"Không có dự án thủy điện nào sử dụng đất rừng tự nhiên từ năm 2016"

Cập nhật: 04/11/2020

VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: "Hàng năm chúng tôi đều có các cuộc kiểm tra, giám sát và báo cáo đầy đủ theo tinh thần chỉ đạo của Quốc hội để báo cáo Quốc hội".

Câu chuyện về thủy điện, giữa phát triển thủy điện và việc xâm lấn đất rừng, gây ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục được các đại biểu đề cập ở nghị trường trong phiên thảo luận ngày 4/11.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre cho biết, ông chia sẻ và đồng tình với Bộ trưởng Bộ Công Thương là thủy điện đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển.

"Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng ta lấy thước đo nào để khẳng định thủy điện mặt tốt là ưu việt và mặt xấu chỉ là tạm thời?", đại biểu đặt câu hỏi khi nhìn vào những thiệt hại nặng nề do mưa lũ và sạt lở đất vừa qua. 

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, tất cả các dự án điện và thủy điện đều có tiềm ẩn về nguy cơ. Việt Nam có rất nhiều tiềm năng về năng lượng xanh, năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời có thể thay thế được.

“Tôi tán thành với ý kiến của rất nhiều đại biểu là rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh rất giá trị. Quảng Nam vừa qua chịu thiệt hại nặng nề về lở đất. Nhưng phải nói rằng, tôi là người đi giám sát ở Quảng Nam thì thấy rằng rừng ở Quảng Nam còn giữ được nhiều. Và nếu không giữ được như thế thì còn lở nữa” - đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Tán thành với quan điểm "không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển", ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh: "Chúng ta đã từng có kế hoạch đóng cửa rừng, vậy thì chúng ta hãy thực hiện đúng phương châm này. Tôi không chống lại vấn đề làm thủy điện nhưng làm thế nào đây để đất nước không thấy đau đớn, không thấy xót xa, không thấy thiệt thòi".

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, đoàn Đồng Nai không chỉ nhấn mạnh lợi hại của hệ thống các thủy điện nhỏ hôm nay mà còn lo ngại 40, 50 năm nữa, khi thủy điện nhỏ hết khấu hao thì các công trình xây ở nơi rừng sâu, núi thẳm này sẽ là những quả bom nổ chậm. Ông Quốc đặt câu hỏi "Vậy nguồn nhân lực nào để quản lý nó?"

Vì vậy, đại biểu Dương Trung Quốc đề nghị, ngay bây giờ, Bộ Công Thương, ngành tài nguyên và môi trường cũng phải quan tâm đến, có chế tài để bảo đảm chúng ta có nguồn lực để giải quyết những vấn đề hậu họa sau này.

Chiều 4/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có báo cáo giải trình trước Quốc hội về vấn đề này.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn năng lượng từ thủy điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết,  hiện nay trên cả nước có 429 đập thủy điện và các công trình thủy điện ở các quy mô khác nhau với dung tích trữ nước khoảng 56 tỷ m3 và đóng công suất khoảng 20.000 MW, chiếm 37 % công suất phát điện của đất nước.

"Đây là nguồn năng lượng rất quan trọng phục vụ cho nhu cầu về năng lượng của đất nước, cho phát triển kinh tế xã hội cũng như nhu cầu đời sống của nhân dân", ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết, hiện chúng ta đang phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng nhập khẩu và năng lượng sơ cấp của chúng ta đã gần hết. Thủy điện là một nguồn năng lượng tái tạo rất quan trọng và có mức độ ô nhiễm ít, độ phát thải khí nhà kính gần như không có. Bên cạnh chức năng phát điện, các hồ chứa nước của các đập thủy điện còn có tác dụng đóng góp vào việc tích nước và tùy thuộc vào công suất nó có thể cắt giảm lũ và điều tiết lũ cũng như phục vụ cho nhu cầu phát triển khác.

Bên cạnh những mặt tích cực, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: "Không phủ nhận những tác động tiêu cực do thủy điện, đặc biệt là những tác động đến môi trường đất, nước và khí hậu cũng như đời sống dân sinh".

"Đặc biệt trong giai đoạn trước kia, rất nhiều dự án thủy điện cũng có câu chuyện chiếm đất rừng tự nhiên và cũng gây ra những ảnh hưởng đến rừng đầu nguồn, chức năng của rừng trong phòng, chống lũ bão, giảm thiểu tác động đến môi trường. Trước những tác động tiêu cực của thủy điện, từ lâu thủy điện đã được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội, Chính phủ".

"Hàng năm chúng tôi đều có các cuộc kiểm tra, giám sát và báo cáo đầy đủ theo tinh thần chỉ đạo của Quốc hội để báo cáo Quốc hội về: Độ an toàn của đập, hồ thủy điện; vận hành của hệ thống thủy điện…", Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.

"Trên thực tế, từ năm 2016 đến nay trong số các dự án thủy điện hoàn toàn không có một dự án thủy điện nào sử dụng đất rừng tự nhiên và diện tích chiếm dụng đất trên các dự án được bổ sung quy hoạch thực tế đã giảm", ông Trần Tuấn Anh cho biết./.

Từ khóa: thủy điện, thủy điện nhỏ và vừa, rừng tự nhiên, đại biểu Quốc hội, Quốc hội

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập