từ thiện nhiều hơn thì lại khó đăng ký pháp nhân. (Chị Trương Uyên Ly, Giám đốc Hanoigrapevine)
- Nhà nước làm công tác quản lý. Nghệ sĩ làm công tác sáng tạo. Khó khăn ở chỗ là không hiểu nhau, đưa ra những quy định gây khó khăn. Theo tôi cần có những quy định rõ ràng, cụ thể hơn. (Chị Nguyễn Trà, Giám đốc của Sàn Art, TP. HCM).Từ khóa: Không gian sáng tạo nghệ thuật, nghệ thuật, Manzi, Ha Noi Art for you, Hanoi Grapevine
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN