Khởi nghiệp với ngành Kỹ thuật vật liệu
Cập nhật: 12/04/2021
Bắt giữ hai thanh niên vận chuyển pháo lậu
Giám đốc Công an Hà Nội chỉ đạo điều tra vụ 2 người tử vong nghi do ngộ độc
[VOV2] - Khoa học, kỹ thuật phát triển cùng với nhu cầu xã hội ngày càng cao, ngành học Kỹ thuật Vật liệu mang đến nhiều cơ hội cho các bạn trẻ lập nghiệp và khởi nghiệp trên hành trình nghề nghiệp của mình.
Ngay từ khi học THPT, anh Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc công ty cổ phần kiến trúc và nội thất Nhà Việt Design đã có đam mê cháy bỏng lĩnh vực thiết kế nội thất. Tuy nhiên, anh tự thấy năng lực thẩm mỹ và tố chất của mình không phù hợp với ngành này. Khi đó, cậu học sinh quê Bắc Giang thấy mảng vật liệu xây dựng còn đang rất sơ khai ở thị trường trong khi nước ngoài đã rất phát triển. Đó cũng là lý do anh Thanh chọn theo học ngành Vật liệu xây dựng của trường Đại học Xây dựng.
Năm 2012, cầm tấm bằng chuyên ngành Vật liệu xây dựng, anh Nguyễn Văn Thanh làm việc ở nhiều công ty vật liệu khác nhau với mức thu nhập 8-10 triệu/tháng – mức lương khá cao vào thời điểm đó.
Nhưng chưa thôi niềm đam mê với lĩnh vực nội thất-thiết kế, anh Thanh quyết định rẽ ngang học việc tại một công ty thiết kế kiến trúc nội thất với mức lương chỉ vỏn vẹn 1,5 triệu/tháng. Khi làm việc tại công ty này, anh Thanh mới nhận thấy, ứng dụng ngành Vật liệu xây dựng rất rộng và là cơ hội để bứt phá.
Sau thời gian tích lũy kinh nghiệm và sẵn có nền tảng kiến thức ngành Vật liệu xây dựng, anh Nguyễn Văn Thanh quyết định tách ra làm riêng. Anh tự mình thiết kế, chọn vật liệu đến thi công.
“Một mình cứ hùng hục làm việc ngày đêm. Tự thiết kế, tự đưa vật liệu vào, thi công hoàn thiện cho khách hàng. Từ những chi tiết nhỏ nhất đến vác gạch, khuôn vật liệu cũng tự tay mình làm”. – Anh Nguyễn Văn Thanh chia sẻ.
Khi đơn hàng ngày nhiều lên, năm 2015 anh Thanh quyết định thành lập công ty cổ phần kiến trúc và nội thất Nhà Việt Design với số lượng nhân viên đến nay là 150 người trong đó anh đóng vai trò đạo diễn chính trong việc lựa chọn vật liệu cho mỗi dự án.
Không tự nhận là người thành công nhưng anh Thanh thừa nhận, không ít sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Vật liệu xây dựng của trường Đại học Xây dựng đã khởi nghiệp thành công.
“Khi về trường, về khoa vẫn hay nói vui với các thầy cô là hình như khoa mình là khoa đào tạo giám đốc. Rất nhiều giám đốc công ty tốt nghiệp tại khoa Vật liệu xây dựng. Khoa đào tạo kiến thức rất tổng hợp. Các bạn sinh viên khi ra trường nắm bắt rất nhanh nên không lạ khi rất nhiều anh chị em sau khi ra trường vài năm gặp lại đều làm giám đốc các công ty”. – Anh Nguyễn Văn Thanh chia sẻ.
Cũng tốt nghiệp chuyên ngành Vật liệu xây dựng của trường đại học Xây dựng, anh Đinh Tiến Đạt hiện là Phó giám đốc một công ty. Với anh, mỗi người có một đam mê-một lựa chọn nghề nghiệp khác nhau nhưng với nghề Kỹ thuật vật liệu có đặc thù và hấp dẫn riêng.
“Với ngành vật liệu có rất nhiều điều mới mẻ và điều quan trọng là có cái để mình nghiên cứu, tìm hiểu. Nhất là một số năm gần đây vật liệu xanh, vật liệu tái chế ở Việt Nam đã dần phát triển, dĩ nhiên so với thế giới còn khoảng cách nhưng điều này nó cho thấy tiềm năng về nghề là rất lớn”. – Anh Đạt cho biết.
Với kinh nghiệm gần chục năm lăn lộn trên các công trường xây dựng và làm việc tại công ty thiết kế nội thất, anh Đinh Tiến Đạt hiểu rõ nhu cầu nhân lực của ngành Vật liệu xây dựng. Với tốc độ phát triển của ngành xây dựng, nhu cầu nội thất của mỗi gia đình ngày càng cao nên cơ hội nghề nghiệp theo anh Đạt là rất rộng mở.
“Trong những năm gần đây các công ty vật liệu xây dựng ở Việt Nam rất phát triển. Trong khi đó các kỹ sư chuyên sâu về vật liệu xây dựng lại hạn chế, một số bạn tốt nghiệp các chuyên ngành khác của xây dựng vẫn chuyển sang lĩnh vực vật liệu để làm. Tuy nhiên, nếu học đúng chuyên ngành vật liệu xây dựng khi làm việc sẽ chuyên sâu hơn và cơ hội thăng tiến cũng nhiều hơn”. - Anh Đinh Tiến Đạt chia sẻ.
Riêng đối với Hà Linh sau khi tốt nghiệp trường Đại học Xây dựng chuyên ngành Vật liệu xây dựng, Linh đã có thời gian làm trái ngành, trái nghề với một vị trí công việc ở cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, cái duyên với nghề vẫn khiến Hà Linh quay trở lại với nghề nghiệp đã chọn.
“Mẹ em làm nghề kinh tế xây dựng nên từ nhỏ em đã làm quen và ấn tượng với những bản vẽ A0 rồi. Khi học đến lớp 12 trong đầu chỉ nghĩ tới xây dựng thôi. Sau khi ra trường hơi một chút mông lung. Nhưng sau này khi làm việc tìm lại được sở thích, đam mê của mình thì sự là thú vị”. – Hà Linh chia sẻ.
Ông Hoàng Vĩnh Long, Trưởng khoa Vật liệu xây dựng (Trường Đại học Xây dựng) cho biết, trong những năm gần đây, các ngành học Kỹ thuật Vật liệu ngày càng nhận được sự quan tâm của học sinh. Ông cũng cho biết, Khoa Vật liệu xây dựng (ĐH Xây dựng) đã và đang mở những ngành đào tạo mới gắn liền với sự phát triển của các vật liệu mới. Hướng tới những vật liệu đòi hỏi hàm lượng về khoa học, công nghệ cao hơn.
“Mỗi ngành nghề có một sự thú vị riêng. Thí sinh nên đầu tư tìm hiểu, lắng nghe bản thân mình để xem mình đam mê và phù hợp với ngành nghề nào? Riêng với ngành Kỹ thuật vật liệu đòi hỏi sự sáng tạo khá cao, áp dụng nhiều kỹ thuật, công nghệ mới hiện đại. Đồng thời khả năng khởi nghiệp từ lĩnh vực vật liệu xây dựng rất tốt”. – Ông Hoàng Vĩnh Long chia sẻ.
Bạn biết gì về Ngành Kỹ thuật Vật liệu?
-Đây là ngành nghiên cứu và triển khai các phương pháp chế tạo, xử lý vật liệu nhằm mục đích thu được vật liệu mới bền hơn, nhẹ hơn, có đặc tính ưu việt hơn, hấp dẫn và tiện dụng hơn trước đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của con người.
-Ngành Kỹ thuật Vật liệu trang bị những kiến thức cơ bản và cơ sở khoa học để sinh viên hiểu biết nền tảng chung các nhóm vật liệu chính như: Kim loại, vật liệu Silicat, vật liệu Polyme, vật liệu Năng lượng và các vật liệu tiên tiến như vật liệu Bán dẫn, vật liệu Siêu dẫn, vật liệu Y sinh. Từ đó có thể nắm bắt được mối quan hệ giữa cấu trúc và tính chất của vật liệu.
-Ngành học này đào tạo sinh viên có năng lực về: Lựa chọn, sử dụng hợp lý và kiểm soát chất lượng vật liệu xây dựng tăng tính hiệu quả cho công trình, thiết kế, quản lý, vận hành các dây chuyền công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng như bê tông, xi măng, thủy tinh, gốm sứ XD và có khả năng nghiên cứu phát triển vật liệu mới, công nghệ sản xuất và thi công vật liệu mới.
-Hiện có nhiều trường Đại học đào tạo ngành Kỹ thuật vật liệu trong đó có trường đại học Xây dựng, đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO.
Từ khóa: Đại học xây dựng, chọn ngành, chọn nghề, ngành Kỹ thuật vật liệu, Vật liệu xây dựng, thí sinh, tuyển sinh
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2