Không gian bích hoạ phố Phùng Hưng – Tái hiện Hà Nội giai đoạn 1947-1954

Cập nhật: 04/10/2024

VOV.VN - Những ngày này, khi đến với không gian bích họa Phùng Hưng, người dân và du khách sẽ được trải nghiệm khung cảnh Hà Nội giai đoạn năm 1947-1954 với nhiều thiết kế sắp đặt độc đáo cùng những hoạt động văn hóa hấp dẫn.

 

Chương trình “Ký ức Hà Nội - 70 năm” gồm hai không gian chính, phần 1 tái hiện các giai đoạn lịch sử đáng nhớ như: Hà Nội mùa Đông năm 1946 khi phố phường thân quen biến thành chiến lũy; Hà Nội mùa Thu năm 1954 với cổng chào, cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu, mô phỏng lại ngày cả Hà Nội tưng bừng nhộn nhịp cờ hoa đón mừng ngày hội lớn...

Phần 2 là không gian trưng bày các hình ảnh, tư liệu quý về quận Hoàn Kiếm trong một thập kỷ đầy thử thách và vẻ vang - từ cách mạng tháng 8/1945 tới ngày tiếp quản Thủ đô 10/10/1954. 

Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: “Tại đây qua các hình ảnh, tư liệu lịch sử do Hội khoa học lịch sử Việt Nam cung cấp. Trước hết thể hiện sự tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc, của cha ông đi trước, đặc biệt là tinh thần quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, đem lại hòa bình ngày nay cho chúng ta. Đặc biệt, ở đây có những hình ảnh lần đầu tiên được công bố, chúng tôi cũng cảm nhận được hơn ký ức hào hùng của dân tộc trong cách đây 70 năm. Từ đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc, của người dân thủ đô, qua đó đóng góp xây dựng thủ đô ngày càng phát triển”. 

“Chúng tôi dựng 1 không gian như phim trường để mọi người có thể sống trong không gian ấy, cảm nhận trực tiếp bối cảnh về Hà Nội cổ. Ở đây, chúng tôi dựng lên hai giai đoạn, 1 là thời kỳ từ năm 1946-1954, tức là thời kỳ chúng ta sống và bảo vệ thủ đô, chúng tôi dựng một khu phố có chiến luỹ, có cảnh quan khu phố cổ và xuất hiện những nhân vật sống trong cảnh chiến đấu và bảo vệ. Không gian thứ hai là không gian tiếp quản thủ đô,chúng ta đã chiến thắng và trở về thành phố, người dân đổ ra đường đón như thế nào”, ông Nguyễn Mạnh Đức, họa sỹ thiết kế không gian bích họa Phùng Hưng thông tin.

Cùng với đó, chương trình còn tái hiện hoạt cảnh đoàn quân tiến về trong cờ đỏ sao vàng và sự hân hoan, chào đón của người dân thủ đô. Đi qua những không gian sắp đặt tái hiện khung cảnh Hà Nội xưa như cửa hàng bán hương, cửa hàng làm dép cao su hay những ngôi nhà tường vàng với khung cửa gỗ gợi lên nhiều ký ức cho những chứng nhân lịch sử.

Bà Ngô Thị Ngọc Diệp, nghệ sỹ văn công quân đội biểu diễn trong ngày tiếp quản thủ đô: “Khi tiếp quản thủ đô, tôi là nghệ sĩ văn công Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam, nay là nhà hát quân đội. Lúc bấy giờ, chúng tôi vào có nhiệm vụ biểu diễn cho nhân dân Hà Nội trong không khí hết sức tưng bừng, hào hùng phấn khởi của nhân dân và quân đội. Chúng tôi đã biểu diễn ở bờ hồ rồi Nhà hát lớn rồi sau đó là Nhà hát nhân dân, tức là Cung hữu nghị Việt Xô.”

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: “Mặc dù hồi đó, tôi mới có 7-8 tuổi nhưng có lẽ những ký ức rất sâu đậm trong mình, hơn nữa ký ức còn được bồi đắp bởi những hiểu biết của mình qua những câu chuyện được nghe, qua những cuốn sách được đọc, những tấm ảnh được nhìn thấy. Có thể nói đã đúc kết lại, tích tụ lại như một di sản của mình, như một kỷ niệm, cho nên mỗi dịp như này có thể gợi lại những ký ức quá khứ và quan trọng là  trao truyền cho các thế hệ sau, con cái trong nhà, rồi các bạn trẻ ngoài xã hội.”

 Các hoạt động trưng bày, triển lãm, trình chiếu phim tư liệu về Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 04/10 đến ngày 13/10/2024, tại không gian bích họa phố Phùng Hưng. Ngoài ra, các điểm di tích Ban quản lý hồ hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội quản lý như: Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Trung tâm Thông tin Di sản phố cổ Hà Nội 28 Hàng Buồm… sẽ tổ chức nhiều hoạt động, chương trình nghệ thuật hấp dẫn nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Từ khóa: hà nội, hà nội, phố bích họa, phố phùng hưng, du khách

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả: thủy tiên/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan