Khơi dậy truyền thống sáng tạo của Lào Cai bằng tinh thần “7 dám”

Cập nhật: 10/03/2024

VOV.VN - Nhiều kinh nghiệm quý của Lào Cai đã và đang áp dụng hiệu quả, đó là phát huy vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; cái gì đã rõ cần làm ngay, cái gì chưa rõ cần phát huy sáng tạo nhưng trước khi hành động phải thông qua bàn bạc tập thể.

Truyền thống sáng tạo là niềm tự hào của tỉnh biên giới Lào Cai trong suốt hơn 30 năm kể từ khi tái lập, nhưng cũng có những giai đoạn bị trùng xuống, cần thiết phải khơi dậy để phát huy, tiếp nối, đưa địa phương phát triển xứng tầm với tiềm năng và kì vọng về một trung tâm kết nối vùng, một cực tăng trưởng của cả nước.

"Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung là trách nhiệm của toàn Đảng và toàn xã hội, của Tỉnh ủy, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và nhất là người đứng đầu cấp ủy. Nếu Ban Thường vụ Tỉnh ủy không thực hiện hoặc thực hiện không tốt điều này thì cũng là vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng và cũng sẽ bị xử lý".

Đó là những lời khẳng định, cam kết của Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong cách đây gần một năm trước đông đảo đảng viên trong toàn tỉnh, bao gồm hơn 4.000 lãnh đạo cấp quản lý. Có thể nói đây là một Hội nghị Diên hồng của Lào Cai nhằm nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm.

Tiếp nối Hội nghị chuyên đề đó, gần như tại các cuộc họp lớn nhỏ về sau của Lào Cai đều dành thời gian thẳng thắn nhận diện những nỗi sợ, tình trạng đùn đẩy, né tránh của cán bộ để tìm cách khắc phục.

Những thay đổi không đến ngay, nhưng sau thời gian, nhiều tín hiệu khởi sắc đã xuất hiện. Không ít tập thể đã trở thành điển hình sáng tạo, vượt khó như huyện Bảo Thắng về giải phóng mặt bằng; huyện Văn Bàn về nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế; huyện Bắc Hà, Mường Khương về giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia…

Theo ông Trần Minh Sáng, Bí thư Huyện ủy Bảo Thắng, có thể khẳng định ở địa phương hiện nay gần như không còn tình trạng cán bộ né tránh. Điều đó giúp cho Bảo Thắng hoàn thành đạt và vượt 24/24 chỉ tiêu của năm 2023, tiến tới quyết tâm về đích nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.

"Để làm được việc đó, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Trước hết, người đứng đầu phải tâm huyết với công việc, có quan điểm rõ ràng trong bảo vệ cán bộ, tránh tình trạng không công khai, minh bạch, đồng thời, phải hiểu rõ các quy định để áp dụng vào thực tế", ông Trần Minh Sáng cho biết.

Còn theo Bí thư Huyện ủy Mường Khương Giàng Quốc Hưng, “tư duy không làm không sai chính là tư duy sai”, do đó chưa nói đến sáng tạo, mỗi cán bộ, đảng viên chỉ cần làm tốt nhiệm vụ được phân công của mình đã là quý, vì trách nhiệm đặt lên vai vốn đã rất lớn để làm tròn. Trước nhiều trường hợp cán bộ, đảng viên bị xử lý trong cả nước, huyện cũng thường xuyên nắm bắt tình hình tâm lý, tư tưởng để kịp thời định hướng trong hệ thống.

"Thậm chí còn có những tín hiệu về mặt tư tưởng tốt hơn cho cán bộ, đảng viên, để thấy đấy là bài học để tự răn dạy chính bản thân mình, từ đó làm tốt hơn nhiệm vụ, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Lào Cai cũng như huyện Mường Khương phát triển ổn định, bền vững", ông Giàng Quốc Hưng cho biết.

Lào Cai là địa phương đầu tiên cả nước có riêng một Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong tình hình mới.

Tiếp nối các chuyên đề học tập hàng năm về “nêu gương”, về “tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân”, mới đây, một hội nghị về học Bác gắn với tinh thần “7 dám” đã được Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức để định hướng xuyên suốt trong năm 2024.

Bên cạnh đó, nhằm kích thích sự sáng tạo, Lào Cai một mặt quan tâm động viên, khen thưởng kịp thời những điển hình tiên tiến; một mặt luân chuyển những cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tuy nhiên không lạm dụng hình sự hóa các vụ việc.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai Dương Đức Huy, cán bộ là công bộc của dân, nhiệm vụ này vốn vất vả, nặng nề nhưng có một bộ phận cán bộ không “tròn vai” lại nghĩ rằng phải "được nọ, được kia" mới làm, khi các quy định ngày một chặt chẽ hơn, chắc chắn nhóm cán bộ này sẽ rất khó có chỗ đứng.

"Làm cán bộ phải hiểu biết mới làm được. Trước đây có thể khác, nhưng ngày nay nếu làm cán bộ mà không “đúng vai”, không “thuộc bài” thì rất khổ. Do vậy, mỗi cán bộ, đặc biệt là người lãnh đạo phải đọc, phải tham khảo rất nhiều để hiểu công việc mình làm, hiểu nhiệm vụ được giao, và hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân, thì khi đó công việc mới trở nên bình thường", ông Dương Đức Huy cho biết.

Theo Bí thư Thành ủy Lào Cai Đỗ Trường Sơn, những vấn đề gốc rễ liên quan đến cán bộ đang được cấp ủy các cấp tỉnh Lào Cai làm tốt, đây sẽ là tiền đề để khơi dậy, phát huy truyền thống sáng tạo của địa phương được vun đắp qua các thế hệ lãnh đạo.

"Nền kinh tế, xã hội nói chung xu hướng đều đi lên, nhưng khi lên đỉnh cao sẽ có những giai đoạn chững lại. Nhưng tỉnh Lào Cai có đặc điểm là cứ khi nào gặp khó khăn thì lại phát sinh được những điều độc đáo, sáng tạo, sức bật mới. Hiện nay địa phương đang trong giai đoạn khó khăn, tôi tin tưởng là Lào Cai sẽ một lần nữa phát huy được", ông Đỗ Trường Sơn nói.

Nhiều kinh nghiệm quý của Lào Cai đã và đang áp dụng hiệu quả, đó là phát huy vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; cái gì đã rõ cần làm ngay, cái gì chưa rõ cần phát huy sáng tạo nhưng trước khi hành động phải thông qua bàn bạc tập thể.

Đơn cử như trong giải quyết tái định cư cho các hộ dân thuộc vùng dự án Cảng hàng không Sa Pa, không ít trường hợp khó xử lý đã được giải quyết thông qua tập thể Ban Thường vụ huyện, đáp ứng kì vọng của nhân dân.

Đối với nhiệm vụ triển khai 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, từ đầu nhiệm kì đến nay ở Lào Cai đã có trên 200 văn bản hướng dẫn linh hoạt, phù hợp với tình hình địa phương, nhờ đó tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này của Lào Cai nằm trong top cao của cả nước, được lãnh đạo trung ương ghi nhận.

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện 3 Chương trình này trong năm 2024, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khẳng định, mọi vướng mắc trong cơ chế dù khó đến đâu vẫn có thể giải quyết được nếu cán bộ, đảng viên hết trách nhiệm với công việc, vì luôn có rất nhiều cơ sở pháp lý để làm.

"Nếu khó quá thì đưa ra Ban Chấp hành, hoặc khó quá thì đưa ra Hội đồng nhân dân. Mọi cách đều có thể làm được, vấn đề là phải có người đề xuất, có thông tin; cán bộ phải phải đào sâu suy nghĩ rồi phối hợp với nhau", ông Trịnh Xuân Trường cho biết.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cũng nhấn mạnh, nếu không dám nghĩ, dám làm, để ảnh hưởng tới chất lượng nhiệm vụ chung sẽ kiên quyết quy trách nhiệm người đứng đầu; đồng thời lưu ý, hiện nay việc thực hiện phân cấp ngày một mạnh nên công tác kiểm tra, giám sát cũng cần đặc biệt quan tâm, tránh xảy ra những hiện tượng tiêu cực phát sinh ngay từ cơ sở dẫn đến mất cán bộ.

Từ khóa: Lào Cai, sáng tạo, cán bộ dám nghĩ dám làm, nông thôn mới,7 dám

Thể loại: Nội chính

Tác giả: an kiên/vov-tây bắc

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập