Khoa học Môi trường - Nghề nghiệp không thể thiếu thời hiện đại

Cập nhật: 19/08/2021

[VOV2] - Được sống trong một môi trường trong sạch, không ô nhiễm ngày càng được xã hội quan tâm. Đây chính là lý do ngành Khoa học môi trường có cơ hội rộng mở và được nhiều bạn trẻ yêu thiên nhiên, yêu sinh học và cây cối lựa chọn...

Khoa học môi trường là ngành khoa học liên ngành, tích hợp các ngành và phương pháp luận từ khoa học sinh học, hóa học, vật lý và thông tin (bao gồm sinh thái học, sinh học, vật lý, hóa học, khoa học thực vật, động vật học, khoáng vật học, hải dương học, khoa học đất, địa chất và địa lý vật lý và khoa học khí quyển) để nghiên cứu về các tác động từ các yếu tố bên ngoài như phát triển đô thị, công nghiệp hóa và gia tăng dân số đến chất lượng môi trường và giải pháp của các vấn đề môi trường.

"Đây là ngành nguồn nhân lực đang còn cần nhiều trong tương lai để đảm bảo một môi trường sống sạch, có chất lượng. Tôi tin, trong tương lai, người học ngành Khoa học Môi trường sẽ có những vị trí việc làm và đãi ngộ xứng đáng với ý nghĩa và giá trị công việc họ làm. Điều này đã và đang được thực hiện rất tốt ở các nước phát triển. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cơ hội việc làm của các cán bộ ngành môi trường cũng được mở rộng hơn nhiều.", TS Ngô Thị Thúy Hường, phụ trách ngành Khoa học Môi trường, Khoa Công nghệ sinh học, Hóa học và Kỹ thuật môi trường, Trường đại học Phenikaa khẳng định.

Các công việc có thể tham gia 

Theo TS Ngô Thị Thúy Hường, người tốt nghiệp ngành Khoa học môi trường có thể tham gia các công việc như thu thập và biên soạn dữ liệu môi trường từ các mẫu không khí, đất, nước, thực phẩm và các vật liệu khác để phân tích khoa học, xác định và đánh giá các mối đe dọa đối với môi trường; Xây dựng kế hoạch ngăn ngừa, kiểm soát hoặc khắc phục các vấn đề môi trường, chẳng hạn như ô nhiễm đất hoặc nước...

Ngoài ra, các vị trí công việc khác mà kỹ sư ngành “Sức khỏe môi trường và Phát triển bền vững” có thể đảm nhiệm thêm các công việc như:

- Kỹ thuật viên về phân tích trong các phòng thí nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm; 

- Chuyên viên về y tế cộng cộng; bảo tồn sinh học; an toàn lao động và sức khoẻ nghề nghiệp; phát triển bền vững;

- Kỹ thuật viên trong kiểm nghiệm dược phẩm, thực phẩm, về kiểm soát chất lượng sản phẩm và an toàn lao động

-  Kỹ thuật viên phân tích sàng lọc độc tính, nhiễm độc tại các cơ sở y tế.

Vị trí việc làm

Người tốt nghiệp ngành Khoa học Môi trường có thể làm việc tại Ban quản lý các khu công nghiệp, xí nghiệp xử lý nước thải, các công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp trong nước và liên doanh nước ngoài; Công ty công trình đô thị, công ty cấp thoát nước các địa phương; Các công ty tư vấn môi trường, các tổ chức phi chính phủ liên quan đến môi trường.

Ngoài ra, người tốt nghiệp ngành này cũng có thể làm ở các cơ quan Nhà nước liên quan đến lĩnh vực môi trường và nông nghiệp như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục Bảo vệ Môi trường, Trung tâm Quan trắc Môi trường, Văn phòng Biến đổi khí hậu.

Họ cũng làm việc ở Các khu bảo tồn, Khu dự trữ sinh quyển, Vườn quốc gia; các Viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng.

Riêng đối với Sức khỏe môi trường và Phát triển bền vững có thể còn làm việc tại: 

- Các cơ quan, doanh nghiệp, trường học có liên quan đến công tác nghiên cứu khoa học Sức khoẻ môi trường và Phát triển bền vững.

- Cán bộ, công chức trong lĩnh vực: an toàn vệ sinh thực phẩm; y tế cộng đồng; bảo tồn sinh học; an toàn lao động và sức khoẻ nghề nghiệp; phát triển bền vững;

- Quản lý trong lĩnh vực Công nhiệp: kiểm nghiệm Y Dược và Thực phẩm, về kiểm soát chất lượng sản phẩm và an toàn lao động

- Các cơ sở chăm sóc sức khỏe, y tế

Những ai phù hợp với ngành Khoa học môi trường?

Để theo học được ngành này, ngoài những kiến thức nền về Sinh, Hóa, Lý…yếu tố quan trọng hơn là người học cần phải có tình yêu với thiên nhiên, mong muốn được cống hiến để tạo ra môi trường sống tốt, nhằm bảo vệ môi trường sống có chất lượng và bảo vệ sức khỏe con người. Ngoài ra, trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc trao đổi, hợp tác trong sản xuất và nghiên cứu khoa học là không thể thiếu, do vậy, tiếng Anh cũng là yếu tố quan trọng để phát triển nghề nghiệp tốt hơn.

Cùng tìm hiểu hành trình đến với ngành Khoa học Môi trường:

Từ khóa: khoa học môi trường, Đại học Phenikaa, định hướng nghề nghiệp, công việc, việc làm, vov2

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập