Khó khăn trăm bề sau lũ rút ở Tông Cọ, Thuận Châu

Cập nhật: 19/08/2024

VOV.VN - Cơn lũ lịch sử qua đi, để lại cho hàng trăm hộ dân xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu, Sơn La cuộc sống bộn bề khó khăn. Sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành và các mạnh thường quân đã giúp bà con tạm thời vượt khó. Tuy nhiên, việc ổn định cuộc sống, sản xuất lâu dài của người dân sau lũ vẫn đang là bài toán khó.

 

Nước rút, bản làng từng chìm trong biển nước cao tới 7 - 8 mét đã hiện ra, thế nhưng, những gì còn lại là mênh mông bùn đất kèm rác và cây cối đổ gãy ngổn ngang. Ruộng lúa mới cấy đã vùi sâu dưới lớp đất; vườn đào cổ thụ, vườn ngô, cây cà phê đang chăm sóc chết khô sau lớp bùn nâu. Những mái nhà sàn hoang tàn, xác xơ cùng nhiều nỗi hoang mang, lo lắng của bà con...

Chị Lò Thị Thuỷ, bản Phé, xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu nghẹn ngào: "Ngập hết, ngập đến nóc nhà, phải chạy lấy người thôi. Ruộng lúa hoa màu mất sạch hết, không còn cái gì luôn. Mùi hôi thối xác động vật chết rất nhiều, vệ sinh không có chỗ mà đi, các cống tắc hết rồi. Bây giờ nghĩ không biết bao giờ mới ổn định được cuộc sống, đau lòng lắm, không biết làm thế nào...".

 

Cũng như hàng chục hộ dân ở bản Phé, xã Tông Cọ bị nước ngập tới nóc nhà, những vật dụng còn xót lại với gia đình bà Lò Thị Chiêm hầu như đã hư hỏng. Những tấm vải, chăn, đệm được bà nhặt lại, giặt bao lần mới sạch bùn đất, cũng không biết lúc nào mới khô để dùng lại được khi trời vẫn tiếp tục mưa...

"Vải vóc trước nay tôi cũng dệt được nhiều, nay ngập bùn hỏng hóc hết, nhiều cái phải bỏ đi vì giặt không được. Hôm nước ngập, mọi thứ trong nhà ngập hết không kịp lấy gì, có mỗi bộ quần áo trên người ướt đầm mặc cả ngày. Sau được bà con giúp đỡ, ủng hộ chúng tôi mới có quần áo mặc, áo đang mặc này cũng là của mọi người cho thôi".

Trong suốt 1 tuần qua, hàng trăm hộ dân bản Phé, bản Cọ và Thúm Cáy, xã Tông Cọ – vùng bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ ngập sâu đã đồng lòng, giúp nhau vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả.

Ông Lường Văn Châu, Bí thư chi bộ, trưởng bản Thúm Cáy, xã Tông Cọ cho biết: "Đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, kể cả nửa đêm lúc nước rút cũng đi giúp các hộ bị nặng rửa nhà, dọn sạch bùn; lúc mất điện chưa có nước để bơm để rửa bà con cũng dùng xô, chổi dọn sạch. Cũng mong những biện pháp về lâu dài để thông nước lũ, để bà con yên tâm hơn. Vì những ngày mưa bão, hang bé, nước về nhiều sẽ ngập, mong các cấp quan tâm giúp bà con có một cái rãnh để thoát lũ". 

Bà con nơi đây cũng đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành, các mạnh thường quân và bà con dân bản trong những ngày khó khăn nhất. Từ quần áo, chăn, gối, mì tôm, gạo, nước... những vật dụng thiết yếu liên tục được chuyển về tâm lũ, trao tận tay các hộ bị thiệt hại.

Bà Lò Thị Điến, người dân ở bản Lào và chị Lường Thị Loán ở bản Phé, xã Tông Cọ, Thuận Châu xúc động nói: "Tôi một thân một mình không chồng không con, bố mẹ cũng mất hết rồi, giờ ngập lụt nhà cửa và mọi thứ hỏng hóc hết không biết phải làm sao. Hôm nay được mọi người giúp đỡ cho đồ đạc, tôi cảm ơn nhiều lắm!".

"Nhà em ngập nặng luôn, chồng đi làm xa không về được còn mỗi mình, đồ đạc ở nhà không mang kịp gì luôn. Nếu các nhà hảo tâm không giúp đỡ thì không biết cuộc sống bọn em sẽ thế nào" - bà Điến nói. 

Theo thống kê, mưa lũ từ ngày 23/7 đã làm ảnh hưởng gần 300 nhà ở của người dân ở xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu; trong đó, gần 40 hộ bị ngập đến tận nóc nhà. Mưa lũ còn làm thiệt hại hơn 40 ha lúa, 65 ha cây ăn quả, hơn 200 ha ngô và rau màu... Nhiều hộ dân đã “trắng tay” sau lũ, trong đó có rất nhiều hoàn cảnh thương tâm.

Ông Lò Minh Huệ, Chủ tịch UBND xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu cho biết: "Sau khi nước rút thì bà con đã về nhà ở, tuy nhiên cũng đang gặp nhiều khó khăn. Sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành các nhà hảo tâm đã góp phần giúp bà con vơi bớt khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống. Về lâu dài, xã tiếp tục kiến nghị với các cấp các ngành quan tâm đầu tư hầm thoát lũ, khuyến khích bà con di chuyển đến nơi ở cao hơn an toàn hơn..." 

Như tâm tư, nguyện vọng của cấp uỷ, chính quyền và bà con nơi rốn lũ, rất cần các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, có phương án hỗ trợ ổn định cuộc sống về lâu dài; giúp cho bà con có nơi ở an toàn hơn, có kinh phí để sửa chữa nhà cửa, đồ dùng sinh hoạt; hỗ trợ cây trồng, vật nuôi để bà con bắt đầu cuộc sống mới sau lũ.

Từ khóa: tông cọ, khó khăn trăm bề, sau lũ rút, tông cọ, thuận châu, sơn la

Thể loại: Xã hội

Tác giả: thu thuỳ, lê hạnh/vov-tây bắc

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan