Không có đường sắt, ĐBSCL vẫn sẽ là vùng trũng kinh tế
Cập nhật: 31/05/2022
Điện thương phẩm tháng 10/2024 của EVNNPC tăng gần 4%
Quốc hội đồng ý chuyển hơn 110.600 tỷ đồng sang chi trả lương cơ sở năm 2025
VOV.VN - Ngoài hoàn thành các tuyến đường cao tốc, ĐBSCL phải tập trung xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, bởi đây là yếu tố quyết định về giao thông, giúp phát triển cả vùng.
"ĐBSCL dù có nhiều tiềm năng lợi thế nhưng phát triển chưa tương xứng, vẫn là vùng trũng của cả nước. Một phần nguyên nhân là do đầu tư hạ tầng giao thông không tương xứng, chưa có sự kết nối với vùng Đông Nam bộ. Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Xóa trắng cao tốc, phát huy lợi thế ĐBSCL" do báo Thanh Niên tổ chức sáng nay (31/5).
Rào cản phát triển là nguồn vốn
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có vai trò vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng; là một trong những vùng kinh tế trọng điểm với lợi thế về nông nghiệp, thủy hải sản và du lịch. Sau khi triển khai Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị năm 2003 về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL thời kỳ 2001 - 2010, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ĐBSCL đã có sự thay đổi rõ rệt.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng chưa cao, chưa phát huy và khai thác đúng tiềm năng, lợi thế tự nhiên của khu vực, đời sống người dân còn khó khăn; tính kết nối nội vùng, giữa vùng với TP.HCM và vùng Đông Nam bộ còn hạn chế. Nguyên nhân quan trọng là do hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là đường bộ cao tốc, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải với khối lượng lớn, tốc độ nhanh, an toàn.
Đến nay, trong toàn vùng mới hoàn thành khoảng 91 km đường bộ cao tốc (đoạn TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận) trong tổng số 1.239 km của cả nước, chiếm 7%. Bởi, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu, vùng này bị ảnh hưởng bởi địa chất, biến đổi khí hậu…nên nguồn vốn đầu tư đường bộ cao tốc cao hơn 1,3 – 1,5 lần so với khu vực khác.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết, đến năm 2030, vùng ĐBSCL sẽ hoàn thành khoảng 1.180 km đường bộ cao tốc. Cho nên, nhu cầu vốn để hoàn thành hệ thống cao tốc giai đoạn 2026-2030 rất lớn. Ngoài ngân sách Trung ương, huy động nguồn lực xã hội, các địa phương có tuyến cao tốc đi qua cần ưu tiên, phân bổ ngân sách địa phương, đồng thời trực tiếp quản lý, thực hiện đầu tư các tuyến cao tốc qua địa bàn.
“Giai đoạn từ nay cho đến 2030, hệ thống đường bộ cao tốc của khu vực sẽ có những bước đột phá so với giai đoạn trước đây. Tuy nhiên cũng đặt ra rất nhiều khó khăn thách thức, cần có quyết tâm cao, quyết liệt thực hiện, phát huy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và sự ủng hộ của nhân dân thì chúng ta mới hoàn thành được mục tiêu này”, ông Nguyễn Duy Lâm cho biết thêm.
Xây dựng đường sắt để tạo sức bật cho kinh tế vùng
Tiến sỹ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế đặt vấn đề vì sao ĐBSCL với diện tích hơn 4 triệu ha, dân số 19 triệu, là vựa lúa, lương thực, trái cây…của cả nước nhưng vẫn là vùng trũng của cả nước? Theo ông Lịch, có 3 nguyên nhân lớn là hạ tầng giao thông, cơ cấu kinh tế thuần nông chậm chuyển đổi và nguồn nhân lực chưa đáp ứng. Dù thời gian qua, ĐBSCL đã được ưu tiên đầu tư nhưng vẫn ở mức trung bình, chưa đáp ứng yêu cầu. Do đó, dù có vị trí tiềm năng rất lớn nhưng vùng này vẫn chậm phát triển.
Hiện hạ tầng giao thông đang có sự bất cân xứng rất lớn. Vùng ĐBSCL hiện vẫn chỉ nối kết với vùng Đông Nam bộ dựa vào tuyến Quốc lộ 1A, trong khi đó giao thông thuỷ vẫn chưa được khai thác tối đa. Bên cạnh đầu tư nội vùng đã khá tốt nhưng cần phải tập trung vào cao tốc Cần Thơ – Châu Đốc và các tuyến đường khác để biến TP. Cần Thơ thành trung tâm, chiến lược của vùng…Đặc biệt, ngoài hoàn thành các tuyến đường cao tốc thì phải tập trung xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ. Đây là yếu tố quyết định về giao thông, giúp phát triển cả vùng ĐBSCL.
“Mối quan hệ kinh tế giữa ĐBSCL và Đông Nam bộ là mối quan hệ khăng khít và dựa vào nhau để cùng phát triển, với lịch sử lâu đời và cả trong tương lai. Các đề án và hệ thống giao thông dọc và ngang Bộ GTVT đang làm theo tinh thần quy hoạch, thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị kể cả trục dọc trục ngang, nhưng tôi thấy dường như chưa đánh giá đúng mức tuyến đường sắt nối Cần Thơ - TP.HCM. Đây là con đường chiến lược để phát triển”, ông Trần Du Lịch nói.
Ngoài ra, ông Trần Du Lịch cũng như các chuyên gia cũng đề nghị ĐBSCL cần phải thay đổi rất mạnh về cơ cấu kinh tế; phải phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đô thị hoá. Phải hình thành từng cứ điểm nông nghiệp,… Đô thị hoá còn thấp nên phát triển và dự báo nếu công nghiệp phát triển mạnh thì vùng này sẽ thiếu lao động./.
Từ khóa: đbscl, giao thông
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN