Không để các trường học ở TPHCM là điểm gây ùn tắc, mất ATGT
Cập nhật: 25/09/2019
Nông dân Kenya sử dụng ứng dụng AI để chẩn đoán bệnh cây trồng (5/1/2025)
Sẽ xử lý mạnh các vụ gây thương tích, phá tài sản sau va chạm giao thông
VOV.VN - Các ngành chức năng của TP đang triển khai nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông trước cổng trường
Năm học 2019– 2020 chính thức bắt đầu và các điểm trường học trên địa bàn TPHCM lại trở thành những nơi có khả năng ùn tắc giao thông, nguy cơ gây tai nạn giao thông. Hiện các ngành chức năng của TP đang triển khai nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này, đảm bảo an toàn giao thông cho các em học sinh.
Hành lang thép giúp cách ly vỉa hè với lòng đường ở khu vực trường học. |
Cổng trường THCS Lê Quý Đôn, đường Võ Văn Tần, quận 3 vào giờ tan trường, các học sinh nhanh chóng lên xe phụ huynh đang chờ sẵn để về nhà. Một số nhóm thì đi bộ thong thả trên vỉa hè hoặc ngồi chờ phụ huynh đến đón và tỏ ra an tâm về độ an toàn. Đó là nhờ tại khu vực trên, ngành giao thông đã bố trí một rào chắn bằng thép cao khoảng 1m, cách ly hẳn lòng đường với vỉa hè. Vì thế, ở đoạn này, các phương tiện, nhất là xe máy không thể leo lên lề và hiện tượng bán hàng rong cũng giảm hẳn.
Em Tuấn Anh, học sinh lớp 9 trường THCS Lê Quý Đôn nói: “Dạ thấy việc làm hàng rào rất có ích, an toàn. Tại lỡ mấy xe, mấy người đi ngoài đường lỡ tông vào đây nữa”.
Các em học sinh vô tư đi bộ an toàn trên vỉa hè. |
Với các phụ huynh, việc có hàng rào bảo vệ này giúp họ yên tâm hơn khi con cái đi học. Cả việc dừng xe chờ con trên vỉa hè cũng an toàn hơn. Chị Minh Thu, một phụ huynh chia sẻ: “Làm rào chắn an toàn cho các học sinh trong trường ra chứ xe lỡ dưới đường quẹo lên thì tội cho các em vì không an toàn”.
Mô hình làm rào chắn này được làm theo hình thức xã hội hóa, do chính địa phương và nhà trường đứng ra vận động đóng góp. Sở GT-VT TP HCM đang đánh giá hiệu quả mô hình để nhân rộng ở các đoạn vỉa hè có điểm trường khác. Còn với những trường có cơ sở vật chất và hàng lang vỉa hè không đủ rộng để thực hiện giải pháp trên thì Sở và các ban ngành liên quan dùng giải pháp tăng cường tuyên truyền, nêu cao ý thức của học sinh, phụ huynh. Ngoài ra, các trường cũng nhờ đến sự hỗ trợ, giúp đỡ của lực lượng cảnh sát giao thông, dân quân…để đảm bảo an toàn giao thông, nhất là vào giờ tan trường.
Thầy Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang, quận 5 nói: “Với học sinh thì thường xuyên nhắc nhở và làm một cam kết với phụ huynh phải đảm bảo thực hiện theo hướng dẫn của giáo viên, nhân viên nhà trường và địa phương hướng dẫn thực hiện. Cũng có trường hợp phụ huynh không chấp hành theo hướng dẫn thì nhà trường cũng nhờ các em học sinh nói lại với phụ huynh để đảm bảo an toàn chung cho học sinh”.
Phụ huynh đưa đón con em cũng an tâm hơn. |
Để đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tốc độ lưu thông qua các điểm trường trên địa bàn TP, trong 8 tháng năm 2019, Sở GT-VT TP đã duy tu đảm bảo mặt đường ở 11 vị trí; duy tu, sửa chữa báo hiệu giao thông ở 30 vị trí; bổ sung đèn chớp vàng 15 vị trí, lắp đặt đèn tín hiệu giao thông ở 2 vị trí và tôn cao mặt đường tại vạch đi bộ ở 19 vị trí. Nhờ đó, tất cả các khu vực trường học có đường giao thông đi qua đều được lắp đặt đầy đủ hệ thống báo hiệu gồm: biển báo Trẻ em, Đi chậm, sơn vạch đi bộ...
Tuy nhiên, theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông, Sở GT-VT, hiện vẫn còn một số khó khăn trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại khu vực trường học như: tình trạng dừng đậu xe, lấn chiếm lòng lề đường để mua bán hàng rong; thiếu lực lượng điều tiết, nhiều trường không bố trí khu vực riêng trong khuôn viên dành cho phụ huynh đưa đón con em, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông bên ngoài…
Từ tháng 4 năm nay, Ban An toàn giao thông TP đã kết hợp với Sở GT-VT, Sở Giáo dục– Đào tạo ban hành Kế hoạch về phối hợp thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực trường học trên địa bàn, tập trung vào 3 nhóm giải pháp. Đó là tăng cường hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu; đẩy mạnh công tác đưa rước học sinh bằng phương tiện xe buýt và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP HCM đề nghị "trường học tăng cường nhắc nhở PHHS khi tham gia giao thông, chở con em đến trường cần phải chú ý gì? Đặc biệt yêu cầu các trường chủ động phối hợp với địa phương để phối hợp lập lại trật tự ở trước cổng trường, nhất là tình trạng mua bán hàng rong, tổ chức sắp xếp lại để đảm bảo an toàn”.
Đảm bảo an toàn giao thông ngay tại các điểm trường không chỉ là giải pháp để giảm ùn tắc giao thông mà còn là trách nhiệm của xã hội để trường học là nơi an toàn đối với các em học sinh. Đây là nhiệm vụ không chỉ của riêng sở, ngành nào mà cần có sự chung tay của các cơ quan chức năng và cả ý thức của chính các em học sinh và phụ huynh./. Ảnh: Chưa khai giảng, nhiều cổng trường ở Hà Nội đã ùn tắc giao thông
Từ khóa: trường học TP HCM. điểm ùn tắc, mất an toàn giao thông
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN