Không để những loại “dịch” khác có đất sống trong dịch Covid-19
Cập nhật: 14/03/2020
VOV.VN - Cộng đồng cần chung tay phòng, chống, đẩy lùi những loại “dịch” như hành vi lợi dụng dịch Covid-19 để bán hàng vi phạm trái với đạo lý kinh doanh.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, xuất hiện những ca mắc Covid-19 mới thì mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn... là những sản phẩm thiết yếu phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh và được người dân mua nhiều nhất. Trong khi không ít các cơ quan, đơn vị và DN đã vào cuộc chung tay cùng cộng đồng tìm cách bình ổn thị trường thì vẫn có những tổ chức, cá nhân lại coi đây là dịp trục lợi, sản xuất sản phẩm kém chất lượng, đầu cơ thu gom hàng hóa rồi tăng giá bán gây bất ổn thị trường cũng như khó khăn cho người tiêu dùng.
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, đến đầu tháng 3 này, các Sàn Thương mại điện tử đã rà soát tổng số trên 750.000 gian hàng và trên 2.759.000 sản phẩm; đã xử lý, gỡ bỏ gần 8.900 gian hàng với gần 23.000 sản phẩm vi phạm,lợi dụng dịch Covid-19 tăng giá vật phẩm phòng dịch.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng thông tin, các Sàn Thương mại điện tử như Sendo.vn, Shopee.vn, chotot.com, Lazada.vn, Tiki.vn, Fado.vn, Bibomarrt.com.vn, Vatgia.com,... đang phối hợp với Cục thường xuyên rà soát, gỡ bỏ và xử lý các gian hàng vi phạm, lợi dụng dịch Covid-19 tăng giá gây bất ổn định thị trường.
Hàng nghìn vụ vi phạm liên quan đến kinh doanh sản phẩm khẩu trang y tế và vật phẩm phòng dịch đã bị phát hiện và xử lý. |
Cụ thể, Shopee.vn đã xử lý, gỡ bỏ gần 3.700 gian hàng và khoảng 4.800 sản phẩm khẩu trang/khẩu trang y tế và dung dịch/gel rửa tay khô; Sendo.vn đã xử lý, gỡ bỏ gần 3.100 gian hàng và gần 4.750 sản phẩm khẩu trang/khẩu trang y tế và dung dịch/gel rửa tay khô. Trên một số sản thương mại điện tử khác đã xử lý, gỡ bỏ khoảng 2.000 gian hàng và khoảng 13.000 sản phẩm khẩu trang/khẩu trang y tế và dung dịch/gel rửa tay khô.
Trên thị trường truyền thống, khi nguồn cung còn hạn chế dẫn đến tình trạng khan hiếm mặt hàng khẩu trang y tế, cho nên dù lực lượng quản lý thị trường (QLTT) mặc dù đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế… nhưng tính từ cuối tháng 1 đến nay, lực lượng QLTT đã xử lý 6.125 vụ với số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 1,95 tỷ đồng.
Tổng cục QLTT chỉ rõ thực trạng khi kiểm tra, phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh khẩu trang y tế nhập lậu cũng như lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hoá để mua gom hàng hoá nhằm bán lại, thu lợi bất chính khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hoá do dịch bệnh.
Nhiều cửa hàng không niêm yết giá, niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng; kinh doanh hàng hóa nhập lậu; kinh doanh hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa; lợi dụng dịch bệnh và điều kiện bất thường để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
Nhìn nhận thực trạng này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, cho đến nay chưa thể kể hết số lượng các nhà thuốc bị xử lý vì bán hàng cho người tiêu dùng tăng giá đến 3-4 lần, đặc biệt đối với mặt hàng khẩu trang là một sản phẩm điển hình dành cho chống dịch Covid-19.
“Hàng nghìn vụ việc đã bị phanh phui qua kiểm tra và đã bị xử lý nhưng đây chưa chắc là con số cuối cùng. Khi hình thức bán hàng online đang phát triển mạnh và được nhiều người dân tin dùng, nhưng trong lúc có dịch nhiều gian hàng lại xem đó là một cơ hội lợi dụng để tăng giá đối với người tiêu dùng là việc làm không thể chấp nhận được”, ông Phú nói.
Cũng theo ông Phú, những hiện tượng phản cảm như liên kết treo biển “Không còn khẩu trang” đã xuất hiện như thời gian trương đây đã vi phạm Luật Cạnh tranh và tội găm hàng trong lúc khó khăn, nhất là hàng hóa chống dịch. Đó là những hành động trái ngược và nhẫn tâm, hoàn toàn đối lập với những hành vi cao đẹp của những nhà thuốc, những trang mạng khi đăng bán hàng tử tế cho khách, hay nhiều cơ sở kể cả tư nhân may khẩu trang để phát không cho mọi người.
Nhiều doanh nghiệp vẫn ngày đêm san xuất khẩu trang phục vụ người tieu dùng. |
Thời gian qua, Chính phủ đã tỏ thái độ quyết liệt với những hành động sai trái trên, cụ thể có thể rút giấy phép kinh doanh đối với các nhà thuốc vi phạm nghiêm trọng. Đây là việc làm hết sức cần thiết để răn đe những hành động sai trái trên.
Ông Phú cũng lưu ý rằng, cuộc sống chưa thực sự an toàn khi dịch Covid-19 chưa chắc sẽ là những đợt dịch cuối cùng , nhiều lọa dịch bệnh, thiên tai còn có thể phát sinh trong những năm tiếp theo. Chính vì vậy, việc ngăn chặn từ đầu những vi phạm trong bán hàng của các tổ chức cá nhân trái với đạo đức kinh doanh cần phải được xử lý nghiêm minh và kịp thời.
Trong khi công tác phòng và chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, Nhà nước cũng như toàn xã hội cũng cần chung tay phòng, chống và đẩy lùi những loại “dịch” khác có cơ hội hoành hành như hành vi lợi dụng dịch để bán hàng vi phạm những nguyên tắc cơ bản của đạo lý kinh doanh thông thường. Vì sự bình yên của xã hội trong tiêu dùng lúc có dịch, mỗi người dân cần phải có những hành động kiên quyết hơn nữa, góp phần vào việc phòng và chống dịch Covid-19 thành công và hiệu quả./.
Kiểm tra, ngăn chặn tình trạng găm hàng, đẩy giá do dịch Covid-19
Từ khóa: tăng giá khẩu trang, thị trường khẩu trang, nước kháng khuẩn, dịch covid-19, găm hàng tăng giá
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN