Khoán tăng trưởng tạo áp lực và động lực phát triển kinh tế
Cập nhật: 5 giờ trước
Nhiều sai phạm trong kinh doanh xổ số kiến thiết, Bộ Tài chính yêu cầu xử lý
Nợ gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu nhưng vẫn lên kế hoạch vay 700 tỷ đồng
VOV.VN - Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, khoán tăng trưởng là một cách tiếp cận quan trọng có khả năng tạo đột phá để đạt tăng trưởng 2 con số năm 2025. Thực chất đây là cách làm sáng tạo trong điều hành nền kinh tế, rất phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Tại hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai công tác năm 2025 của Chính phủ mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025, cần coi trọng chất lượng tăng trưởng và phấn đấu tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.
Theo đó, cần đẩy mạnh đột phá về thể chế, đề cao nguyên tắc thị trường trong huy động và phân bổ nguồn lực, đồng thời loại bỏ cơ chế "xin - cho" và tư duy bao cấp. Cần cải cách doanh nghiệp nhà nước theo hướng minh bạch, hiệu quả, thúc đẩy vai trò động lực quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Thực hiện chính sách "khoán tăng trưởng" cả về số lượng và chất lượng cho các địa phương đi kèm với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền...
Chính sách "khoán tăng trưởng" mà Tổng Bí thư Tô Lâm nêu được các chuyên gia kinh tế đánh giá cao, coi đây là giải pháp tạo đột phá mạnh mẽ để kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng đạt và vượt mục tiêu đề ra cho năm 2025 và những năm tiếp theo.
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, việc thực hiện chính sách "khoán tăng trưởng" cả về số lượng và chất lượng cho các địa phương là một chủ trương đúng. Đây là cách để buộc chính quyền địa phương, đặc biệt là những người đứng đầu phải có trách nhiệm tối đa trong việc thực hiện kế hoạch ngân sách nhà nước.
Ông Thịnh cho rằng, chỉ trên cơ sở khoán cả chất lượng và số lượng về mặt tăng trưởng cho từng địa phương thì mới có thể có đạt được số lượng và chất lượng tăng trưởng cao của toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
“Chúng ta đang mong muốn tăng trưởng kinh tế đạt 8%, thậm chí là tăng trưởng 2 con số thì việc khoán tăng trưởng cho các địa phương là cần thiết, để từ đó, bản thân từng địa phương phải có đột phá trong tư duy, thay đổi cách nghĩ, thay đổi cách làm, tạo ra nguồn lực và động viên mọi khả năng, tiềm năng của địa phương để phát triển kinh tế xã hội. Lúc đó, chúng ta mới có thể đạt được tốc độ tăng trưởng 8-10%”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Ông Thịnh chia sẻ thêm, từ trước tới nay, các chuyên gia đều nhận định, chúng ta tăng trưởng dưới mức tiềm năng, nhưng trong đó chủ yếu là các địa phương chưa tăng trưởng tương xứng, còn trì trệ, thiếu chủ động, thiếu tích cực trong động viên mọi nguồn lực vào tăng trưởng nên rõ ràng là chúng ta có tăng trưởng nhưng không như mong muốn và hi vọng đạt mức tăng trưởng 8-10% là rất khó.
“Chúng ta phải thay đổi khoán tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng cho từng địa phương, thì lúc đó kết quả tăng trưởng chung của nền kinh tế mới có sự thay đổi. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải song hành cả về số lượng và chất lượng chứ không phải chỉ chạy theo số lượng, chạy theo thành tích như trước đây. Và đặc biệt, cần phải có sự kiểm tra, giám sát, nhất là về chất lượng tăng trưởng của từng địa phương”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh lưu ý.
Nhìn nhận về chính sách "khoán tăng trưởng" cả về số lượng và chất lượng cho các địa phương, đi kèm với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong những năm qua, mô hình khoán tăng trưởng chưa được coi trọng, vì nhìn chung các địa phương đều có xu hướng khích số liệu lên theo kiểu “điểm thi đua”, nên vô hình chung mô hình đã tạo ra những “số liệu ảo”. Trong khi thực chất tổng tăng trưởng của một nền kinh tế chính là kết quả hội tụ tăng trưởng của các địa phương, do đó việc “khoán tăng trưởng” cho các địa phương là thực hiện theo đúng theo hướng, để địa phương có trách nhiệm và thực sự khai thác được các lợi thế, những tiềm năng cũng như duy trì nhịp độ tăng trưởng.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Minh Phong, để có thể thực hiện chính sách “khoán tăng trưởng” này thực sự phải cần có một số cơ chế. Ví dụ như cần đồng thời phải làm rõ sự phân cấp, phân rõ trách nhiệm và những quyền hạn của các địa phương đến đâu? Hoặc các cơ quan cấp trên cũng phải kịp thời tháo gỡ những khó khăn từ phía các địa phương đề xuất.
“Tất cả quá trình này cần phải nhanh, kịp thời bởi nếu vấn đề vướng mắc ở địa phương những không thể giải quyết, sẽ không thể nào thực hiện khoán được. Do đó, chính sách này cần phải được triển khai đồng bộ: Nhiệm vụ khoán đi liền với phân cấp, đi liền với quá trình tháo gỡ bế tắc của các bộ phận có liên quan, đặc biệt là của cấp trên”, ông Phong nêu những giải pháp mang khả thi.
Đánh giá chính sách “khoán tăng trưởng” là một cách tiếp cận quan trọng có khả năng tạo đột phá để đạt tăng trưởng 2 con số năm 2025, PGS. TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp của Trường Đại học Kinh tế quốc dân khẳng định: Thực chất đây là cách làm sáng tạo trong điều hành nền kinh tế, rất phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Theo PGS. TS Nguyễn Thường Lạng, đây có thể tạo ra một chính sách khoán mới mang tính cách mạng về tăng tưởng, tương tự như chính sách khoán nông nghiệp 36 năm trước tạo thay đổi cơ bản nền nông nghiệp Việt Nam để có kết quả rực rỡ như ngày nay.
“Khoán tăng trưởng, thực chất, là sự gia tăng phân cấp và phân quyền mạnh cho địa phương, để tiềm năng địa phương được huy động lớn nhất cho tăng trưởng từ cấp địa phương. Thực tế cũng có địa phương đạt tăng trưởng 2 con số, và đây là hình mẫu để các địa phương khác tham chiếu, học hỏi”, PSG. TS Nguyễn Thường Lạng nói.
Chuyên gia kinh tế này phân tích thêm: Việc khoán tăng trưởng là sự phân cấp rất mạnh cho địa phương và vì vậy cần có sự thay đổi quan trọng để tăng trưởng, nhất là mô hình tăng trưởng địa phương. Do đó, đây vừa là áp lực và vừa là động lực phát triển kinh tế địa phương. Áp lực này đòi hỏi các địa phương phải đổi mới cách thức vận hành triệt để, tăng cường nghiên cứu, tìm tòi, thử nghiệm mô hình và chính sách, tiến hành quản lý theo mục tiêu, sử dụng chỉ số để đánh giá mức độ thành công, công khai mô hình phát triển để tránh chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng.
Một số kết quả nối bật của kinh tế Việt Nam năm 2024
Năm 2024, tăng trưởng GDP đạt hơn 7%, quy mô kinh tế đạt khoảng 470 tỉ USD; lạm phát được kiểm soát dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ghi nhận kỷ lục với khoảng 800 tỉ USD, thặng dư thương mại ước tính đạt khoảng 2 tỉ USD, thu ngân sách đạt 2 triệu tỉ đồng.
Số vốn đầu tư nước ngoài thu hút khoảng 40 tỉ USD, trong đó vốn FDI thực hiện khoảng 25 tỉ USD, là một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới với 17 FTA.
Từ khóa: tăng trưởng, tăng trưởng, khoán tăng trưởng, động lực phát triển kinh tế, tăng trưởng 2025, kinh tế Việt Nam 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm, tăng trưởng hai con số
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: ngọc tú quỳnh/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN